Thái Văn Kiểm
Các tiết lễ truyền thống từ bao đời nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa Việt Nam. Tạp chí Phương Đông mời quý bạn đọc cùng khám phá nguồn gốc, nét đặc trưng và giá trị của những tiết lễ tiêu biểu qua bài viết “Nguyên ủy các tiết lễ Việt Nam” trích từ cuốn Đất Việt Trời Nam của tác giả Thái Văn Kiểm xuất bản năm 1960.
Dân tộc nào cũng có ít hay nhiều tiết lễ, từ nghìn xưa để lại. Có những tiết lễ có tính cách địa phương, có những tiết lễ được cử hành long trọng trên toàn quốc, với nhiều tục lệ đáng quý.
Phàm đã gọi là một nước có văn hiến thì phải ghi nhớ, và bảo tồn những tiết lễ, phản ánh dân tộc tính và chứng tỏ trình độ văn minh của dân tộc ấy. Vì lẽ đó, chúng ta cần phải hiểu rõ nguyên ủy các tiết lễ của nước ta, cùng những tục lệ cổ truyền do tổ tiên chúng ta để lại.
Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu nguồn gốc, ý nghĩa và tục lệ của mỗi tiết lễ sau đây:
- Tết Nguyên đán
- Tết Trạng Nguyên
- Lễ Hàn Thực
- Lễ Thanh Minh
- Tết Đoan Ngọ
- Lễ Thất Tịch
- Lễ Trung Nguyên
- Lễ Trung Thu
- Lễ Trùng Cửu
- Lễ Song Thập
- Lễ Táo Quân
TẾT NGUYÊN ĐÁN
Lễ Nguyên Đán, hay nói một cách nôm na là ngày Tết, lấy nguồn gốc từ đời Ngũ Đế Tam Vương, nhưng ngày tháng lại khác, không như bây giờ.
Đời Tam Vương, nhà Hạ ưa chuộng màu đen, thì chọn đầu tháng Dần là tháng đầu năm để ăn Tết. Còn nhà Thương ưa thích màu trắng, lại lựa tháng Sửu là tháng Chạp. Đời nhà Châu ưa sắc đỏ, lại chọn tháng Tý là tháng 11.
Các Vua nói trên, theo ngày giờ, lúc mới tạo thiên lập địa, nghĩa là giờ Tý có trời, giờ Sửu mới có đất, giờ Dần sinh loài người mà đặt ra ngày Tết khác nhau.
Qua đời Đông Châu, đức Khổng Phu Tử theo nhà Hạ, đổi ngày Tết vào tháng Dần để cho thiên hạ ăn Tết nhứt định. Nhưng nó không được để yên, vì lẽ đến đời nhà Tấn, tháng Tết lại nhảy qua tháng Hợi, tức là tháng 10.
Cho đến khi nhà Hán lên ngôi trị vì thiên hạ, theo chủ trương của đức Khổng Phu Tử, lấy tháng Dần là tháng Giêng để thiên hạ ăn Tết, làm ngày nhứt định cho đến ngày nay.
Hơn nữa, các Vua Chúa đều nhìn nhận, trong một năm có bốn mùa là xuân, hạ, thu, đông, mà chỉ có mùa xuân là tươi đẹp hơn cả, khí trời mát mẻ, êm đềm hơn.
Đời nhà Hán, ông Đông Phương Sóc cho rằng, ngày tạo thiên lập địa, có thêm giống gà, ngày thứ hai thêm chó, ngày thứ ba sanh heo lợn, ngày thứ tư sanh dê, ngày thứ năm sanh trâu, thứ sáu sanh ngựa, thứ bảy sanh ra loài người, thứ tám sanh ra ngũ cốc…

Cho nên, ngày Tết kể từ mồng một đến mồng bảy, và riêng ở Việt Nam tháng Giêng là tháng nghỉ ngơi. Trong thời gian bảy ngày Tết, nhà cửa quét sơn lại, mới đẹp, dọn lư hương bàn thờ, thắp nhang khói để tưởng niệm vong linh ông bà, dòng họ.
Đúng 12 giờ đêm khuya 30 tháng Chạp là ngày giờ giao thừa, giờ ấy ông bà và những người bà con xấu số mới được phép Vua Diêm Vương cho về thăm viếng bà con. Giờ này mới đúng là năm cũ lui bước để cho năm mới đến. Đêm giao thừa, mọi nhà đều thắp đèn sáng trưng trên bàn thờ, có nhang khói tỏa ra thơm ngát khắp đó đâu.
Cha mẹ, vợ chồng con cái cháu chắt đoàn tụ lại đông đủ để lạy ông bà, mà người ta nói là mừng tuổi ông bà năm mới. Giờ này pháo cứ đì đùng nổ khắp mọi chỗ, các cậu bé bận áo quần mới nhảy múa tung tăng, không chịu ngủ, đợi cho đến ngày mai là ngày mồng một, ngày đầu của năm mới.

Ngày này, người ta sẽ bận áo quần mới đẹp đến nhà bà con cô bác thắp nhang trên bàn thờ, lạy ông bà, rồi không ngớt chúc nhau năm mới làm ăn thịnh vượng, phát tài, phát lộc, như thi sĩ Tú Xương đã ghi trong mấy vần thơ:
Lẳng lặng mà nghe họ chúc nhau,
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối.
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.
Đầu năm có lệ xông đất nghĩa là ai đến thăm trước sẽ mang lại sự may mắn hay sự rủi ro, tùy theo địa vị tánh tình của người ấy. Họ muốn có những người hiền từ, đến xông đất nhà họ, để cho cả năm họ được mọi sự lành.
