Bài: Charles Childs | Ảnh: Co Rentmeester
Thanh Trà lược dịch
Đã có nhiều bằng chứng và nghiên cứu cho thấy sau khi trở về từ Việt Nam, các cựu binh Mỹ không những mang theo những vết thương về thể xác và tinh thần, mà còn phải chịu sự thờ ơ, thậm chí kỳ thị ngay trên chính quê hương họ, xuất phát từ tâm lý phản chiến của người dân. Về mặt chính sách phúc lợi, họ cũng không được hưởng những lợi ích như chính phủ Mỹ đã hứa hẹn. Nhiều người phải sống trong cảnh bệnh tật, thất nghiệp và nghèo túng.
Phóng sự ảnh của Charles Childs và Corentmeester đăng trên Tạp chí Life số ra ngày 22/5/1970 đã đem lại cho công chúng một cái nhìn về tình cảnh “sống dở chết dở” của các cựu binh Mỹ trong các bệnh viện dành riêng cho cựu chiến binh, mà chính các bác sĩ ở đây miêu tả là “bẩn thỉu” và “như thời trung cổ”. Theo các tác giả, trong khi chính phủ Mỹ đổ nguồn lực khổng lồ vào cuộc chiến ở Việt Nam, ngân sách y tế dành cho cựu binh Mỹ lại khiêm tốn và còn bị cắt giảm.
Tạp chí Phương Đông lược dịch và giới thiệu với bạn đọc phóng sự này.
***
Tính đến nay[1] đã có 275.000 lính Mỹ bị thương ở Việt Nam, chưa kể những người tử trận. Một người lính bị thương ở Việt Nam có cơ hội sống sót cao gấp đôi so với ở Hàn Quốc và trong Thế chiến II, bởi các đội trực thăng sơ tán những người bị thương nhanh hơn, thường chỉ trong vài phút, còn các bệnh viện dã chiến có thể khéo léo chữa lành những vết thương ở mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Nhưng sau khi đã được cứu sống bởi hệ thống y tế dã chiến tốt nhất trong lịch sử, và được điều trị ban đầu trong những cơ sở quân sự hạng nhất, cứ bảy quân nhân Mỹ bị thương ở Việt Nam thì có một người sẽ phải nằm trong các bệnh viện ảm đạm, tù túng của Cơ quan Đặc trách Cựu chiến binh Hoa Kỳ.
Với 166 cơ sở riêng biệt, đây là hệ thống bệnh viện cựu chiến binh lớn nhất thế giới. Mỗi năm có khoảng 800.000 bệnh nhân được điều trị ở đây, chủ yếu là binh lính với các chấn thương từ tim cho đến tâm thần. Tuy nhiên, điều đáng hổ thẹn là hệ thống này lại thiếu nhân viên, với các tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với một bệnh viện cộng đồng bình thường. Nhiều khoa phải đóng cửa vì thiếu nhân sự, và số còn lại đang căng thẳng vì quá tải. Cơ sở vật chất để điều trị và phục hồi chức năng lâu dài, vốn là những điều kiện thiết yếu để điều trị các loại thương tật đặc biệt phổ biến trong chiến tranh, nói chung là kém. Tại bệnh viện cựu chiến binh ở Miami, bệnh nhân có thể phải chờ hàng giờ để được truyền máu, trong khi các thiết bị hiện đại nằm đắp chiếu do thiếu nhân viên được đào tạo. Tại bệnh viện kiểu mẫu của Cơ quan Đặc trách Cựu chiến binh ở Thủ đô Washington, một y tá có thể phải chăm sóc 80 bệnh nhân cùng lúc. Tại Bệnh viện cựu chiến binh Wadsworth ở Los Angeles, các bác sĩ làm việc ở đây mô tả tình trạng bệnh viện là “bẩn thỉu” và “như thời trung cổ”.
