Huyền Quang
Bài đăng trên Tạp chí Văn hữu số 24, tháng 6 năm 1963
Lịch sử báo chí Việt Nam khởi thủy từ 1865, tính đến nay (năm 1963) vừa đúng 98 năm. Trước đó, nước nhà không có báo. Sau khi người Pháp sang nước ta, chữ quốc ngữ (mẫu tự La tinh) dần dần được phổ biến trong dân gian, người Việt cũng bắt đầu viết báo.
Tuy nhiên, trong thời kỳ khởi thủy, nghề làm báo xứ ta mới nhóm lên và chỉ có lơ thơ một vài tờ, có tờ viết bằng chữ quốc ngữ, cũng có tờ viết bằng chữ Hán hoặc tham bác cả hai phần Hán Việt. Buổi đầu, báo chí Việt Nam chỉ có mục đích thông tin tức ở trong xứ và đăng tải các mệnh lệnh của Chính phủ. Những tờ báo đầu tiên đều do Chính phủ đứng chủ trương. Lúc đó, nghề báo chưa bao hàm ý thức thương mại như ngày nay. Các nhà viết báo đều tinh thông Hán học hay Pháp văn, thường mượn con đường báo chí để phổ biến những tư tưởng chính trị mới của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Tôn Dật Tiên hoặc bảo tồn cổ học, trường bá những tư tưởng Khổng Mạnh, những phong tục, tập quán đã có từ lâu trong nhân dân ta. Dẫu sao, ta phải nhận định rằng báo chí Việt ngữ đã góp một phần rất lớn trong công cuộc thành lập quốc văn, tạo cho thứ chữ này một uy thế vững chắc và có địa vị ưu tú ngày nay.
Tờ báo đầu tiên của nước ta, là tờ Gia Định báo, viết bằng Việt văn, đã ra chào đời tại Sài Gòn vào năm 1865 và do văn hào Trương Vĩnh Ký làm chủ bút với các ông Trương Minh Ký và Huỳnh Tịnh Của ở trong Ban Biên tập. Tờ Gia Định báo là tờ báo đầu tiên ấn loát theo kỹ thuật sắp chữ và in bằng máy. Tờ báo Việt ngữ thứ nhì tại Sài Gòn là tờ Phan Yên báo do ông Diệp Văn Cương chủ trương, xuất bản năm 1868, cách ba năm sau tờ Gia Định báo. Phan Yên báo mượn theo cổ danh của thành Gia Định là Phan Yên trấn. Hai tờ báo tiền phong bằng Việt ngữ ấy đều có một khuôn khổ và nội dung giống nhau, với hình thức như một tuần san, còn các mục cốt yếu là những thông tư và nghị định của chính quyền. Phần giải trí gồm có thi ca, hài đàm, truyện cổ tích chứ không có những tin tức sốt dẻo trong nước và thế giới và những bài vở phong phú như báo chí ngày nay.
Các ký giả tiền phong Việt Nam xuất hiện vào hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong thời kỳ ấy, chữ Hán, chữ Nôm và nền tảng học cũ bị vùi dập. Tình trạng văn học Việt Nam thật là đen tối. Nếu không tìm cách thoát ra, chắc chắn văn hóa Việt Nam phải chìm vào vòng nô lệ. Các ký giả Việt Nam vào thời ấy hẳn đã nghĩ chỉ còn một cách: Bấu víu vào chữ Quốc ngữ để xây dựng nền văn hóa mới. Nền tảng văn học mới lúc ấy không có gì hết. Không có một chương trình nào, một tư tưởng nào hướng dẫn; không có một thể văn được khơi ra. Tất cả hoàn toàn khởi đầu từ con số không; trông lại mờ mịt. Từ con số không đó, các ký giả tiền phong ấy phải tạo ra tất cả:
a. Phải có một tiếng nói và một chữ viết chắc chắn. Tất nhiên tiếng nói phải là tiếng Việt và chữ viết phải là chữ Quốc ngữ.
b. Phải xây dựng tiếng Việt thành một ngôn ngữ xứng đáng – bình giản, sáng sủa, gọn gàng, có ngữ pháp rõ rệt – để nó có thể thay thế lối văn cũ.
c. Phải xây dựng những thể văn mới làm lợi khí cho nền văn học mới.
d. Nội dung cũng phải thích hợp với thời mới để vừa cải tiến dân trí, vừa không làm cho dân ta vong bản.