Vì thế, ngày đầu năm, tức là ngày mồng một, kẻ làm cha mẹ thường hay ngăn cấm con cái mình không được qua nhà hàng xóm, trừ ra những người có thành tích tốt đẹp mới đi xông đất nhà bà con hay bạn bè trong ngày mồng một, không thì người ta đợi đến ngày mồng hai.
Những câu đối đỏ, những cây nêu cắm lên trước nhà có nghĩa trừ ma tống quỷ có thể đến quấy nhiễu. Nhưng người ta lại nói, nửa phần đất Việt Nam ngày xưa là đất Chiêm Thành, nên sau cuộc Nam tiến, người Việt có tục lệ cứ mỗi lần Tết đến, là cắm nêu để nhớ việc mở mang bờ cõi.
Thế rồi, từ đời này qua đời nọ, trên mấy chục thế kỷ, cho tới ngày nay, khoa học ngày càng phát minh mạnh mẽ, tục lệ ngày Tết thêm vô bớt ra, mà ý nghĩa của nó vẫn còn nguyên vẹn.
TẾT TRẠNG NGUYÊN
Đến ngày 15 tháng Giêng thì cử hành lễ Tết Trạng Nguyên. Trước cảnh đẹp của mùa xuân, nhà Vua có lệ ban đêm hội họp các Trạng Nguyên trong nước đãi yến tiệc trong vườn Thượng Uyển, để xem hoa, thưởng nguyệt, làm thơ xướng họa. Song mãi đến ngày nay, ta lại gọi là Tết Thượng Nguyên, để thiên hạ tấp nập đi lễ bái chùa, đền, miếu, vũ, đặng cầu phúc cầu may trong đầu năm mới. Vì thế nhân có câu: “Lễ Phật quanh năm, không bằng ngày rằm tháng Giêng”.
Giả thuyết thứ hai là theo tục lệ của Tàu, ngày này là ngày của tướng Nông Trí Cao, gốc người Vân Nam, bị tử trận khi đang đem quân sang đánh nước ta.
Giả thuyết thứ ba là ngày kỷ niệm của con cái Vua Xích Đế trước khi xưa vào rừng hóa kiếp làm con chim Bồ Các, bên Tàu gọi là chim Thước, làm tổ để ở, đúng ngày rằm tháng Giêng thì lại hóa ra Tiên rồi bay lên trời vậy.
LỄ HÀN THỰC
Lễ này, người ta gọi là lễ Lưu Trường Khúc Thủy, được cử hành vào ngày mồng 3 tháng 3. Cứ theo tục lệ đời thượng cổ bên Tàu, vào ngày tháng này, dân chúng rủ nhau ra bờ sông, bờ ao, bờ hồ, để xem mực nước cao hay thấp.
Thường thường hàng năm, vào ngày mồng 3 tháng 3 các Tỉnh trưởng ra lệnh cho dân chúng phải bày hương án trên các bờ sông, hồ, ao để làm lễ, đặt tên lễ là Lưu Trường Khúc Thủy.
Tới đời nhà Hán sử chép rằng vào ngày ấy, các bà hoàng hậu, công chúa, tội nhân… đều ra bờ sông làm lễ, rồi lại đi hái một ít lá dâu đem về cho tằm ăn để kén được thêm tốt tươi.
Con trai thi nhau đuổi thỏ, con gái thi nhau thả hoa xuống nước. Nếu các nhành hoa mỗi khi xuống nước kết được thành hình giống con vật thì được thưởng và được các cậu con trai kén chọn, về xin phép cha mẹ đi cưới làm vợ chính thức.
Đến đời Vua Tấn Văn Công, Tết này lại mang Tết Hàn Thực để nhớ lại ngày giỗ ông Giới Tử Thôi. Năm 654, trước Tây lịch, Thái tử Tần Trùng Nhĩ bên Tàu lên ngôi trị vì, sau bị giặc đuổi thua chạy, nhờ ông Giới Tử Thôi đem quân cứu thoát được nạn.
Lúc dẹp loạn xong, Vua liền khao thưởng quân sĩ có công trong việc dẹp giặc, quên lãng mất người có công to trong việc này là ông Giới Tử Thôi. Ông này giận Vua đem mẹ vào rừng ở biệt.
Mãi về sau, Vua sực nhớ lại công đức của ông, liền sai quan quân đi tìm ông về triều làm quan, ông nhất định không về, cho đến ngày mồng 3 tháng 3 vẫn tìm không được ông.
Vua muốn triệu ông về ngay không được, liền ra lệnh cho dân đốt sạch khu rừng, để ông sợ không có chỗ ẩn nữa mà ra về. Nhưng ông nhất định cùng mẹ trèo lên cây cao làm mồi cho ngọn lửa thiêu đốt chết luôn. Động lòng đau thương người có công to cho vương tộc, Vua đặt tên khu rừng cháy này là khu rừng Giới Sơn và ra dụ để cho dân chúng lấy ngày tháng này để kỉ niệm cái chết đáng tiếc của vị quan đã có công lớn.
Cho nên, bên Tàu, từ đấy cứ chọn tháng 3, dân chúng lại kiêng ăn thức nóng, ăn toàn đồ nguội, nhưng mãi về sau, nhận thấy tục lệ không tiện đối với bà già, trẻ em, nên chỉ kiêng có một ngày mồng 3 mà thôi.
Sách Ngụy thư chép rằng: về đời Hậu Hán, thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch, Vua lại ra lệnh cấm dân chúng không được ăn thức ăn nguội và phải ăn thức ăn nóng trong 6 tháng để kỷ niệm ông Ngũ Tử Tư, một vị quan to có công dày với đất nước, bị chết đuối.
