CON ĐƯỜNG THIÊN LÝ
Alastair Lamb | Đinh Tuấn Nghĩa dịch, Nguyễn Thị Thúy Thúy hiệu đính
In 1000 cuốn | Khổ 16x24cm | Bìa cứng có áo | 500 trang
Bao gồm 36 tranh ảnh tư liệu xưa
Giá bìa: 460.000đ
Cuốn sách này tập hợp các tư liệu gốc về 7 chuyến du hành của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam, kèm theo những phân tích, giải thích của tác giả A. Lamb về bối cảnh lịch sử, mục tiêu của các sứ bộ, cũng như những dữ liệu tiểu sử có liên quan. Đặc biệt có giá trị là bản báo cáo dài 81 trang của phái bộ Chapman (1778), mà A. Lamb đánh giá là “bản ghi chép gần nhất với ngưỡng một tác phẩm văn học thực thụ ra đời trong hơn hai thế kỷ rưỡi tiếp xúc Anh – Việt”.
Những tường thuật về các lần đề nghị bang giao của Anh với Việt Nam trong thế kỷ 17, 18, và 19, mặc dù gần như không đạt được mục đích đề ra, lại chứa đựng rất nhiều thông tin quan trọng về diễn biến lịch sử Việt Nam qua một giai đoạn chứng kiến sự thay đổi từ xung đột Đàng Ngoài – Đàng Trong, trong những cuộc phân tranh giữa hai họ Trịnh – Nguyễn, tới một nước Việt Nam hợp nhất mà vua Gia Long chính thức sáng lập vào năm 1802.
Cùng với 36 bức tranh đen trắng tuyệt đẹp do A. Lamb tuyển chọn từ du ký của các nhà hải hành phương Tây, ghi chép của các sứ giả cũng cung cấp nhiều thông tin quý giá về đời sống của người Việt thời xưa, với những miêu tả tỉ mỉ, sống động về trang phục, ẩm thực, kiến trúc, giao thông, luật lệ, nghi lễ, kinh tế và kỹ nghệ.
*Alastair Lamb, sinh năm 1930, là sử gia về quan hệ quốc tế. Ông nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Cambridge (1958) và từng nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Malaya, Đại học Quốc gia Australia, Đại học Ghana, và Đại học Hatfield Polytechnic. Ông là thành viên Hiệp hội Khảo cổ London (Society of Antiquaries of London) và Hiệp hội Nghiên cứu Châu Á Hoàng gia Anh và Bắc Ireland (Royal Asiatic Society of Great Britain and Ireland).
—————-
LỜI TỰA
Cuốn sách The Mandarin Road to Old Hué: Narratives of Anglo-Vietnamese Diplomacy from the Seventeenth Century to the Eve of the French Conquest (tên tiếng Việt: Con đường Thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19) của Giáo sư Sử học Alastair Lamb, ấn bản đầu tiên năm 1970, đã có mặt tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng ngay từ những ngày đầu. Chúng tôi, những nhà nghiên cứu – sưu tầm tư liệu của Thư viện Nguyễn Văn Hưởng, cũng sớm ấp ủ mong muốn truyền tải tới độc giả Việt Nam những giá trị học thuật độc đáo của cuốn sách. Sau gần hai năm biên dịch, biên tập, tới đây chúng tôi đã có thể tự hào giới thiệu với độc giả ấn bản tiếng Việt của tác phẩm này.
Cuốn sách được chia làm 6 phần, mỗi phần viết về một sứ bộ Anh Quốc du hành tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội giao thương hoặc để phục vụ lợi ích chính trị của nước họ: Bowyear (1695-1696), Chapman (1778), Macartney (1793), Robert (1804), Crawfurd (1822), Davis và Wade (1847, 1855). Mỗi phần mở đầu bằng một chương dẫn nhập để giới thiệu và phân tích bối cảnh lịch sử mà chuyến du hành diễn ra. Qua những phân tích kỹ lưỡng và khúc chiết của Alastair Lamb, các chương dẫn nhập không chỉ làm toát lên đời sống chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam vào từng thời điểm đó, mà còn cho bạn đọc thấy rõ mối quan hệ tương hỗ giữa Việt Nam, các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm, vùng quần đảo Indonesia và Philippines, và các nước phương Tây như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hoa Kỳ. Do đó, mặc dù tên sách tưởng như chỉ gợi ý đến quan hệ ngoại giao Anh-Việt, nhưng thực tế có thể được coi như một cuốn sách về lịch sử Việt Nam từ thời chiến tranh Trịnh – Nguyễn (thế kỷ 17) đến trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược (thế kỷ 19).
