Chợ Lớn 1955: Ký và Họa (tựa gốc: From a Chinese city) là tập du ký của nhà văn Pháp Gontran de Poncins, xuất bản lần đầu năm 1957, ghi lại những quan sát của ông trong thời gian lưu lại Chợ Lớn.
Gontran de Poncins (1900-1962) là nhà văn, nhà thám hiểm và nhà nhân học nổi tiếng người Pháp. Sinh ra trong gia đình quý tộc, từng theo học trường quân sự Saint Cyr (Pháp) nhưng De Poncins lại có mối quan tâm đặc biệt đến tâm lý con người và “những điều giúp con người vượt lên cuộc sống”. Ông vào trường Đại học Mỹ thuật Paris và học vẽ ở đó sáu năm, sau đó tham gia kinh doanh lụa Ý trước khi dấn thân vào những chuyến phiêu lưu khắp Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Thái Bình Dương. Cuốn sách mang tên Kabloona (1938) tường thuật về chuyến du hành đến vùng đất của người Eskimo đã giúp De Poncins thành danh với tư cách nhà văn du ký. Năm 1955, De Poncins đến Chợ Lớn, và dành bốn tháng ở đây để khám phá vùng đất “mang bí ẩn và những phẩm chất kỳ lạ nhất trong văn hóa Trung Hoa”.
Cuốn sách Chợ Lớn 1955: Ký và Họa là bức tranh sau cuối về Chợ Lớn, với đúng tầm vóc và tâm tính toàn vẹn của nó – thành phố của lạc thú, “thái ấp” của văn hóa cổ điển Trung Hoa – trước khi những biến thiên lịch sử quét qua.
De Poncins là người dẫn đường đưa bạn dạo chơi trên những con phố náo nhiệt của Chợ Lớn – bạn nghe thấy tiếng chuông của xe kéo, tiếng rao của hàng rong, tiếng guốc gỗ lạch cạch, tiếng cười khêu gợi của phái nữ; bạn ngửi thấy mùi mỡ lợn, gia vị, nhân sâm, cá mú và xạ hương. Bạn sẽ dùng bữa ở một tư gia, ghé xem màn biểu diễn đầy màu sắc và đậm tính ước lệ trong một rạp hát truyền thống và tới thăm một ông thầy thuốc người Tàu.
Tác giả đã thâm nhập vào các sắc thái trong tư duy Trung Hoa với sự nhạy cảm hiếm có, để giải thích về đạo đức, mỹ học, triết học và niềm tin tôn giáo của người Trung Hoa. 42 bức phác thảo và ký họa của De Poncins ghi lại những nét đặc biệt trong con người và địa điểm mà ông mô tả. Bằng những quan sát tinh tế, sâu sắc mà hóm hỉnh, Chợ Lớn 1955 là lời diễn giải hùng hồn về đời sống Trung Hoa đích thực mà nay đã đổi thay ít nhiều.
Trích đoạn: CHỢ LỚN 1955 – KÝ VÀ HỌA
LỜI MỞ ĐẦU
Bạn đọc có thể sẽ ngạc nhiên thấy tôi mô tả đời sống Trung Hoa trong bối cảnh một thành phố không nằm ở Trung Quốc. Tôi cho rằng nên giải thích điều có vẻ bất thường này. Mặc dù Chợ Lớn – hay T’ai Ngon[1], theo cách gọi của người Hoa – hiện thuộc Việt Nam, nó vẫn cứ là một đô thị Trung Hoa. Trong khi Trung Quốc của Mao Trạch Đông đang bị cải dạng triệt để, Chợ Lớn vẫn giữ được tinh thần và những hình thái truyền thống của Trung Hoa xưa. Một trong những hiện tượng kì lạ của thế giới hiện đại là việc màu sắc địa phương và những phong tục cũ bắt đầu biến mất ở một số nước, dù chúng sống sót vẹn nguyên tại một “thuộc địa”, thường ở viễn phương, mảnh đất mà vì niềm lưu luyến quá vãng hay lòng trung thành thâm căn cố đế với đất mẹ, đã ương ngạnh gìn giữ chúng. Chợ Lớn là như thế. Chợ Lớn là một trong những ốc đảo văn hóa mà bất chấp những đổi thay diễn ra quanh nó, vẫn duy trì nền nếp cũ một cách toàn vẹn tuyệt vời. Cộng đồng Trung Hoa lập nên thành phố gần hai trăm năm trước đã lui về ẩn dật ngay chính nơi đây và, ngoại trừ trong các giao thiệp buôn bán, hoàn toàn thờ ơ với phần còn lại của thế giới, đến độ trong suốt quãng thời gian sống ở đây, tôi không một lần nghe bất kì ai hỏi điều gì đang diễn ra nơi khác. Chính hiện tượng ấy là nguồn cơn sự thích thú đặc biệt của tôi với việc quan sát lối sống của cộng đồng này.