Dân chúng phải theo lệ Vua, nếu không tuân lại bị tù tội, lưu đày. Về sau, Vua thấy lệnh chênh lệch quá, hai ông đều có công nhiều với nước. Vì chỉ kỷ niệm ông Ngũ Tử Tư mà quên mất ông Giới Tử Thôi, hai ông là hai bậc trung thần, một bị chết cháy, một bị chết đuối. Như vậy, không được công bằng. Nặng bên này lại nhẹ bên kia, làm sao được, nên Vua liền nghĩ ra cách ăn bánh chay, bánh trôi là lưỡng tiện hơn cả.
Vua hạ lệnh bắt dân chúng đến ngày mồng 3 tháng 3, làm bánh chay, bánh trôi để cúng là vì theo cao ý của Vua, muốn làm bánh chay, bánh trôi, phải bỏ bột vào nước đun cho chín, rồi vớt bỏ vào nước nguội mới đem ra ăn được.
Như thế, thật tiện cả hai bên, một thứ đồ cúng mà đem ra giỗ được cả hai ông.
LỄ THANH MINH
Lễ Thanh Minh thường nằm vào tháng 3 âm lịch hàng năm, cũng gọi là Lệ mồ.
Nhưng, khác với Lệ mồ của người Tây phương là một ngày buồn bã, nhớ lại người còn kẻ mất, ngậm ngùi thương tiếc… lễ Thanh Minh của người phương Đông là ngày ca ngợi sự tươi đẹp của tạo vật, của mùa xuân, đồng thời nhớ đến những kẻ đã khuất bóng.
Căn cứ phong hóa tạp quán từ ngàn xưa để lại, từ bên Tàu truyền qua, lễ Thanh Minh lại có nghĩa chia sớt đồng đều tình thương nhớ người sống đối với người quá cố trong sự đi thăm viếng, vun mồ quét mả.
Mùa đông mưa gió lạnh lùng quá, thì mùa xuân tươi đẹp lại đến tạo vật đổi thay, cây cối đâm hoa. Cho nên nhà văn nổi tiếng của nước Việt, Tố Như – Nguyễn Du tiên sinh, trong danh phẩm Kim – Vân – Kiều đã ca tụng lễ Thanh Minh như sau:
… Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm
Ngổn ngang gò đống chất lên
Thoi vàng hồ rắc, tro tiền giấy bay.
Vì thế, cứ mỗi độ xuân về, trong tiết tháng ba, trai thanh gái lịch, người ta đua nhau đi thăm mồ mả. Ở thủ đô, dân chúng thường viếng lăng Ông Bà Chiểu, tức là Tả quân Lê Văn Duyệt ở Gia Định, rất đông đảo, để cầu xin sự may mắn.

LỄ ĐOAN NGỌ
Vào mồng 5 tháng 5 âm lịch là ngày lễ Đoan Ngọ.
Sử chép rằng: xưa kia bên Tàu, về đời nhà Sở, ông Khuất Nguyên là vị quan to rất thông minh là liêm chính. Mỗi khi vào triều chầu, bàn bạc quốc sự, ông đều bị Vua bài bác vì những nịnh thần xúi giục.
Vì thế cho nên ông bức tức, chán đời, có làm một bài thơ hận lòng, gọi là “Hận ly tao” để lại trước ngày ông ra sông Mịch La buộc đá vào mình nhảy xuống sông tự tử, đúng vào ngày mồng 5 tháng 5.
Được tin, hối hận và rất thương tiếc, Vua liền ra lệnh sức dân làm cố đem ra tận bờ sông cúng ông và ném cỗ xuống sông cho ông hưởng.
Nhưng bao nhiêu cỗ ném xuống đều bị các tôm tép cá ăn mất hết trơn trọi.
Ông về báo mộng để Vua hay cơ sự như thế, là bao nhiêu cỗ ném xuống sông đều cá ăn hết, nếu còn nghĩ tới tình vua tôi, khi ném cỗ xuống cho ông hưởng thì phải lấy lá bọc lại, rồi buộc bằng chỉ ngũ sắc, kẻo sợ tôm cá ăn mất đi.
Được tin báo mộng của ông Khuất Nguyên, Vua hạ lệnh cho dân chúng phải làm như lời ông vậy.
Vì thế, ngày mồng 5 tháng 5, bên Tàu, dân chúng làm cỗ cúng linh đình trên các bờ sông, lấy lá bọc lại, có buộc chỉ ngũ sắc ném xuống dòng nước để kỷ niệm ông Khuất Nguyên.
Nhưng đối với nước ta, lễ Đoan Ngọ đã trở thành nghĩa khác. Đến ngày mồng 5 tháng 5, trong buổi sáng tinh sương, chưa ăn uống gì, mỗi người thi nhau ăn hoa quả xanh tươi để giết sâu bọ, rồi nhuộm móng tay móng chân. Đàn bà thì đeo bùa đeo dấu, trẻ con thì đeo chỉ ngũ sắc xin ở các nhà chùa yểm bùa cho, đóng dấu vào các vạt áo mặc để trừ khử ma quỷ, cho con nít ăn chơi mau mạnh.
Dân chúng lại cơm rượu nếp, bôi vôi vào cổ…
Cứ đúng trưa, đến giờ Ngọ, mỗi người lại đi lên rừng lên bụi, hái lá chặt cây đem về phơi khô làm thuốc, mà ta thường gọi là “lá mồng năm”.
Các loại sâu bọ: rắn rết, ếch nhái, thằn lằn… trong giờ Ngọ đều kiếm đường trốn mất, vì chúng biết vào ngày giờ nói trên, có người đi bẻ lá động cây, không thể nào ẩn được. Vì vậy, người ta lại bảo: giờ Ngọ ngày mồng 5 tháng 5, không bao giờ có rắn rết, ếch nhái…
LỄ THẤT TỊCH
Đúng vào ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch là ngày lễ Thất Tịch.