Sau chương dẫn nhập, Alastair Lamb sẽ trích đăng những báo cáo, thư tín, nhật ký, tường thuật của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam, do ông nghiên cứu và thu thập được từ văn khố về Công ty Đông Ấn tại Thư viện Văn phòng Ấn Độ (London) và Thư viện Wellcome (London). Đọc những tài liệu gốc này, với những quan sát tinh tế và sắc sảo của người viết, chúng tôi đã thích thú và bất ngờ khi thấy những người Việt của ba, bốn trăm năm trước hiện lên gần gũi với những sắc thái, cảm xúc, cử chỉ thật không khác nhiều so với chúng ta ngày nay. Những cô gái lai Tây được coi trọng ở Đàng Ngoài nhờ nước da trắng trẻo, những người vợ Việt chung thủy và là tay hòm chìa khóa cho những thương nhân châu Âu mỗi năm chỉ tới Việt Nam theo mùa gió thổi (theo ghi chép của Dampier). Hai viên quan nhà Nguyễn đi nhờ tàu Anh Quốc từ Đà Nẵng để tới Đồng Nai vào mùa hè năm 1777, nhưng vì tàu gặp bão nên phải chuyển hướng đi thẳng sang Calcutta, đã “e sợ”, “bơ vơ” và “hoang mang” ở xứ lạ như thế nào, rồi một người đã qua đời trên đường về Việt Nam bằng tàu biển. Một quán ăn gần Quy Nhơn phục vụ sứ giả Anh món “gà chặt miếng nhỏ, có rắc thêm chút muối và rau thơm” (theo tự sự của Chapman). Những người có quyền lực, dù chỉ hơn kém nhau có một bậc, dù trong vấn đề dân sự hay riêng tư, đều “không mảy may đắn đo” khi trừng phạt người dưới. “Suất thập thì phạt roi lính, rồi suất đội lại phạt roi suất thập. Chồng đánh vợ và rồi vợ đánh con” (theo Báo cáo của Crawfurd)… Ghi chép của các sứ giả cũng cung cấp nhiều thông tin quý giá về phong tục tập quán, lễ nghi, lối sống của người Việt thời xưa, với những miêu tả tỉ mỉ, sống động về trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà cửa, giao thông, luật lệ, nghi lễ, kỹ nghệ và việc mua bán. Chắc hẳn, nếu đọc một cuốn sách lịch sử thông thường, độc giả sẽ khó lòng cảm nhận được cảnh xưa, người xưa hiện ra sống động và chân thực đến thế.
Một đóng góp quan trọng khác của cuốn sách Con đường Thiên lý là nó đã chỉ ra những nguồn lực, thế mạnh của Việt Nam trong quá khứ, mà đến nay vẫn có thể khai thác làm giàu cho đất nước nếu được quan tâm đúng mức. Về sản vật, Việt Nam có quế, tiêu, bạch đậu khấu, lụa, bông, đường, trầm hương, sắt, vàng, bạc, cây thuốc nam và những loại thú rừng quý hiếm… Về địa chính trị, Việt Nam nằm ngay trong tuyến đường giao thương nối Trung Quốc, Nhật Bản với phương Tây, qua quần đảo Indonesia và Ấn Độ; Việt Nam còn có những đảo, bán đảo và cảng vịnh phù hợp làm nơi neo đậu, giao thương của tàu thuyền như Côn Đảo, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Cù Lao Chàm; vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể làm cầu nối thương mại giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Về con người, theo như nhận xét của đặc sứ Roberts, “vị trí và khí hậu giúp đất nước này có khả năng trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất trên thế giới, và theo tôi nghĩ, không ai có thể làm được điều này ngoại trừ những người dân ở đây, nếu như họ được đặt vào tay một chính quyền phù hợp. Họ có vẻ là tộc người lành tính và thân thiện, nhưng cũng rắn rỏi và chăm chỉ; và ngay cả trong điều kiện bất lợi hiện tại, họ cũng bộc lộ được điểm này, thì hãy tưởng tượng điều họ có thể đạt được nếu được khuyến khích đúng đắn”.
Tới đây, chúng tôi xin nhường lại để độc giả thưởng thức, chiêm nghiệm và có đánh giá riêng đối với tác phẩm. Là những người tổ chức xuất bản, chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến dịch giả Đinh Tuấn Nghĩa và người hiệu đính Nguyễn Thị Thúy Thúy vì đã dày công biên dịch, hiệu đính và chú thích cho cuốn sách này, một công trình đầy ắp thông tin, tư liệu và chứa đựng nhiều văn bản tiếng Anh cổ, mà chỉ có thể được chuyển ngữ với một trình độ ngôn ngữ xuất sắc và sự cẩn trọng, tỉ mỉ, trách nhiệm khi làm việc với những con chữ.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với độc giả.
Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2021
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng