Toan Ánh
Ở một số vùng miền trên đất nước ta, có những phiên chợ đặc biệt mỗi năm chỉ họp đúng một lần vào dịp Tết để phục vụ người dân đi mua sắm Tết, hay đơn giản chỉ là một nơi để mọi người vui chơi, du xuân và chúc tụng nhau. Những phiên chợ này luôn có sức hút rất lớn suốt từ xưa tới nay và đã trở thành nét văn hóa mang đậm bản sắc riêng của các địa phương. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới bạn đọc một số phiên chợ Tết độc đáo mà nhà văn Toan Ánh đã miêu tả trên tạp chí Bách khoa số 402-403 ngày 11/1/1974.
Chợ là nơi hội họp công cộng để dân chúng mua bán hoặc đổi chác hàng hóa. Trước đây, tại các xã thôn Việt Nam, chợ quê một tháng chỉ họp có sáu phiên, nghĩa là cách năm ngày chợ mới họp một lần. Thỉnh thoảng mới có những ngôi chợ họp hàng ngày, thường đây là những ngôi chợ tỉnh, chợ phủ, hoặc ít nhất cũng là chợ huyện, nghĩa là chợ của những nơi đông đúc, của những thị tứ.
Trong một vùng nhiều làng có chợ, những chợ này hầu như chia nhau những ngày họp. Có những chợ họp vào ngày một và sáu, nghĩa là vào những ngày mồng một, mồng sáu, mười một, mười sáu, hai mươi mốt và hai mươi sáu. Một ngôi chợ của làng bên, cách chợ này độ đôi ba cây số sẽ họp vào ngày hai và bảy, một ngôi chợ thứ ba họp vào ngày ba và ngày tám, lại một ngôi chợ khác họp vào ngày bốn và ngày chín và cuối cùng một ngôi chợ họp vào ngày năm và ngày mười.
Trong một vùng, có thể là một huyện hoặc chỉ là một tổng, không phải chỉ có năm ngôi chợ, do đó có thể trong một ngày có hai ba ngôi chợ có phiên họp trùng nhau.
Sinh hoạt bình thường của chợ búa là như vậy, nhưng sinh hoạt này đã bị đảo lộn trong những ngày gần Tết. Có thể nói được rằng, gần Tết đến, nhất là từ 25 tháng Chạp trở ra, các chợ làng quê họp hàng ngày để dân làng tiện mua bán sắm sửa với nhau. Ngoài ra, chợ nào cũng có một buổi chợ được mệnh danh là Chợ Trẻ con, buổi chợ này ngoài các hàng hóa thông thường có rất nhiều hàng tranh pháo và hoa giấy ngày Tết dành riêng cho các trẻ em mua để chơi Tết. Gọi là Chợ Trẻ con nhưng chính vẫn là người lớn họp chợ có trẻ em đi theo.
Chợ Trẻ con tuy vậy vẫn chưa là một phiên chợ đặc biệt vì sự kiện đã xảy ra tại hầu hết các chợ quê.
Những phiên chợ đặc biệt chúng tôi muốn trình bày trong bài này là những phiên chợ quanh năm chỉ họp một lần, hoặc ở ngay ngôi chợ của làng, hoặc ở một nơi nào khác và trong phiên chợ này người ta chỉ bán một loại hàng để dân chúng mua đúng trong một dịp mà thôi.
Hôm nay chúng tôi xin nói sơ qua về vài phiên chợ đặc biệt về dịp Tết.
Chợ thịt heo xã Mỹ Lợi
Làng Mỹ Lợi thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Làng này có một ngôi chợ, nhưng phiên chợ thịt heo cuối năm thì dân làng không họp tại đây mà lại họp tại những chòi cao mới được cất lên, độ khoảng ba chục chiếc ở nơi đất trống đầu chợ. Chính những chòi cao mới cất này là những quầy bán thịt heo. Chợ thịt heo họp vào các ngày 29 và 30 cuối năm.
Trong những ngày này bao nhiêu heo lớn trong làng đều được đem mổ thịt để bán cho dân làng dùng trong dịp Tết và ở mỗi chòi là nơi bày bán thịt một con heo lớn.