Nói một cách hoa văn hơn, lễ Thất Tịch nhắc nhở mối tình dang dở của Ngưu Lang và Chức Nữ…
Theo truyền thuyết, chàng với nàng mặc dầu yêu nhau khăng khít, trót thề non hẹn biển để cùng nhau trăm năm buộc một dải đồng, nhưng trớ trêu thay, địa vị của mỗi người lại cách biệt nhau ra. Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy vậy chấp thuận cho hai người lấy nhau. Từ đó, Ngưu Lang không còn chăm nom trâu bò nữa, và Chức Nữ trở nên biếng nhác không chịu lo canh cửi vá may, kéo tơ dệt vải cho dân có vải may áo mặc. Vì vậy, Ngọc Hoàng Thượng Đế đâm ra giận, làm cho chàng và nàng cách biệt hẳn nhau, lấy sông Ngân Hà chia đôi hai đàng. Nhưng lại còn ban chút ân huệ là, trong mỗi năm, vào đêm Thất Tịch, Ngọc Hoàng cho phép Ngưu Lang được gặp Chức Nữ một lần mà thôi, nhờ cầu Ô Thước để sang sông trao tình. Cho nên, thế gian đồn rằng, trong ngày lễ Thất Tịch, chim quạ lại về trời đội đá bắc cầu cho Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau.
Trong ngày mồng 7 tháng 7, người ta lại không thấy chim quạ đậu trên cành cây, giả thuyết nói trên lại càng làm cho dân chúng tin thêm nữa. Miệng thế lại còn nói thêm, mỗi bận gần đến mồng 7 tháng 7, Chức Nữ sung sướng vui tươi, mong cho mau tới ngày để gặp lại tình quân, làm việc gấp bội, nên tơ trời bay khắp nơi.
Có một thi sĩ quá rung cảm mối tình của Ngưu Lang, Chức Nữ, đã làm bài thơ:
Thương thay Chức Nữ, Ngưu Lang
Trong đêm gặp gỡ mơ màng khóc nhau
Tục truyền tháng bảy mưa ngâu
Con trời lấy đứa chăn trâu cũng phiền
Một rằng là duyên hai rằng là nợ
Mối xích thằng ai gỡ cho ra
Vụng về cũng thế Cung Nga
Trăm khôn ngàn khéo chẳng qua mục đồng
Hay là sợ ế chồng chăng lá?
Hơi đâu mà kén cá chọn canh
Lấy ai ai lấy cũng đành
Rể Trời đâu cả đến anh áo buồm
LỄ TRUNG NGUYÊN
Lễ này thường cử vào ngày rằm tháng 7 âm lịch.
Sách “Mục Liên cứu Mẫu kinh diễn âm” chép rằng: ngày xưa, La Bộc, con ông Phó Tưởng là người rất thông minh và hiếu thảo với cha mẹ. Ông mồ côi cha từ lúc nhỏ, bà mẹ của ông là bà Thanh Đề tham lam và gian ác.
La Bộc tuy đã lớn nhưng vì con một, nên sớm tối, ông vẫn luôn luôn hầu bên cạnh bà và không bao giờ xao lãng công việc. Cho mãi về sau, vì gia đình túng thiếu quá, ông xin phép mẹ qua mua bán ở tỉnh Kiên Liên để sanh nhai. Chẳng bao lâu, vì chịu khó mua bán cần kiệm làm ăn, ông đã trở nên giàu có rồi thu xếp sửa soạn về quê nhà thăm mẹ. Gom góp một số tiền khá lớn, ông sai người ở đưa về một ít cho mẹ, rồi ông về sau.
Vốn có tính hay hoang phí, sẵn tiền của con gởi về cho, bà đem phung phí tiêu xài hết, rồi giả vào chùa niệm phật ăn chay, chẳng bao lâu số tiền đã hết sạch. Định bụng sắp đặt, hễ con về có hỏi số tiền ấy thì bà sẽ trả lời rằng đã đem cúng vào các chùa đình miếu vũ cả rồi.
Khi về tới nhà, đứa ở là Ích Lợi thưa lại rằng số tiền đã đưa cả cho bà cụ. Nhưng bà con lối xóm lại kể đầu đuôi câu chuyện như vừa nói ở trên. Nghe rõ chuyện tuy là người con có hiếu, La Bộc liền ngã quỵ xuống đất máu ra lai láng khắp mình. Thấy vậy bà mẹ lo sợ vội vàng cứu chữa. Sau đó bảy ngày, bà liền đi sang thế giới bên kia.
Chôn cất mẹ xong, La Bộc thương nhớ khóc lóc ngày đêm, rồi làm nhà bên mộ mẹ 3 năm trời mới thôi. Các loài vật như loài chim thấy vậy đến đậu xung quanh La Bộc và mỗi con lại tha ít đất để lên ngôi mộ mẹ ông.
Chẳng mấy chốc 3 năm tang đã mãn. La Bộc qua nước Ki Đồ là nơi Phật ở, quỳ xuống tâu rằng: “Mồ côi cha mẹ, cô độc một mình, cúi xin Đức Phật cho phép tôi ở lại đây tu luyện theo hầu”. Phật thấy La Bộc hiền hậu, lại có hiếu đế, nên ưng thuận sai thầy Kha Na cắt tóc cho ông, đặt tên là Đại Mục Khiên Liên và cho vào tu ở chùa Lã Bí trong rừng Quýt Sơn.