Công cuộc vá trời lấp biển ấy chỉ trong vòng dăm chục năm đã tiến hành đến chỗ khả quan: nước ta lại tự tạo ra một nền văn học mới. Ấy là nhờ những ký giả tiền phong – đa số là học giả – đã gắng công sưu tầm, học hỏi và phát huy thành tích qua báo chí, sách vở cho nền quốc văn mới được thành lập và có cơ sở vững vàng. Thời kỳ khởi thủy, các ký giả tiền phong có giá trị đều tinh thông Hán học hay ngoại ngữ. Tuy nhiên, vì quốc văn mới thành lập, tác phẩm của các nhà văn hóa tiền phong ấy không có gì đặc sắc ngoài những câu chuyện vặt, kể ra một cách vụng về và một tiếng nói cũng non kém. Các ký giả hữu danh của thời này gồm có: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký.
Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) tự Sĩ Tải, tục gọi Pétrus Ký, là một nhà đại văn hào có công rất lớn trong việc đặt nền móng cho nền văn học Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ thứ XIX, khi Việt ngữ đang còn ở thời kỳ phôi thai. Quê ông ở thôn Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc tỉnh Kiến Hòa, Nam phần). Sự nghiệp văn chương của Trương Vĩnh Ký rất rõ ràng gồm có 2 loại dịch thuật và sáng tác như: Chuyện đời xưa (1866), Chuyện khôi hài, Bất cượng chớ cượng làm chi (1882), Phép lịch sự An Nam (1883), Kiếp phong trần (1885)…
Huỳnh Tịnh Của (1834 – 1907) hay Paulus Của, là một học giả hữu danh đất Nam Kỳ vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX. Ông người tỉnh Bà Rịa (Nam phần), tinh thông Pháp văn và Hán văn. Năm 1861, ông được bổ làm Đốc phủ sứ. Ông rất nhiệt thành với tiếng nước nhà. Ông là một ký giả tiền phong Việt Nam chủ trương dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán. Ông giữ việc biên tập tờ Gia Định báo, tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Ông dùng lối văn hết sức mộc mạc, bình dân để truyền bá học thuật và tư tưởng, thật xứng đáng là người có công trong việc xây dựng nền văn học quốc ngữ nước nhà trong buổi phôi thai.
Ngoài ra, còn ông Trương Minh Ký, nổi tiếng danh sĩ miền Nam, cũng là một tay bình bút đắc lực của tờ Gia Định báo do ông Trương Vĩnh Ký làm chủ bút.
Ở Bắc Kỳ, báo chí phát triển chậm hơn. Năm 1892, tờ Đại Nam Đồng văn nhật báo viết bằng chữ Hán do Nha Kinh lược đứng chủ trương. Vì sự xuất bản báo chí khó khăn như thế, thời đó đã nảy sinh một chủ báo người Pháp nổi danh “nhà thầu báo” tên là François Henri Schneider. Ông này vừa làm chủ nhà in tại Sài Gòn và Hà Nội, vừa làm chủ các báo Nông Cổ Mín Đàm (1900), Nhật báo tỉnh (1905) ở Sài Gòn và làm chủ các báo Đại Nam Đồng văn Nhật báo (1907) và Đông Dương Tạp chí (1913) ở Hà Nội.
Tờ Nhật báo tỉnh là tờ báo hàng ngày đầu tiên chào đời tại Sài Gòn cũng như tờ Đại Nam Đồng văn Nhật báo là tờ báo hàng ngày xuất bản trước nhất tại Hà Nội. Chẳng rõ Schneider đã vượt trùng dương sang nước Việt Nam tự năm nào, nhưng cách vài năm sau khi Pháp đặt nền đô hộ ở đây, ông đã nói rành tiếng Việt như người Việt và làm bạn với nhiều thanh niên Tây học thời đó. Với phương tiện ấn loát sẵn có, ông đứng ra xin phép nhà nước thực dân xuất bản báo chí Việt ngữ, vừa nhật báo lẫn tuần báo, từ Nam đến Bắc, rồi lựa chọn trong số thanh niên tân học hâm mộ văn hóa Pháp, mời ra viết báo cho mình. Dĩ nhiên báo của ông đại đa số chỉ bán chỗ các công sở, cho giới quan trường và do nhà nước thực dân trả tiền. Như vậy, ta có thể nói rằng, người chủ báo Việt ngữ đầu tiên ở nước ta được xem như tiền bối lại không phải con cháu của Hùng Vương nhưng là một con buôn báo chí từ phương xa đến để đóng vai lái giấy tiền phong.
