Hồng Lam
Trích tập văn thơ Vườn xuân, 1945
Ngày giỗ làng
Hàng năm, cứ đến ngày cuối năm, trong lòng tôi có một ngày gọi là ngày giỗ làng. Đó là ngày để kỷ niệm cuộc tàn sát và phá hủy của dân theo đạo Thiên Chúa lại làng tôi, về dịp vua Hàm Nghi xuất thế và kinh thành Thuận Hóa thất thủ (1885). Vì làng tôi là một làng văn thân vân phản đối đạo Thiên Chúa khi đạo này mới truyền sang ta và bị vua cấm đoán một cách nghiêm ngặt nên đến lúc đạo đã được tự do truyền giáo ở xứ ta thì dân theo đạo lại làm cách trả thù. Những việc lương, giáo đánh nhau như thế về hồi đó rất nhiều và thực là một việc đáng tiếc.
Hồi đó, dân theo đạo các làng gần vùng tôi đã tổ chức thành những đội quân có giáo, mác, gậy gộc kéo đến phá làng tôi trước tiên. Trai tráng trong làng tôi dưới quyền chỉ huy của các vị văn thân cũng tổ chức cuộc kháng chiến trong một hai ngày đầu, nhưng cuối cùng đành chịu thua và bỏ trốn trước số đông. Bao nhiêu dinh cơ của các vị đại thần đương thời như dinh quan Cố thượng thư Hồ Trọng Định, dinh quan Án sát sứ Hồ Bá Ôn (bị thương trong khi giữ thành Nam Định năm 1833 và chết vì vết thương đó), dinh mấy viên tham tán quân vụ ở làng tôi và nhà cửa của các nhà giàu có đều bị phá. Người trong làng kẻ nào nhanh chân chạy trước thì thoát, còn những kẻ chậm chân vì tiếc của hoặc vì hèn yếu thì một số đông bị tàn sát. Làng tôi đã trải qua một nạn hỏa hoạn ghê gớm kéo dài đến mấy ngày mấy đêm mới dập tắt.
Đến nay, hằng năm đến ngày mà cả làng bị phá, những nhà trong làng có ông cha bị nạn về dịp đó đều sửa cỗ bàn cúng đơm. Vì nhiều nhà trong làng cùng có giỗ trong một ngày nên người làng mới gọi là “ngày giỗ làng”, một cái tên gọi rất có ý nghĩa.
Tiếng trống Văn hội trong đêm Giao thừa
Đến đêm ba mươi Tết sau lễ trừ tịch, tất cả các nhà trong làng tôi đều đèn hương lễ bái sáng trưng và tất cả mọi người đều thức để đợi ba hồi trống của Văn hội báo tin đã đến giao thừa. Vì làng tôi rất nhiều khoa hoạn, nên Văn hội trong lòng rất được quý trọng. Về các dịp tế lễ xuân thu, tất cả các văn thân hàng huyện và viên tri huyện sở tại cũng đều đến dự lễ một cách rất cung kính. Trống của Văn hội là một cái trống cái lớn, đường kính rộng tới một thước Tây và chiều dài gần hai thước.
Trống đêm giao thừa tịch mịch, những tiếng trống nghe như tiếng sấm xé tan sự yên lặng trong không gian mà báo tin cho cả làng biết là đã sang xuân. Tiếp với ba hồi trống của Văn hội do một người có danh vọng trong hàng hội đứng đánh một cách ung dung thong thả, những hồi chuông trống của các tư gia nổi lên cúng giao thừa. Tiếng pháo đì đẹt lẫn với tiếng trống làm thành một thứ tiếng ồn ào, nhộn nhịp như để đón xuân mới vừa sang.
Những cuộc vui đầu xuân trong làng
Làng tôi lập ấp từ đời Trần Phế Đế (1377) về cuối nhà Trần. Trong hồi này có Hồ Quý Ly giữ chức Khu mật viện sứ trong triều. Quý Ly là một người con cháu họ Hồ, mà thủy tổ là Hồ Hưng Dật, trước hồi nội thuộc được bổ sang ta làm Diễn Châu thái thú. Vì dựa thế lực của Quý Ly mà một người trong họ Hồ là Hồ Hằng cùng với các ông tổ họ Hoàng và họ Nguyễn đến lập ấp ở miền Quỳnh Đôi xưa kia còn ở bờ bể. Hiện nay trong làng vẫn có ba họ lớn nhất là họ Hồ và hai họ Hoàng, Nguyễn, cùng các họ nhỏ khác. Ba họ Hồ, Hoàng, Nguyễn từ xưa vẫn có nhà thờ lớn, các ông thủy tổ các họ đó lại được phong sắc vì được dân làng phu tế ở đền cùng với vị thành hoàng trong làng. Hàng năm cứ đến dịp Nguyên đán bắt đầu từ mồng hai tết thì dân làng lại tổ chức nhiều cuộc vui đặc biệt cho đến ngày khai hạ mới hết. Cuộc vui đầu năm được chú ý nhất là “hội tranh cù” thường gọi là vật cù, giữa trai bốn giáp. Hội này không biết có tự bao giờ nhưng từ lúc tôi mới lớn lên đã thấy tổ chức hàng năm.