Vâng lệnh Đức Phật, Mục Liên thẳng đến chùa Thiên Giai là nơi có âm hồn ở lại, trong thấy có cha là Phổ Tướng, mà mẹ không thấy, lòng ông lại càng buồn bã thêm. Nhớ thương mẹ, ông khóc lóc, Đức Phật hiện lại bảo rằng: “Mẹ nhà ngươi xưa kia tuy rằng một đạo, nhưng tham lam và điêu ngoa, nên đã bị đày xuống địa ngục rồi”
Tiện thể, Mục Liên lại xin phép Đức Phật cho xuống địa ngục tìm mẹ. Thoát tiên, ông xuống ngục Hung Giai, ngục Khôi Hà, rồi hết ngục nọ đến ngục kia, chỗ thì quỷ sứ chém người, chỗ thì mổ xẻ, chỗ thì bỏ cối xay, chỗ đốt vạc dầu, và trăm ngàn cách hành hạ tội nhân kể không hết được. Tuy đã qua nhiều ngục thất, nhưng ông không tìm ra được mẹ, đoạn ông liền hỏi một chú quỷ. Thấy người lạ mặt, chú quỷ này liền loan tin cho các chú quỷ khác, đến thấy Mục Liên là một Phật Tử liền quỳ xuống hỏi rằng: “Thưa, ông là ai?”
Mục Liên trả lời: “Được phép Đức Phật cho xuống đây tìm mẹ tôi tên là Thanh Đề, vợ ông Phổ Tướng, quê ở Vương Xá Lữ.
Nghe ông nói, quỷ liền đưa ông đến ngục A Tỳ thì quả nhiên thấy mẹ bị giam tại đó, Mục Liên xin phép quỷ cho ra để thăm mẹ. Vì chịu khổ quá mẹ nói với con những điều khổ hạnh than thở, khóc lóc, ủ ê, và nhờ con giúp ra khỏi ngục chừng nào hay chừng ấy.
Vâng lời, Mục Liên đưa mẹ ra khỏi ngục, thì quỷ không cho, bảo rằng phải có lệnh của Đức Phật mới được, Mục Liên liền vội vàng trở về dương gian cầu xin với Phật.
Đức Phật thấy Mục Liên người con hiếu hạnh, liền chấp thuận ngay và nói rằng: “Nhà ngươi cứ an lòng, trở về Vương Xí, ta sẽ hóa kiếp cho mẹ ngươi làm con chó để nhà ngươi được gặp”.
Vâng lời, vừa đến nơi, Mục Liên đã thấy con chó cái cứ quấn quít bên ông để xin lỗi. Ông hiểu ngay đó là mẹ. Ông liền hóa phép cho làm người và không ngớt đem lời lẽ ngọt ngào mà không kém phần hiếu hạnh để khuyên răn mẹ thật thà, rủ lòng theo chân lý đạo phật.
Kể từ đó về sau, hai mẹ con ngày đêm ăn chay niệm phật rồi tự nhiên đêm rằm tháng bảy, bà mẹ hóa tiên bay lên trời. Mục Liên thấy vậy vội vàng theo mẹ và cầu xin Đức Phật xá tội cho cả 7 đời họ hàng của ông nữa.
Dựa trên sự tích này, bên Tàu, cứ đến rằm tháng 7, các chùa đền miếu vũ đều làm chay chạy đàn, phá ngục cho các tội nhân, gọi là Tết Vu Lan. Và, ở nước ta cúng bái, gọi là ngày lễ vong ân xá tội.
TẾT TRUNG THU
Sách chép rằng bên Tàu đời vua Duệ Tông nhà Đường, niên hiệu Văn Minh đặt ra ngày Tết Trung Thu. Đêm rằm tháng 8, đêm mà trăng sáng tỏ khắp nền trời, vua Duệ Tông ngự chơi ngoài thành trong đêm thanh gió mát, cảnh vật xinh đẹp, mãi cho đến khuya thì bỗng nhiên lại gặp ông già, đầu tóc trắng như bông gòn, tay cầm gậy đi lại gần đến nhà vua. Lanh trí, nhà vua biết ngay đó là một vị Tiên Ông giáng thế.
Sau khi đôi bên thủ lễ, Tiên Ông liền hỏi: “Nhà vua có muốn lên cung trăng chơi không?”
Vua liền nhận lời ngay. Tiên Ông liền đưa cái gậy lên trời hóa phép ra một cái cầu vòng một đầu lại dính lên cung trăng, còn đầu vòng kia lại dính xuống đất. Tiên ông và Đường Minh Hoàng trèo lên cầu vồng đi chẳng bao lâu đã đến nơi. Vua thấy phong cảnh đẹp vô song, khác hẳn và riêng biệt một cách lạ thường hơn ở dưới trần, thứ nhứt là các tiên nữ đẹp không thể tả được, đẹp còn hơn một bài thơ hay; nhảy múa đó đây tung tăng trong bộ áo cực kỳ lộng lẫy với muôn ngàn màu sắc kim tuyến, thật là vui mắt quá.
Đây là cung Quảng nơi ở của các chư tiên. Nhà vua say sưa với bao nhiêu cảnh đẹp mê hồn, nhưng bỗng chốc, Tiên Ông lại đưa nhà vua về lầu ngủ. Khi về đến đây, nhà vua những tiếc nhớ, không bao giờ quên đi được, cái ngày có một không hai trong đời làm vua của Ngài, những giờ phút êm đềm thơ mộng ngây ngất trong khi viếng cung trăng, những kỷ niệm khó phai mờ trong trí của nhà vua được, nên nhà vua liền đặt ra Tết Trung Thu.

Vốn có một tâm hồn nghệ sĩ rung cảm trước muôn ngàn cảnh đẹp của trời đất, nhưng sau khi được đi viếng cung Quảng, chị Hằng lại làm cho nhà vua say sưa hơn nữa, đem lòng yêu mến tha thiết và luyến tiếc cảnh đẹp.
