Nguyễn Thịnh
Thành Tây Đô hay thành nhà Hồ là một công trình kiến trúc đồ sộ bằng đá tọa lạc tại nơi từng được coi là trung tâm văn hóa chính trị của nước ta dưới triều nhà Hồ. Công trình lịch sử độc đáo này được coi là một trong những di tích kiến trúc nổi tiếng nhất của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Với nguyên vật liệu chính là các khối đá, những kỹ sư thời bấy giờ đã cho thấy kỹ thuật xây dựng và lãnh đạo của mình khi cho đến tận ngày nay một số đoạn của tòa thành gần như vẫn giữ được nguyên vẹn dù trải qua bao biến cố và thăng trầm của đất nước. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết được đăng trên Tạp chí “Văn hóa nghệ thuật” số 41, tháng 7/1973 để hiểu rõ hơn về công trình nghệ thuật lịch sử này.
An Dương Vương xây thành Cổ Loa
Hai Bà Trưng xây thành Mê Linh
Đinh Tiên Hoàng xây thành Hoa Lư
Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long
Hồ Quý Ly[1] xây thành Tây Đô.
Trong những công trình kiến trúc quân sự – thành quách cổ nước ta, thì thành Tây Đô – kinh đô Nhà Hồ, chẳng những là loại công trình bằng đá, mà đồ án xây thành cũng khá quy mô, khác biệt và nổi tiếng đương thời.
Thành Tây Đô (nhân dân thường gọi là thành nhà Hồ) thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc (xưa là vùng An Tôn), tỉnh Thanh Hóa. Theo đường chim bay, cách Hà Nội 106 ki-lô-mét về phía tây nam.
Trong những năm giữ quyền binh ở triều Trần, nhất là từ khi lên nắm chính quyền, với nhiều tham vọng và táo bạo, Hồ Quý Ly đã thực hiện một loạt biện pháp về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… nhằm củng cố nhà nước phong kiến và địa vị của dòng họ. Cái cách của Hồ Quý Ly có những mặt tích cực nhất định (như việc chấn chỉnh lại chế độ thi cử, mở mang trường học, đề cao chữ nôm…): Nhưng toàn bộ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển khách quan của xã hội, nên nhà Hồ chưa được lòng dân.
Để lo chống nguy cơ xâm lược, Hồ Quý Ly thường nói: “Ta làm thế nào để có trăm vạn quân. Do đó, Hồ Quý Ly tích cực chuẩn bị: tăng cường lực lượng, chấn chỉnh tổ chức, trang bị vũ khí, cải tiến kỹ thuật quân sự như đóng cổ lâu thuyền và tả tướng Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quý Ly) đã sáng chế loại súng “Thần cơ” có sức công phá lớn, hơn hẳn cả hỏa pháo của quân Minh…
Xây dựng thành Tây Đô, với cách nhìn của một nhà quân sự, Hồ Quý Ly đã chọn một địa lợi: sông nước bao quanh, núi non hiểm trở, để đắp lũy xây thành định đô.
Thành Tây Đô – kinh đô nhà Hồ – nơi trung tâm triều chính cũng là một cứ điểm quân sự quan trọng, vững chắc và một trung đô lợi thế tiến ra Bắc hay vào Nam.
Thành dựng ở giữa khoảng hai con sông: sông Mã ở phía Tây, sông Bưởi ở phía Đông. Phía Bắc là cánh đồng chiêm, ngược lên là dãy núi Voi, Núi Đốn Sơn ở phía Nam. Qua đó là ngã ba Sét, nơi gặp nhau của sông Mã, sông Bưởi.
Đồ án thành bố cục làm hai khu: khu thành ngoại và khu thành nội.
Khu thành ngoại là lũy đắp bằng đất (với khối lượng khoảng 80.000m³), có rải chông, cùng hào sâu, cống ngầm thông với bên trong, bao quanh bảo vệ cho khu thành nội, và là nơi cư dân ở (nay ở phía đông cách khu thành nội khoảng hơn hai ki-lô-mét còn rõ dấu tích, các phía khác chỉ còn từng đoạn, cũng đã sụt lở).
Khu thành nội là hoàng thành, nơi triều chính có đền đài cung điện nhà vua, và dinh thự các quan lại…
Khu nội thành xây toàn bằng những khối đá tảng xanh trên một đồ án hình chữ nhật, dài gần 900 mét, rộng hơn 700 mét. Tường thành, bao quanh cao hơn sáu mét, dày hơn bốn mét (mặt ngoài bằng đá dày hơn một mét, mặt trong đắp đất dày gần ba mét).
Những khối đá tảng xây thành đều đục đẽo vuông thành sắc cạnh trung bình dài 1,5m rộng 1m, dày 0,8m (trong đó có tảng dài đến 7m, rộng 1,7m dày 1,2m, nặng hơn 15 tấn – ở cửa Tây); xếp chồng nhau hình chữ công (I), các mạch gắn hồ.
Bốn mặt cổng thành (toàn bằng những khối đá tảng) đều có cửa ra vào kiên cố theo kiến trúc xây cuốn và xếp đá kiểu múi cam. Xưa kia, đóng mở những bộ cánh cửa rất to bản bằng loại gỗ tứ thiết khá dày, phải dùng loại bánh xe lăn bằng đá. Ngoài những then cài làm liền ở cánh cửa, còn có những cây chốt to đặt ngang, lùa vào hốc hai bên tường. Mặt cổng Đông và Tây có một cửa vòm cuốn nhô lên khỏi tường thành. Mặt cổng Nam và Bắc cũng cao hơn tường thành, nhưng bên trên xây bằng phẳng. Cổng Bắc cũng chỉ có một cửa. Trên cổng này, xưa kia có vọng lâu, nhưng đã bị đổ, nay chỉ còn lại những hố chôn cột.