Trên một thửa ruộng rộng vào khoảng hai mẫu bên cạnh đình làng dưới con mắt hàng ngàn khán giả, trong làng và các miền lân cận kéo đến các trai làng được lựa chọn ra dự cuộc “vật cù” cùng nhau trổ tài cao thấp. Trai các giáp chia làm hai phe, mỗi phe độ mười người. Mỗi đầu thửa ruộng có giồng sẵn một cái cọc cao chừng hai thước, đầu cọc có buộc một cái dỏ lợn. Trai các giáp trong hai phe tranh nhau, vật nhau cướp một quả cù “cầu” gọi bằng củ chuối non, phe nào tranh được cù đem về địa phận mình, ném được vào dỏ tức là được cuộc. Thắng một lần hay một buổi cũng chưa đủ giật giải, phải ít nhất giật được tam thắng nghĩa là thắng trong ba lần ba buổi vật mới thực là toàn thắng. Giải của làng, của giáp hoặc của những người trong làng treo tuy không đáng giá bao nhiêu nhưng hai phe bao giờ cũng tranh nhau kịch liệt. Đầu năm trai giáp nào thắng cuộc vật cù tức là trong suốt năm dân giáp dễ làm ăn thịnh vượng. Từ xưa dân làng vẫn tin tưởng như thế, nên không năm nào là bỏ được cuộc vật cù đầu năm. Người đi xem cũng rất chú ý đến cuộc vui này và có nhiều người phải đi hàng mấy chục cây số để được xem cuộc tranh hùng giữa trai làng Quỳnh.
Hội vật cù là cuộc vui thông thường hàng năm trong làng. Trong vùng tôi cứ ba năm một lần có hội “chạy ói” là một ngày hội lớn rất vui của nhiều làng trong một tổng. Những làng này đều thờ chung một vị thần tức là linh thần ở đèn Cờn[1], làng Phương Cần, một ngôi đền nổi tiếng khắp miền Thanh Nghệ. Theo thần tích thì vị thần này nguyên là một bà Phi tần của một ông Hoàng đế về cuối nhà Minh bên Tàu, khi nhà Minh mất nước thì bà Phi này cùng với gia nhân đáp thuyền đi lánh nạn, không may thuyền gặp bão bị đắm và bị dạt vào miền Duyên hải huyện Quỳnh Lưu. Thi thể bà Phi do một làng ở Duyên hải vớt được đem chôn, sau thấy bà thiêng nên phải lập đền thờ. Nghe đâu, theo lời truyền khẩu thì trước hết, thi thể bà Phi dạt vào một làng khác nhưng dân đánh cá làng đó lại đẩy ra, sau thấy bà trở nên một vị linh ứng nên làng nọ đem dân sang cướp thi thể thần ở làng đó đem và thờ. Dân làng trước đổ ra cướp lại thành ra hai bên đánh nhau. Ngày nay, cả hai làng và mấy làng khác miền duyên hải Quỳnh Lưu đều thờ bà Phi nhà Minh làm thần. Ba năm một lần, về nhịp đầu xuân, dân hai làng thờ một vị thần đó trước tiên lại diễn lại một lần việc ăn cướp thi thể của thần xưa kia. Cuộc diễn lại đó gọi là hội “chạy ói”. Dân hai làng kia khiêng kiệu thần đuổi nhau, đánh nhau rất vui trên bãi cát, dọc bờ bể, số người đi xem rất đông.
Trong vùng tôi, cũng về vùng duyên hải, lại có mấy làng có tục cứ 12 năm một lần, thì mở hội đánh giặc Hóp. Hội này cũng là cuộc diễn lại cái kỳ công dẹp giặc Nguyễn Hữu Cầu (Quận Hẻo) khi giặc tràn vào miền Quỳnh Lưu, của một vị thần trong vùng đó. Hội đánh giặc Hóp cũng giống như hội Gióng ở làng Phù Đổng. Dân mấy làng thờ vị thần kia chia nhau làm hai phe, rồi phe nào cũng dùng tre làm khí giới xông ra đánh nhau rất dữ để kỷ niệm trận đánh đuổi giặc của vị thần xưa kia.
Những hội vật cù, chạy ói, và đánh giặc Hóp là những ngày hội lớn, rất vui và rất nổi tiếng khắp trong vùng huyện Quỳnh Lưu. Những ngày hội đó mỗi khi mở ra đã hấp dẫn được một số khán giả rất lớn ở các vùng trong huyện kéo đến. Những năm mà kẻ giang hồ này ăn Tết xa quê thì không sao không nhớ đến những cảnh Tết êm đềm và những cuộc vui ý nghĩa về dịp đầu xuân ở quê hương.■
[1] Theo các nguồn hiện nay, đền Cờn thuộc làng Phương Cần, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) được xem là nơi thờ 4 vị Thánh nương, bao gồm Thái hậu Dương Nguyệt Quả thời Nam Tống cùng hai công chúa Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương và người nhũ mẫu. Trên đường đi lánh nạn, thuyền của họ bị đắm, thi thể dạt vào bờ biển, nhân dân trong vùng bèn lập đền thờ, hương khói quanh năm