Nguồn gốc Tết Trung Thu chỉ có thế, cho nên bên Tàu cứ mỗi khi đến rằm tháng tám, dân chúng lại đua nhau làm thứ bánh trái theo hình mặt trăng trên lại có hình con rồng, hay hình hoa quả và những cái lồng đèn, tối lại đem ra trưng bày giữa sân suốt đêm.
Họ lại tưởng tượng cho mặt trăng là vợ của mặt trời, mà ngày Tết Trung Thu có ảnh hưởng rất nhiều với chị em phụ nữ. Đêm rằm tháng 8 là đêm trăng tròn xinh đẹp có nghĩa là đêm nên vợ nên chồng, đêm đầy hoa mộng của mối tình nồng nàn tha thiết yêu nhau. Các văn hào thi bá, các tiểu thuyết gia… thường ca ngợi đêm rằm tháng 8 trăng tròn đẹp, để nói lên những mối tình đượm đà của trai thanh gái lịch.

Muốn tận hưởng thú đêm trăng rằm tháng 8, thiên hạ đua nhau rước đèn kéo quân, múa lân khắp mọi nơi mọi chỗ để đáng giá trị cái đêm đẹp vô song, mà mỗi năm chỉ có một lần thôi vậy.
Có nhiều giả thuyết nói về ngày rằm tháng 8, nhưng chúng ta có thể nói ra đây câu chuyện sau này để cống hiên bạn đọc bốn phương, nhất là các bạn ngoại quốc được hiểu tỏ thêm văn hóa Đông phương; về đời Đường bên Tàu có một bà lão tuổi đã cao mà không có con cái họ hàng lại ở xa vắng. Trong một khu rừng hẻo lánh, bà sống cuộc đời tẻ lạnh, quanh năm chí tháng lấy nghề may vá áo quần đem về chợ tỉnh bán để nuôi thân già.
Một hôm, bà ta đến tận làng nọ, nhận lãnh áo quần đem về để may, khi trở về, trời lại tối, thấy trong các nhà cửa làng mạc dân chúng thi nhau thắp đèn sáng rực với cỗ bàn bánh trái ăn uống vui vẻ tới khuya. Lấy làm ngạc nhiên, bà ta hỏi mọi người trong làng, thì mọi người trả lời rằng đó là tục lệ của nhà vua đặt ra để thưởng vầng trăng đẹp đêm rằm tháng tám. Bà lão liền nghĩ rằng mặc dầu tuổi đã cao, gặp ngày lễ trăng rằm, ta nên đi mua bánh trái hoa quả và thắp đèn để thưởng trăng, cho bõ đời già.
Lúc trở về nhà, ngang qua một khu rừng vắng, bà lại gặp một con sư tử sống ở đây lâu năm đã thành yêu tinh, hằng năm ăn thịt không biết bao nhiêu người rồi. Tiếng ghê sợ của con yêu tinh này đã đến tai vua và dân chúng tìm đủ cách giết nó mà không được. Sư tử thấy người lần bước vào rừng trong đêm vắng trăng sáng, liền xông ra để bắt thịt.

Lão bà thấy vậy liền lo sợ tiếc công mua sắm lễ vật chơi rằm mà chưa ăn được, nên bà vội vàng quỳ xuống khóc lóc, van xin rằng: cho bà về nhà bày lễ ra trông trăng đẹp xong rồi sẽ đến hiến thân cho sư tử. Dường như hiểu thấu tâm hồn người vô tội, đau khổ vì cuộc đời lẻ loi, sư tử liền quay đi nơi khác để cho bà lão về tới nhà bình yên vô sự.
Khi ăn uống xong, vầng trăng đã mờ dần trong mây trắng, bà lão nhớ lại đến giờ tận số, liền khóc thảm thiết, tiếng kêu lên làm động lòng loài vật và đồ đạc trong nhà của bà, thì đột nhiên có một con rít dưới gầm giường bò lên như ra hiệu nói với bà đừng có sợ, để rít lo cứu cho bà khỏi chết, cái cối xay bên góc nhà cũng tự nhiên quay tít.
Thấy những sự lạ lùng đang diễn tại trong nhà, bà lấy làm lo sợ, nhưng tưởng có thần thánh ra hiệu phù hộ cho bà thoát khỏi chết vì sư tử, nên bà mới yên tâm, lại lên giường nằm ngủ đến sáng. Sau đó chốc lát, đúng như lời hẹn, sư tử lần mò nhẹ nhàng đến giường của bà lão nằm, định đưa hai chân trước lên choàng thân hình của bà lão đem ra ăn thịt thì con rít bò tới đốt vào đùi con ác thú. Sư tử đau buốt quá, lật mình ngã lăn xuống đất, chẳng may chạm phải cái cối xay để gần đó bị vỡ đầu chết tươi.
Thấy con ác thú định giết bà đã chết rồi, bà mừng rỡ quá, vội vàng đi báo cáo cho dân chúng biết, dân chúng đua nhau đến xem, đèn đuốc sáng trưng, trông con sư tử, rồi họ đem vào nạp vua để lấy thưởng.
Nghe rõ con ác thú đã từng giết hại lương dân, mà chưa trông thấy bao nên sau khi được thấy liền hạ lệnh cho dân đem theo gươm trường giáo mác, thắp đèn đuốc, khiêng sư tử đi khắp châu thành phố cho dân gian và quan quân trông coi.