Cũng trong năm 1905, ở Bắc Kỳ còn có tờ Đại Việt Tân báo được viết bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ do một người Pháp tên là Babut làm chủ nhiệm và Đào Nguyên Phổ làm báo cũng không ngoài mục đích phát huy những cái hay, cái đẹp của nền văn minh Việt. Ông người tỉnh Thái Bình (Bắc phần), đậu cử nhân Hán học hồi 17 tuổi, sau đỗ Hoàng giáp. Nhiệt thành với tiền đồ của xứ sở, ông đứng làm chủ bút tờ Đại Việt tân báo, hô hào các cuộc canh tân, gây được ảnh hưởng lớn lao trong dân chúng vào hồi đầu thế kỷ này.
Thời kỳ xây dựng của báo chí Việt ngữ
Trong thời kỳ này, báo chí đã xuất bản nhiều hơn thời kỳ khởi thủy. Các sáng tác văn nghệ hiếm hoi và ta cũng chưa có đủ mọi thể văn chương. Nhật báo đã xuất bản nhiều hơn, trong Nam có tờ Lục Tỉnh Tân Văn (1915), Thực Nghiệp Dân báo (1920), Trung Lập báo (1923); miền Trung có tờ Tiếng Dân của ông Huỳnh Thúc Kháng và cũng là tờ nhật báo đầu tiên xuất bản ở Trung Kỳ (1927). Các nhật báo đó đều là những cơ quan để thông tin và đạo đạt ý hướng của quốc dân. Ngoài ra còn có các tờ Tạp chí như: Đông Dương Tạp chí (1913), Nam Phong Tạp chí (1917), Đại Việt Tạp chí (1918), Hữu Thanh Tạp chí (1921), An Nam Tạp chí (1926)… thường đem học thuật Âu Á diễn ra tiếng Việt để phổ biến trong dân chúng.
Một ký giả tiền phong hữu danh tại Nam Kỳ vào thời đó là ông Trần Chánh Chiều tức Gilbert Chiều, tục gọi Phủ Chiều vì ông được tặng hàm Đốc phủ sứ, nguyên là luật sư Tòa án Sài Gòn. Là một ký giả, ông đã làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn và viết được nhiều bài giá trị. Ngoài ra, ông còn là một nhà cách mạng nhiệt tâm yêu nước, có chí hy sinh cao cả. Có lần, ông qua tận Hương Cảng hội đàm với nhà cách mạng Phan Bội Châu về việc nước rồi đem những bản hiệu triệu của Phan tiên sinh về nước để phổ bá trong dân chúng. Hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, ông đã cùng với nhà chí sĩ Nguyễn Thành Út lập Minh Tân Công nghệ xã ở Chợ Lớn và Minh Tân khách sạn ở Sài Gòn (ngay trước ga xe lửa hiện nay) để liên lạc với các nhà ái quốc.
Nguyễn Văn Vĩnh và nhóm Đông Dương Tạp chí
Từ năm 1900 trở đi, các ký giả tiền phong Việt Nam cố gắng dùng chữ quốc ngữ để xây dựng một nền văn học mới. Công đầu trong thời kỳ này về phần Nguyễn Văn Vĩnh và các văn hữu của ông trong nhóm Đông Dương Tạp chí. Nhóm này đi bước trước vì đã dùng Việt ngữ viết được khá nhiều tác phẩm bằng một lối văn sáng sủa. Chúng ta nhận thấy nhóm Đông Dương Tạp chí đã tạo được công đầu trong vấn đề: Xây dựng nền tảng quốc văn mới; gây tin tưởng về việc sử dụng chữ Quốc ngữ; gây ra một trào lưu tư tưởng, học thuật.
Nhóm Đông Dương Tạp chí tập hợp mấy ký giả tiền phong danh tiếng nhất của Việt Nam chủ trương một tờ báo – tờ Đông Dương Tạp chí – để xây dựng nền văn học, giữa lúc nước nhà cần có một nền văn học mới để thay thế cho nền tảng văn học cũ đương bị chế độ dập tắt. Nguyễn Văn Vĩnh, một ký giả tiền phong, đã chủ trương thêm Đông Dương Tạp chí, một cơ quan chuyên về văn học. Đông Dương Tạp chí xuất bản hàng tuần, vào ngày thứ năm. Số ra mắt vào ngày 15 tháng 5 năm 1913. Tạp chí tập hợp một số đông những người viết văn và nghiên cứu văn học, trong số đó có ba người luôn luôn có mặt từ đầu đến cuối là: Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút; Phan Kế Bính, biên tập viên; Nguyễn Đỗ Mục, biên tập viên. Nguyễn Văn Vĩnh là người tân học, chủ trương những mục nghiên cứu tư tưởng Âu Tây và dịch các tác phẩm Âu. Ông Phan Kế Bính và ông Nguyễn Đỗ Mục là những người cựu học nhưng cũng thức thời, dùng phương pháp mới để nghiên cứu cổ học.