Giám đốc Cơ quan Đặc trách Cựu chiến binh Donald E. Johnson khẳng định công khai rằng các cựu chiến binh nhận được “sự chăm sóc hàng đầu”. Nhưng phần lớn bằng chứng đã chống lại tuyên bố đó. Một cuộc điều tra kéo dài 5 tháng của một tiểu ban ở Thượng viện do Alan Cranston của California chủ trì đã ghi lại những bất cập nghiêm trọng và chỉ ra nguyên nhân chính là do một loạt các khoản cắt giảm trong ngân sách y tế của Cơ quan Đặc trách Cựu chiến binh. Ngân sách này hiện vào khoảng 1,6 tỷ đô la một năm, gần bằng phí tổn cho một tháng chiến đấu ở Việt Nam. Các khoản trích lập bổ sung trị giá 122 triệu đô la cho năm tới đang chờ Quốc hội thông qua và có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng này. Nhưng trong vòng 12 tháng tới, các bệnh viện cựu chiến binh dự kiến sẽ đón thêm 16.000 lính bị thương trở về từ Việt Nam.
Câu chuyện của một cựu binh Mỹ
Vòng vây tại Khe Sanh đã được dỡ bỏ và lính thủy đánh bộ Marke Dumpert quay trở lại Quảng Trị, cảm giác nghẹt thở khi biết mình đã vô cùng may mắn. Anh đã sống sót qua một trong những trận chiến khốc liệt nhất của cuộc chiến. Cứng rắn và đầy kinh nghiệm, Dumpert, khi đó là một binh nhì, đã xung phong đi cùng một hạ sĩ và một binh nhất trong cuộc tuần tra định kỳ ở tiền tuyến. Anh đã ở Việt Nam được ba tháng. Đó là ngày anh gặp nạn.
“Khi chúng tôi đi ra khỏi trại,” Marke nhớ lại, “Tôi ngồi đằng trước bên cạnh cửa, viên hạ sĩ lái xe, còn binh nhất ngồi sau. Tôi nghe thấy tiếng nổ, một âm thanh thường tình ở Khe Sanh. Anh sẽ bắt đầu toát mồ hôi khi điều đó xảy ra vì anh có thể biết được độ gần của quả đạn pháo. Tôi biết đó là một trong những khẩu pháo dài gần 2 mét do Nga sản xuất vì nó nghe như một đoàn tàu chở hàng đang lao xuống. Ngay khi tôi vừa hít một hơi thở sâu… điều đó đã xảy ra.”
Dumpert bật tung khỏi xe và bị quăng vào một hàng rào thép gai xoắn. Sau đó, đến lượt chiếc xe tải cán qua và nghiến anh vào hàng rào thép gai. Cơn đau thật khủng khiếp. Anh cảm thấy như có một bóng đèn phát nổ trong mắt. Mặc dù bị gãy cổ nhưng không biết vì phép màu nào mà anh vẫn tỉnh.
May mắn là sự việc xảy ra không xa doanh trại, vì vậy anh mau chóng được cấp cứu. Được kéo ra ngoài và giải thoát khỏi mớ dây thép gai, Dumpert được đưa đến bệnh viện dã chiến gần đó và được cố định bằng hai bao cát ở hai bên đầu. Một trực thăng cứu thương đã đưa anh đến một con tàu bệnh viện trên Biển Đông. Toàn bộ hành trình, từ khi bị thương đến khi nhập viện, chỉ diễn ra trong 75 phút. Bốn ngày sau, các bác sĩ đã phẫu thuật để đưa chiếc cổ bị gãy của Dumpert trở lại vị trí cũ. Và rồi họ nói: anh sẽ sống sót nhưng sẽ bị liệt từ cổ trở xuống suốt phần đời còn lại.
Sau cuộc phẫu thuật trên tàu y tế, Marke được đưa đến Bệnh viện Hải quân Philadelphia bằng máy bay. Ở đó, họ đã giúp anh học cách hít thở trở lại, và bắt đầu vật lý trị liệu. “Họ đã làm rất tốt”, Marke nói. “Các tình nguyện viên và những người USO[2] thật tuyệt vời. Các y tá quân y cũng rất kỷ luật và tận tụy”.
Tháng 9 năm 1968 là lúc phải chuyển đến một bệnh viện cựu chiến binh. Đối với Dumpert, cũng như những người bị thương khác, điều đó có nghĩa là tình trạng của anh đã được cải thiện và ổn định đến mức có thể bắt đầu quá trình chăm sóc kéo dài. Nhưng hóa ra bệnh viện cựu chiến binh Bronx không phải là một chốn đáng mong đợi.