Vì lẽ đó, nên đến ngày rằm tháng 8, bên Tàu lại có tục rước sư tử giả để nhớ ngày bắt được sư tử, cho nên nước ta bắt chước theo phong hóa lễ lạc của người Tàu, cứ đêm rằm tháng tám lại thi nhau mua bánh trái trà mứt đem về cúng rồi ăn uống xem trăng lên và lại hay múa sư tử, múa lân và đốt đèn khắp nhà. Người lớn hát trống quân, bên trai và bên gái hát lên những câu tình tứ ghẹo mãi đến sáng, một đêm để đượm tình luyến ái cũng như vua Đường Minh đã gặp các tiên nữ trên cung trăng.
Tết Trung Thu bây giờ ở nước ta có nghĩa là Tết của nhi đồng.
LỄ TRÙNG CỬU
Dứt lễ Trung Thu rồi mới nhảy qua lễ Trùng Cửu vào ngày mồng 9 tháng 9. Người ta tự hỏi, tạo hóa cũng khéo xoay vần, các lễ lạt đều tuần tự diễn ra trong những ngày lễ hàng năm như Tết Nguyên Đán vào ngày mồng 1 tháng giêng, lễ Hàn Thực vào ngày mồng 3 tháng 3, lễ Thất Tịch vào mồng 7 tháng 7 và lễ Trùng Cửu đúng vào ngày mông 9 tháng 9.
Vì chưng có câu: “Trùng Cửu đăng cao” để nói lên sự luyến tiếc không còn bao nhiêu ngày giờ nữa, mùa thu đẹp con nai vàng ngơ ngác đẹp trên lá vàng khô… sẽ tàn mất để mùa đông đến.
Tháng 9 là tháng cuối cùng của mùa thu nên các văn hào thi bá, mặc khách tao nhân bốn phương, để mến tiếc mùa thu, cùng nhau lên non cao đồi rộng nhìn bầu trời trong đẹp, lá vàng rụng mà trong một năm chỉ có ba tháng ngắn ngủi quá, rồi nhường cho mùa đông lạnh lẽo đến.
Bầu rượu, ngồi trên tảng đá, cùng nhau năm ba thi hữu, chén này hết đến chén kia để ca ngợi mùa thu, làm thơ xướng họa để thưởng cảnh thu đẹp với thu phong. Tạo vật cỏ cây đều tươi đẹp, khoe màu trong những ngày cuối thu mà các văn nhân nghệ sĩ đã từng ca ngợi và mến tiếc mua thu chóng tàn.
Sử chép rằng bên Tàu, đến ngày mồng 9 tháng 9, ngày lễ Trùng Cửu, cũng như lễ Thanh Minh, thiên hạ nô nức vui chơi, kẻ lên núi cao lội suối, người chơi bãi bể. Người lại thi nhau thả diều giấy lên cao vút. Các công nương, mỹ nữ, trong xiêm y lộng lẫy đi hái lá dâu, thì ngày lễ Trùng Cửu là một ngày lễ đầy gió lạnh và sương mù.
Các triều thần, các đại phú hào, các quan liêu phong kiến của chế độ xưa thường ăn lễ Trùng Cửu, còn hàng dân dã không bao giờ nghĩ tới ngày mồng 9 tháng 9 là ngày gì. Người ta lại nêu lên những giả thuyết nói về ngày mồng 9 tháng 9, ngày lễ Trùng Cửu thì nên hái bông hoa quả đem về trưng bàn thờ để tránh những tai biến bất thường có thể xảy ra trong mình.
Các bậc văn nhân trong ngày này, thường thường thi nhau tỉa cây, chiết hoa, đốt đèn lên, rồi uống rượu ngâm thơ, rượu cúc một vài chung, để nói lên những vần thơ hay những vẻ đẹp của mùa thu.
LẾ SONG THẬP
Lễ Song Thập là ngày lễ gần cuối năm, theo tục lễ của nhà Phật, đó là hạ nguyên. Lại nữa, theo một giả thuyết không được vững chắc, ngày mồng 10 tháng 10, trên Thiên Đình, Ngọc Hoàng Thượng Đế sai Sứ thần Tam Thanh xuống kinh lý trần gian để tổng kết những điều lành dữ trong một năm qua, đặng lập hồ sơ biên bản tâu lên Ngọc Hoàng minh xét. Vì thế nên dân chúng mới lập bàn thơ hương án, để rước điều lành tránh điều dữ trong dịp thăm viếng của Sứ thần Tam Thanh.
Lễ bạc lòng thành, dân gian thường luôn luôn cứ ngày mồng 10 tháng 10 là nấu cơm canh, trước là cúng ông bà cha mẹ qua đời và câu xin trời Phật phù hộ cho tai qua nạn khỏi, mạnh giỏi.
LỄ TÁO QUÂN
Lễ đưa Táo Quân thường đúng vào ngày 23 tháng Chạp, cò bay ngựa chạy từ đồng ruộng đến thị thành, khắp nơi mọi chỗ trong nước ta, một ngày, một giờ, một lúc, dân chúng đều làm lễ đưa Táo Quân.

Tục truyền lại rằng, ngày xưa, ở nước ta có hai vợ chồng nhà nọ, chồng tên là Trọng Cao, vợ tên là Thị Nhi. Đôi vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có con cái, nên tình yêu đương ngày càng thêm tẻ lạnh, thường cãi cọ luôn nhau mỗi ngày. Trong một cuộc cãi vã, mặn mất ngon, giận mất khôn, vợ chồng đấm đá nhau. Người vợ thấy chồng đánh đập mình tàn nhẫn quá, thừa lúc chồng đi vắng, bỏ nhà đi không ngày trở lại nữa.