Tóm lại, Đông Dương Tạp chí đã tạo ra một sự tin tưởng vô bờ bến đối với tiếng Việt và Việt ngữ lúc phôi thai, đồng thời mở đường cho nền tảng văn học mới. Nhận thức của nhóm đó đã nêu ra rõ ràng, do câu của Nguyễn Văn Vĩnh đã viết trong bài tựa một cuốn sách dịch: “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”. Câu đó có thể là phương châm của nhóm.
Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) là người làng Phượng Vĩ, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (Bắc phần). Tốt nghiệp trường Thông ngôn (Collège des Interprètes) năm 1896 lúc 14 tuổi, ông được bổ làm thư ký Tòa sứ năm 1906, và được cử sang Pháp dự đấu xảo Marseille. Nhờ đấy, ông mở rộng tầm mắt và thấy cần phải theo đuổi một sự nghiệp ích lợi hơn là làm nghề công chức. Sau khi trở về nước, ông đã xin từ chức và theo đòi doanh nghiệp, làm nghề tự do. Ngay bước đầu, ông đã thiên về văn học. Ông thường bắt đầu viết báo và thường ký biệt hiệu Tân Nam Tử. Cuộc đời làm báo của ông kéo dài hơn hai chục năm trời.
Phan Kế Bính (1875-1921) sinh năm 1875 tại làng Thụy Khuê thuộc Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, bút hiệu là Bưu Văn; trong những sáng tác thi ca ông thường lấy hiệu là Liên Hồ Tử. Ông theo Nho học, đậu cử nhân năm 1906 nhưng về sau cũng theo đòi tân học. Trong lúc đứng ra hoạt động cho báo chí, ông luôn luôn tìm tòi, học hỏi không ngừng. Khi mới bước chân vào làng báo, ông Phan Kế Bính giúp việc cho tờ Đăng Cổ Tùng Báo, phần Hán văn (tờ này nguyên là tờ Đồng Văn Nhật Báo của ông Tchneider, Đào Nguyên Phổ và cụ Hàn Thái Dương biên tập) vào năm 1907. Đó cũng là một phương tiện để ông bảo tồn những tinh hoa văn hóa cổ truyền và trình bày những kho tàng cổ văn cho những người tân học lấy đó làm nền tảng học vấn và tinh thần dân tộc. Ông là một trong những nhà Nho học bước vào làng báo chí đầu tiên ở Việt Nam.
Nguyễn Đỗ Mục là một nhà Hán học đã đậu tú tài. Ông là biên tập viên trong Đông Dương Tạp chí và chuyên dịch những truyện Tàu thuộc mọi loại. Trên báo chí ông còn viết những bài hài đàm (trào phúng) ký tên Hý đình Nguyễn Văn Tôi nữa. Ngoài việc dịch truyện Tàu, ông cũng có dịch một ít sách Hán thuộc loại khảo cứu và diễn giải cuốn Chinh Phụ Ngâm Khúc.
Tóm lại nhóm Đông Dương Tạp chí với các ký giả tiền phong Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục đã lập nên những công trạng đáng kể và đã tạo nên một sự nghiệp văn học giá trị, có ảnh hưởng sâu rộng đến báo chí và văn học giới nước nhà về sau.
Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong Tạp chí
Năm 1917, trong lúc cuộc Âu chiến đang kịch liệt, Tạp chí Nam Phong ra đời. Ông Phạm Quỳnh cùng ông Louis Marty sáng lập ra báo Nam Phong, vừa làm chủ nhiệm và chủ bút. Hồi đó, quốc văn còn phôi thai, báo chí chỉ là những bản thông tin, văn dài dòng tối nghĩa mà thô sơ. Năm 1913, có tờ Đông Dương Tạp chí của ông Nguyễn Văn Vĩnh là khá hơn hết và ông Phạm Quỳnh cũng có viết cho tờ báo ấy.