“Ngày họ chuyển tôi đến khoa 3-C u ám đó, tôi biết mình đã trở lại chiến trường”, Dumpert nói. “Lại là nỗi khốn khổ của Khe Sanh. Tôi đã ở trong một boongke rộng 8×21 feet (tương đương 2,4×6,4 mét) ở Khe Sanh hơn một tháng rưỡi. Tôi nhớ mùi của bốn người khác cộng với mùi của chính mình, khi chúng tôi phải để dành nước để uống chứ không thể tắm rửa, khi chúng tôi sống chung với rác, thay vì đi vứt rác và bị bắn chết. Nhưng ít nhất ở Khe Sanh, anh có thể cười đùa vui vẻ. Cái chết luôn lảng vảng xung quanh nhưng anh vẫn có khả năng thoát ra được. Nhưng ở trong bệnh viện này, sống với nỗi khổ ải của sáu thằng bị bỏ rơi, không thể tự tắm rửa, thậm chí không thể tự lấy cho mình một cốc nước, những người bị bỏ mặc hàng giờ… thật đáng sợ.”
“Không ai đáng phải sống trong những hoàn cảnh này”, Dumpert khẳng định. “Tất cả chúng tôi đều phải đeo túi đựng nước tiểu, và do không có đủ người phục vụ giúp xả đi, chúng tràn ra sàn, khô lại và bốc mùi kinh khủng. Các điều dưỡng viên làm việc không nhiệt tình lắm, nhưng với thu nhập như vậy, việc gì họ phải cố? Tôi đã nằm nghiêng một bên từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều, mà không ai giúp xoay người hay rửa ráy. Nếu có lúc nào được đi tắm, sau khi tắm xong anh sẽ được đặt nằm trên tấm khăn trải giường bẩn thỉu như cũ. Tình cảnh giống như anh đang ở tù hoặc bị trừng phạt vì điều gì đó.”
Lũ chuột mới là điều tệ nhất. Dumpert kể: “Chưa đến 11 giờ nhưng tôi đã ngủ. Nhưng rồi tôi chợt tỉnh giấc và phát hiện một con chuột ở trên tay mình. Tôi không cử động được tay nên cố giật mạnh vai. Tôi hét lên và con chuột từ từ nhảy ra khỏi giường. Khi người điều dưỡng đến, tôi kể với anh ta. Anh ta nói: “Ồ, chắc anh say rồi!” Đến giờ họ vẫn chưa làm gì để xử lý việc này, vì vậy một số người không khuyết tật hoàn toàn đã đặt bẫy để bảo vệ chúng tôi. Nếu anh bị chấn thương hệ thần kinh và bị mất cảm giác, anh có thể bị cắn vào ban đêm mà không hay biết”.
Dumpert nói: “Tôi cảm thấy cách người ta đối xử với các cựu binh trở về từ Việt Nam thật bất bình thường. Tôi rất tiếc khi phải nói điều này, nhưng bây giờ tôi không còn gì khác ngoài sự ghê tởm đối với đất nước của mình. Tôi đã từng ghét những người chạy sang Canada để trốn quân dịch. Bây giờ tôi không ghét họ. Tôi không thích họ, nhưng tôi tôn trọng họ vì những gì họ đã làm. Nếu tôi biết những điều này từ trước, tôi sẽ không bao giờ nhập ngũ. Ý tôi không chỉ là chấn thương này, mà còn là sự vô cảm và thiếu quan tâm. Điều đó khiến tôi băn khoăn về Việt Nam – phải chăng những người đã chết, và những người đang sống dở chết dở giống như tôi, đã chiến đấu vô nghĩa”.■
[1] Tức là thời điểm tháng 5/1970. Các số liệu trong bài cũng được thống kê tính đến thời điểm này. (ND)
[2] United Service Organizations Inc., viết tắt: USO, là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp các chương trình văn hóa, giải trí và các phúc lợi khác cho quân nhân Mỹ. (ND)