Dân làng sắm Tết đều dành đến ngày phiên chợ thịt heo đặc biệt này mới mua thịt gói bánh, làm cỗ Tết. Phiên chợ rất vui vẻ, rất náo nhiệt. Gia đình nào cũng có người có mặt tại phiên chợ vì nhà nào Tết đến mà không cần tới thịt heo.
Cả dân chúng một số các làng lân cận biết lệ làng Mỹ Lợi cũng kéo nhau đến đây sắm thịt heo ăn Tết.
Rồi Tết đến, xuân sang, những chòi dùng để bán thịt heo phiên chợ Tết trong buổi đầu xuân sẽ biến thành những chòi để dân làng đánh bài chòi vui Xuân.
Chợ Tết xã Vinh Mỹ
Xã Vinh Mỹ cũng thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thừa Thiên.
Xã này có tục họp chợ vào các ngày mồng một và mồng hai Tết; đặc biệt chợ không họp ngay ở địa điểm họp chợ, mà lại họp ở một cồn cát trắng, cách đó khoảng 1.500 thước và mang tên là Chợ Cồn.
Dân làng đi Chợ Cồn để mua bán thì ít nhưng để vui xuân thì nhiều. Người buôn mang hàng tới chợ không cần bán mà chỉ vì lệ làng. Chợ cũng đủ mặt hàng, hàng bánh trái, hàng đồ dùng, đồ ăn, hàng trái cây và cả hàng hoa quả nữa. Dân làng tin rằng người buôn bán trong làng có đi bán Chợ Cồn thì quanh năm mới buôn may bán đắt.
Gọi là đi chợ để vui xuân vì nhân dịp này trai gái trong làng hò hẹn gặp gỡ nhau và họ đi chợ chỉ để mua bán tượng trưng. Có thể có những cô nàng mang hoa tới chợ không phải để bán mà để tặng cho bạn lòng yêu hoa.
Về điểm tại sao phiên chợ đầu xuân không họp ở vị trí chợ làng lại họp ở cồn cát trắng, các cụ trong làng giải thích: Chợ xã Vinh Mỹ trong những đêm mồng một mồng hai Tết có người âm về họp chợ, do đó người trần phải trả chợ cho họ và kéo nhau tới họp ở Chợ Cồn.
Các cụ giải thích vậy thì hay vậy, nhưng theo tục lệ thì ngày Tết dân làng họp ở chợ Cồn, mà đã gọi là tục lệ thì dân làng cứ theo, còn chợ làng có phải để trả cho người âm không, dân làng cũng không quan tâm.
Chợ Đồng làng Yên Đổ
Chợ Đồng họp trên cánh đồng làng Yên Đổ, tỉnh Hà Nam, quê quán cụ Nguyễn Khuyến, tức là cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Chợ họp vào 24 tháng Chạp âm lịch.
“Tục truyền rằng ngày 24 tháng 12 nhân dân làng Yên Đổ muốn kỷ niệm công đức tiền nhân có một phiên chợ Đông vào cuối năm ngay tại cánh đồng làng Yên Đổ. Hầu hết các dân cư lân cận đều đến sự họp rất đông.
Mỗi năm trước ngày 24 tháng Chạp, các hàng quán đã được dựng lên san sát trên các cánh đồng khô ráo, rồi đến sáng tờ mờ ngày 24, các vị thân hào, các nhà buôn bán, trẻ con, người lớn, thanh niên, phụ nữ trong khắp các vùng lân cận đã tề tựu rất đông.
Sự gặp gỡ của mọi người đều phô diễn trong cảnh tưng bừng náo nhiệt, trong buổi tất niên cùng nhau trao đổi những lời chúc tụng vào dịp đầu xuân sắp tới”.
Với cuộc họp chợ Đồng, làng Yên Đổ có tục thi thơ và nếm rượu Tết cùng trong ngày đó. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ có để lại một bài thơ Vịnh Chợ Đồng như sau:
Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng.