Khi báo Nam Phong ra đời, các ký giả uyên bác của báo ấy đã mạnh bạo đi tiền phong, dùng chữ quốc ngữ để luận bàn các vấn đề khúc mắc về tư tưởng văn học, triết học, chính trị, văn hóa, xã hội. Từ lúc ra đời, Nam Phong đã được quốc dân nhiệt liệt hoan nghênh, từ Nam chí Bắc và suốt 17 năm trời, từ 1917 đến 1934, Nam Phong đã trở thành một diễn đàn chung cho học giả Việt Nam thiết tha đến tiền đồ dân tộc, đến các vần đề văn hóa Đông Tây. Nam Phong đã giúp ích rất nhiều cho những người hiếu học, nhất là những người chỉ biết chữ quốc ngữ mà không có Hán học hay Pháp văn. Riêng đối với những người chỉ biết Pháp ngữ hay Hán Văn, Nam Phong cũng bổ khuyết cho cái học thiếu sót ấy bằng cách giúp người học tiếng Pháp hiểu văn hóa Đông phương và học Nho hiểu văn hóa Tây phương.
Phạm Quỳnh (1892 – 1945) là một nhà viết báo có biệt tài ở Việt Nam vào hồi đầu thế kỷ XX. Ông có biệt hiệu là Thượng Chi và Hồng Nhân, quán ở làng Thượng Hồng, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, tốt nghiệp trường Thông ngôn Hà Nội năm 1908.
Từ năm 1913, Phạm Quỳnh đã viết cho Đông Dương Tạp chí. Tuy ông rất trẻ, văn ông đã trang nghiêm đứng đắn như người đứng tuổi. Năm 1917, ông sáng lập ra tờ Nam Phong, làm chủ bút kiêm chủ nhiệm và suốt 18 năm trường, từ 1917 đến 1935, ông là linh hồn của tờ báo. Bao người hiếu học đều nhờ báo đó để trau dồi học vấn. Ngoài những bài có liên quan đến thời sự lúc đó, có những bài khảo luận có giá trị lâu dài. Với phương pháp vừa giới thiệu, vừa giảng giải, phê bình, chỉ dẫn, Tạp chí Nam Phong làm cho người học biết vui với sự học, biết thâu thái những điều mới lạ, biết tin tưởng ở ngày mai của giống nòi, dân tộc mà ra công vun xới cho nền Quốc học. Năm 1932, ông được cất nhắc là Ngự tiền Văn phòng, chẳng bao lâu lên giữ chức Thượng thư bộ Học rồi bộ Lại trong chính phủ Nam triều. Năm 1945, ông bị giết tại Cổ Bi, gần Huế.
Đối với nền văn học nước nhà, ông Phạm Quỳnh có công hết sức lớn lao vì ông đã cùng các nhà văn tiền phong góp sức xây dựng một nền móng vững chắc cho nền Quốc học. Viết báo, ông đã đem những tư tưởng, học thuật Đông Tây ra giới thiệu với đồng bào, muốn theo gương Khang Lương của Trung Hoa, để tạo cho người dân Việt thời bấy giờ hiểu rõ những ý thức rõ rệt về quyển lợi con người.
Cộng tác với Tạp chí Nam Phong có một nhóm ký giả viết rất đều đặn và tạo cho báo ấy một tinh thần riêng. Đó là các ông: Nguyễn Bá Học, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiền. Mấy ông là những nhà học cổ, có công khảo cứu, viết truyện ngắn, truyện dài, để cho am hiểu biết thêm về nước Việt xưa, về Á Đông. Mấy ông có lòng chân thành duy trì quốc hồn quốc túy, để cho cái đặc sắc của văn hóa ta thêm phần phát triển mà không mai một. Tóm lại, Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong là những người thợ tiền phong đã có công xây nền cho tòa lâu đài đồ sộ văn hóa Việt Nam.
Một vài nhà báo tiền phong khác
Khi nhắc tới các ký giả tiền phong ở trong hai nhóm Đông Dương Tạp chí và Nam Phong, ta không thể quên được một ký giả độc lập, đã từng nổi danh khắp trong Nam ngoài Bắc một thời. Đó là ông Phan Khôi (1887-1959), bút hiệu Chương Dân; quán làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Trung phần). Đỗ tú tài Hán học năm 1915 hồi mới 29 tuổi vì chịu ảnh hưởng hai nhà cách mạng Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, năm 1907, ông ra Hà Nội tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và viết cho tờ Đăng Cổ Tùng Báo do phong trào này xuất bản.