Chị này đi đến ngã ba đường cái, cảm thấy trong mình mỏi mệt, liền ngồi xuống nghỉ chân một chỗ. Trong trí còn đang nghĩ vẩn vơ, buồn bã, bỗng có một người con trai đẹp đẽ đi ngang qua, thấy đường vắng lại có người đàn bà đẹp ngồi. Gã thanh niên này tên là Phạm Lang, khi thấy người đàn bà đẹp liền chòng ghẹo. Trước chị còn không chịu, sau nghe những lời đường mật của Phạm Lang, êm tai, liền ưng thuận. Thế là chàng Phạm Lang ghẹo được Thị Nhi về ăn ở với mình làm vợ chồng.
Khi Trọng Cao trở về thì thấy người vợ lại đi mất, vội vàng đi lùng tìm kiếm để xin lỗi vợ đặng về đoàn tụ, sống chung cùng nhau, nhưng tìm mãi vẫn không thấy vợ ở đâu cả mà xin lỗi. Thế rồi, ngày này qua ngày khác, anh ta bỏ cả công ăn việc làm, đi tìm vợ khắp mọi nơi.
Tìm mãi chẳng thấy vợ mà tiền trong túi tiêu xài gần hết, anh phải đi ăn mày cho qua ngày qua tháng, trong trí mong có ngày sẽ gặp được vợ thì may sao anh đến ăn xin một nhà nọ. Vì đi nhiều ngày đường sá xa xôi, mệt nhọc quá, bụng đói; sức yếu ngã gục xuống thềm nhà của Phạm Lang mà anh vẫn không biết đó là nhà của người vợ trước của mình, nay ăn ở với Phạm Lang. Trong lúc Phạm Lang đi vắng chỉ có người vợ và anh ta ở nhờ mà thôi, tức là Thị Nhi. Khi người ăn mày ngã ở cửa thềm nhà mình, vội vã chạy ra xem, thì nàng nhận ra người chồng cũ của mình, nàng lấy làm hối hận và thương tiếc nhiều lắm, bèn vực vào nhà, nấu cơm thiết đãi tử tế.
Nhưng nàng bỗng giật mình, sực nhớ lại Phạm Lang, người chồng mới nếu bắt được thì lôi thôi lắm, nàng bèn bảo người chồng cũ ra ngoài đống rơm mà nằm ngủ, cứ an tâm trú độ một vài hôm để chị ta có đủ thời giờ thu xếp hành lý, tìm cách trở về cùng nhau sống lại cuộc đời êm đẹp.
Rủi thay, khi Trọng Cao đã tìm ra được vợ, lại là ngày tận số của chàng, vì đêm hôm ấy, sau khi Phạm Lang làm ngoài đồng về, sực nhớ đến ngày mai không có tro bỏ ruộng, liền ra đồng châm lửa đốt đống rơm cho cháy để ngày mai đặng lấy tro, thì vào giữa lúc ấy Trọng Cao đang ngon giấc mà chị vợ cũng đang ngủ ngon trong nhà.
Khi được biết Phạm Lang đốt cháy đống rơm, nàng vội vàng chạy ra để cứu Trọng Cao nhưng muộn rồi, lửa bốc cháy to quá, Trọng Cao đã thành người thiên cổ. Thị Nhi thương tiếc Trọng Cao, quyết xông vào để cứu người bạc số. Vì lửa nóng quá, không kịp chạy ra khỏi được, nên cũng bị ngọn lửa liếm cháy nàng luôn. Phạm Lang đứng ngoài trông thấy vợ xông vào đống lửa mà không thấy ra liền nhảy vào tìm, thì ngọn lửa cũng thiêu cháy luôn. Người ở Phạm Lang thấy chủ bị ngọn lửa thiêu cháy, liền chạy vô cứu, cũng bị chết cháy nốt. Như thế ngọn lửa vô tình giết chết mất bốn mạng người trong một lần.
Sáng mai thiên hạ nghe tin ấy cho là một điều quái lạ, và tin rằng những người ấy chết sau này linh thiêng lắm. Bởi vậy, từ đó về sau dân chúng làm bếp ghép bằng ba hòn đá đều nhau, bắt ba góc và một hòn để ở giữa để kỷ niệm ngày chết của Trọng Cao, Phạm Lang, Thị Nhi và đứa đầy tớ. Dân chúng lại đặt tên cho Phạm Lang là Thổ Công trông nom việc trong bếp. Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà và Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa cho đàn bà, hoặc việc sanh sản, màu vật ở vườn đất v.v. Thổ Công thường gọi là Trương Đàn hay Tứ Quách.
Cứ đến cuối năm, vào ngày 23 tháng Chạp thì lại lên chầu Ngọc Hoàng để tâu những công việc hàng năm của mỗi gia đình mà thần đã có bổn phận trông nom suốt năm qua. Trong ngày 23 tháng Chạp, người ta thấy dân chúng làm lễ, mua sắm lễ vật như nón, mũ, áo, vàng, bạc, giấy, nhang đèn, giấy tiền… Thời gian về chầu Ngọc Hoàng, Thổ Công phải ở lại để nhận lãnh sự vụ lệnh mới, rồi trở về xó bếp mà tiếp tục công vụ là 6 ngày, ngày 30 tháng Chạp là ngày mà ông bắt tay vào việc. Ngày 30 tháng Chạp thiên hạ lại còn làm cỗ để ăn mừng, ta gọi là cỗ tất niên.
Bên Tàu, lễ 23 tháng Chạp có từ đời thượng cổ, nhưng họ cũng gom chung tất cả các vị Thần Thánh về chung hưởng một lễ, chớ không như bên ta. Vì họ cho trong ngày 23 tháng Chạp, tất cả các vị Thần Thánh mà Ngọc Hoàng Thượng Đế bổ đi nhậm chức khắp nơi trong thế gian cùng nhau về một lượt để chầu Ngọc Hoàng, nên họ gọi 23 tháng Chạp là ngày tết Bách Thần Triều Thiên.■