Năm nay chợ họp có đông không?
Gió trời mưa bụi còn hơi rét?
Nếm rượu Tường Đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung
Dăm ba ngày nữa, tin Xuân tới,
Pháo trúc nhà ai, một tiếng “đùng”.
Phiên chợ Cưới
Đây là một phiên chợ hết sức đặc biệt, họp tại làng Tam Lộng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Yên vào ngày 25 tháng Chạp cuối năm. Vĩnh Yên là một tỉnh của Trung du Bắc Việt nằm cách Hà Nội hơn 50 cây số về phía Tây Bắc.
Phiên chợ đặc biệt này của riêng các đồng bào sơn cước suốt mấy tỉnh Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Chợ họp trên một khu đất rộng, thường ngày vẫn là nơi họp chợ của làng Tam Lộng, ngay lối vào trong làng, giữa cánh đồng, bên một con sông nhỏ.
Đúng ngày họp chợ, nam nữ sơn cước mấy tỉnh trên kéo nhau tới rất đông đảo, có cả ông già bà cả đi theo để chứng kiến lời giao ước của họ và đồng thời cũng để hồi tưởng lại cái thuở đương thì của mình đã qua không trở lại.
Trai gái dắt nhau tới đây phần nhiều là những cặp trai gái có khi đã biết nhau, đã thương yêu nhau từ trước, hôm nay đi chợ để cha mẹ chứng kiến mối nhân duyên và tác thành cho họ. Cũng có những chàng trai tới đây để tìm ý trung nhân, cũng có những cô nàng tới đây để kén người đôi lứa.
Đề về dự phiên chợ, họ đã sắm sửa từ mấy hôm trước và luôn mấy ngày họ tấp nập bận rộn lo hành lý để đi họp chợ, có khi phải đi bộ tới chợ bằng hai ba ngày đường.
Già trẻ, nhất là thanh niên nam nữ đều đến chợ với quần áo lịch sự chỉnh tề. Họ mặc bộ quần áo đẹp nhất, đội chiếc khăn mới nhất. Các cô sơn nữ mặc chiếc yếm sặc sỡ nhất và có bao nhiêu đồ trang sức lộng lẫy nhất, hôm nay các cô phải đeo cho hết 1 vòng cổ, hoa tai, vòng tay và cả vòng chân nữa. Các chàng trai với những bộ quần áo mới đẹp, trông cậu nào cậu nấy đúng vẻ hào hoa phong nhã. Trai gái mặt mày đều hớn hở hân hoan.
Họ gặp gỡ nhau ở chợ, họ đứng túm tụm trên nền chợ xen lẫn vào các người bán hàng, họ đứng túm tụm bên bờ ruộng, ven bờ sông, dưới một vài gốc cây. Đây một cặp trai gái đang tình tự, kia một chàng trai đang khẩn khoản biếu một sơn nữ món quà kỷ niệm.
Gặp nhau đây, họ nhắc lại những lời êm dịu đã nói với nhau từ trước hoặc những cặp mới quen biết họ ngỏ nỗi niềm cùng nhau. Họ sửa soạn đón một mùa Xuân tưng bừng ở bên ngoài và êm ấm ở trong lòng.
Phiên chợ họp từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều mới tàn, tàn theo những người bán hàng về chợ. Sau những lời giao ước, được cha mẹ hoặc ông già bà cả chứng kiến, họ dắt nhau vào các quán ăn uống trước khi cùng nhau từ giã.
Một năm một lần, trai gái dắt nhau tới phiên chợ để định đoạt cuộc hôn nhân của đời mình. Phiên chợ do đó được mệnh danh là Chợ Cưới.
Trên đây là một số các phiên chợ đặc biệt diễn ra về dịp Tết mỗi năm trước đây. Cũng còn những phiên chợ đặc biệt khác như chợ Lượn ở vùng Lạng Sơn, rất tiếc chúng tôi chưa đủ tài liệu để trình bày cùng quý vị. Ước ao, trong dịp khác chúng tôi sẽ được trở lại với những phiên chợ đặc biệt khác.■