Khi tờ Tạp chí bị cấm và phong trào bị khủng bố, ông trở về Quảng Nam cùng với ông Huỳnh Thúc Kháng hoạt động cho phong trào Văn Thân. Trong cuộc biểu tình kháng thuế năm 1908, ông bị bắt giam tại nhà lao Quảng Nam, mãi đến năm 1914 mới được tha ra. Từ đó, ông chuyển nghề viết báo, lần lượt cộng tác với các tờ Nam Phong (Hà Nội), Lục Tỉnh Tân Văn (Sài Gòn), Thức Nghiệp Dân Báo, Hữu Thanh (Hà Nội), Thần Chung và Phụ nữ Thời đàm (Hà Nội), Tràng An (Huế). Năm 1936, ông xuất bản tờ Sông Hương ở Huế. Năm 1939, tờ Sông Hương chết, ông lại vào Nam dạy học và viết tiểu thuyết.
Một ký giả cự phách khác đã từng nổi danh như sóng cổn là ông Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947). Ông là một nhà cách mạng chống thực dân Pháp và có chủ trương ra báo để sẵn có cơ quan bênh vực quyền lợi của dân chúng. Làm báo, theo Huỳnh Thúc Kháng, là theo đuổi một thiên chức to lớn chống thực dân, phong kiến và xây dựng cho nhân dân một ý thức sâu sắc về chính trị, về quyền lợi của mình. Huỳnh Thúc Kháng, trước tên là Hanh, hiệu Minh Viên, biệt hiệu Sử Bình Tử. Ông người Thạch Bình, quận Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam (Trung phần). Học giỏi có tiếng, đỗ giải nguyên khoa Canh Tú (1900, Thành Thái thứ 12), Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904, Thành Thái thứ 16). Cùng với các bạn đồng chí Nguyễn Thành, Châu Thượng Văn cầm đầu phong trào kháng thuế năm Mậu Thân (1908) tại Quảng Nam, ông bị đẩy ra Côn Đảo mãi đến năm 1921 mới được tha về.
Với các ký giả tiền phong ở Việt Nam, ta nhận thấy các vị đó đã dùng báo chí để bồi đắp tòa lâu đài quốc văn cho ngày một vững chắc, đồng thời còn sử dụng làm một lợi khí chống thực dân, phong kiến, gây cho dân chúng một ý thức chính trị yêu nước – thương nòi. Cao trào dân chúng đấu tranh ngày thêm phát triển và báo chí ở giai đoạn này đã có nhiệm vụ chỉ đường đưa lối cho quốc dân, vì vậy thực dân đã phải tìm đủ mọi cách để bóp nghẹt báo chí.
Những ký giả tiếp sau đó có công xây dựng ý thức chính trị ít hay nhiều trong quần chúng ở miền Nam bắt đầu từ năm 1924, phải kể có: ông Nguyễn Kim Đinh với tờ Đông Pháp Thời Báo. Hai ông Điệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá với tờ Thần Chung và những ông Bùi Quang Chiêu với tờ La Tribune Indochinoise, Nguyễn Phan Long tờ l’Écho Annamite, Nguyễn An Ninh tờ La Cloche fêlée, Phan Văn Trường tờ L’An Nam, Cao Chánh tờ L’Essor Indochinois, Cao Hải Đề tờ L’Ère nouvelle, Hoàng Nhữ Nam tờ L’ndochine nouvelle, Phan Văn Thiết tờ Blanc et Jaune, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch tờ La Lutte.
Trải qua bao giai đoạn thăng trầm, báo chí Việt Nam đã làm trọn vẹn cái thiên chức của nó, lãnh đạo dư luận quần chúng và đấu tranh bênh vực cho dân ta đỡ bị xiềng xích ép buộc của thực dân. Các ký giả tiền phong Việt Nam, như ta đã biết, từ chỗ xây dựng nền móng quốc học đến việc xây dựng ý thức con người, tố cáo chế độ thống trị hà khắc, đả kích bọn quan liêu hại nước, đã không ngừng làm tròn nhiệm vụ cao cả của mình. Nhiều người đã bị tù đày, giết hại nhưng không vì thế mà họ chùn bước và ngọn cờ báo chí vẫn hiên ngang bay cao để lãnh đạo quốc dân trên con đường đấu tranh dựng nước và để lại cho đoàn hậu tiền chúng ta những tấm gương sáng vĩnh cửu.■