Giờ đây, khi những hình thái cổ xưa của văn hóa và văn minh Trung Hoa đang dần biến mất, có thể là mãi mãi, tôi thấy việc ngắm lại chúng thật lâu một lần cuối thực là thú vị.
Chợ Lớn, Tháng Hai – Tháng Sáu, 1955
——————
TRÍCH CHƯƠNG XII
Tuy nhiên, đặc biệt khi đêm xuống, hình bóng những người phu xe nổi bật lên trên khung cảnh. Vào lúc Sài Gòn chìm vào trạng thái gà gật trưởng giả, Chợ Lớn cựa mình nghe đời sống về đêm bừng dậy. Sự sống động của ban ngày được tiếp nối ngay không cần quá độ bằng sự đông vui của ban đêm. Nhà hàng Ngọc Điện đông chật đám thực khách sôi nổi, và những chú bồi bàn luôn cẩn thận giữ gìn sự huyên náo ấy ở cường độ cao. Bên ngoài, dòng người qua lại nhộn nhịp sinh khí kì lạ của Trung Hoa. Chẳng mấy chốc các vũ trường sẽ mở cửa. Các cô gái nhảy đang đổ về qua những con phố chính, từng cô một, mỗi người một chiếc xe kéo, những bóng dáng trang nghiêm, không phải các tiếp viên đi hành nghề mà như những thần tượng được đưa rước một cách nhanh chóng và kín đáo đến các điện thờ.
Giờ khắc diệu kì là lúc những chữ Hán trên các tấm bảng hiệu nổi lên trong bóng tối như những viên hồng ngọc lấp lánh, khi đám đông, trong đó có những tín đồ ẩm thực, ngồi xuống một quầy bán rong trước những món ăn diệu kì: vịt quay bóng lưỡng lấp lánh như những xác ướp được thắp sáng từ bên trong, bong bóng cá nhẹ như bọt biển, lòng heo xoắn từng dải. Những người bán hàng tay thoăn thoắt, người nhẫy mồ hôi, bận bịu sốt sắng. Mỗi quầy hàng có riêng một ngọn đèn sáng chói, mỗi ngọn đèn lại có hấp lực riêng thu hút khách vãng lai. Đây là lúc Chợ Lớn ở đỉnh cao của nó. Cái tinh thần nội tại của thành phố bùng phát mãnh liệt đến mức gần như làm nghẹt thở. Nhịp đập của nó không phải nhịp đập rộn ràng, ồn ã thường thấy ở các thành phố lớn của chúng ta, mà là thứ gì đó bạo liệt, gần như độc địa, dấy lên từ mỗi cá nhân và bám riết lấy các giác quan sinh tồn của ta. Nhưng không có chút gì bệnh hoạn trong đó cả. Ở mọi nơi khác, khoái lạc dường như luôn mang hương vị tội lỗi, dáng dấp đồi bại. Nơi đây thì mọi sự đều phóng dật. Ham muốn của con người được giải thoát khỏi những xiềng xích và đắn đo của lương tâm. Mọi điều đều hợp pháp, bằng vào sự tồn tại của chúng.
Những người phu xe chờ đợi, sẵn sàng phục vụ anh. Anh chỉ cần trôi theo dòng người, hòa vào con nước triều dâng, lưỡng lự nhưng tràn đầy dục vọng mơ hồ. Đám phu xe sẵn lòng cụ thể hóa những dục vọng mơ hồ ấy. “Mấy cô ở vũ trường kia đẹp lắm… Bà Trung Hoa ở nhà đó…” Họ biết rất nhiều nơi, hay ít nhất họ quả quyết với anh như vậy.
Anh chậm đáp lời ư? Họ càng tiến xa hơn. “Bà người Pháp, chồng đang nghỉ phép!” hay “Cô này đẹp lắm, chồng chết trận ở Điện Biên Phủ!” Đêm càng về sâu trông họ càng hốc hác, những cái bóng phờ phạc bật dậy chồm tới bên cạnh anh từ trong bóng tối.
Khi các con phố dần trống vắng, đèn đóm tắt, phép màu biến mất bỏ lại bóng tối dày đặc phía sau. Chợ Lớn cuối cùng cũng thiếp ngủ, giữa những luồng hơi dầu mỡ và mùi gia vị, lẫn trong mùi gắt của á phiện. Những người phu xe vẫn còn lang thang, cơn đói còn sôi trong bụng họ. Họ là những kẻ lạc đường trong đêm, những hồn ma của bóng tối.
[1] Tiếng Quảng Đông 堤岸, phiên âm Hán Việt là Đê Ngạn. [Tất cả chú thích trong sách là của người dịch, trừ đôi chỗ có chú thích của tác giả, sẽ được nêu rõ.]