Khác biệt, đồ sộ và đẹp nhất là cổng Nam. Bởi vậy, nhân khánh thành Tây Đô, Hồ Quý Ly đã mở hội cho nam thanh, nữ tú được phép dạo chơi ở đây ngắm cảnh kinh đô mới. Cổng Nam (tức cổng tiền) với lối kiến trúc ba cửa xây cuốn trên những trục đỡ hơi nghiêng theo hướng của sức đẩy, trụ rất vững chắc. Cửa giữa to, lớn hơn hai cửa bên. Cửa giữa rộng khoảng sáu mét, cao gần chín mét. Hai cửa bên rộng hơn năm mét cao gần tám mét. Ba cửa đều dày khoảng mười bốn mét. Từ cổng này, có một con đường rộng, dài tới năm ki-lô-mét, xưa kia lát toàn đá hoa, gọi là đường cái hoa hay đường thiên lý, chạy thẳng đến núi Đốn Sơn.
Trên núi Đốn Sơn có đền thờ các tướng sĩ và gia thuộc nhà Trần như: thượng tướng quân Trần Khát Chân, trụ quốc Trần Nhật Đôn… là những người có công lớn và là những người quyết tâm bảo vệ chính quyền, dòng họ, nhưng bị thất bại…
Trong khu nội thành, xưa kia có núi Thọ Kỳ, có hồ Dục Tượng và các công trình kiến trúc: đền đài, cung điện… vàng son, nguy nga, lộng lẫy. Nhưng, tất cả đều đã bị hủy hoại nhiều sau cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ bị thất bại năm 1407. Thành Tây Đô trở nên một cứ điểm quân sự của giặc Minh.
Mười tám năm sau, khoảng tháng 6 năm 1425 sau khi Đinh Lễ phục kích đánh chiếm đoàn thuyền lương (ba trăm chiếc) của quân nhà Minh, do đô ty Trương Hùng chỉ huy từ thành Đông Quan vào tiếp tế cho thành Diễn Châu (Nghệ An). Thừa thắng, Đinh Lễ liền tiến quân ra bao vây đánh thành Tây Đô. Bị bao vây chặt quân nhà Minh phải liều chết cố thủ ở trong. Bởi vậy, thời kỳ này các đền đài, cung điện… còn lại, đều bị quân nhà Minh tàn phá nặng. Năm sau, tháng 9 năm 1426, khi Lê Lợi tiến quân giải phóng thành Tây Đô, hầu hết các công trình kiến trúc trong thành đã bị quân nhà Minh triệt hạ, nên Lê Lợi cùng bộ chỉ huy nghĩa quân phải ra đóng ở miền Lỗi Giang (gần sông Mã, cách thành Tây Đô vài ki-lô-mét). Lỗi Giang là chỉ huy sở của bộ chỉ huy nghĩa quân lãnh đạo đại quân thủy bộ tiến ra Bắc tổ chức cuộc tấn công vây hãm thành Đông Quan vào tháng 11 năm 1426.
Ngày nay, khu thành nội, tuy đã trở nên những hồ ao, đồng ruộng bên nền móng của những đền đài cung điện khi xưa, nhưng rất quý và trân trọng biết mấy là những công trình cơ bản làm toàn bằng những khối đá tảng xanh với đồ án quy mô, bề thế vẫn còn lại toàn bộ bốn cổng thành và hàng tường bao quanh!
Bốn cổng thành quy mô với những cửa xây cuốn, ghép kiểu “múi cam” cùng hàng tường bao quanh xếp đá chồng nhau hình chữ “công” thẳng đứng. Lối ghép những khối đá tảng sát nhau, và dùng sức nặng của vật liệu để giữ thăng bằng ở một trình độ kỹ thuật thủ công, mà vẫn tồn tại được trong bao thế kỷ!
Thật là kỳ diệu! Một công trình to lớn như vậy, lại chỉ làm trong một thời gian rất ngắn ba tháng (từ tháng 1 đến hết tháng 3 năm 1397)! Mấy việc dưới đây cũng khá rõ: như đào đất, đất lũy (khoảng 80.000 m³), phá đá (có thể ở những quả núi cách đó khoảng vài ba ki-lô-mét), đục đẽo, vuông thành sắc cạnh, rồi vận chuyển đến địa điểm xây thành… Và nhất là làm thế nào để đưa những khối đá tảng to, nặng lên cao trong điều kiện chưa có kỹ thuật cần cẩu. Có tảng dài tới bảy mét, rộng 1,7m, dày 1,2m, nặng hơn mười lăm tấn như ở cửa Tây. Chúng ta không khỏi ngạc nhiên, khâm phục óc sáng tạo, tinh thần lao động cần cù, tài năng lãnh đạo, tổ chức thi công và khả năng, trình độ kỹ thuật của những người thợ xây dựng thời đó.
Và đó cũng là câu khỏi khá thú vị của những khách tham quan, của những nhà nghiên cứu kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật kiến trúc thành này.■
[1] Thành do Hồ Quý Ly dựng vào năm 1397 đời Vua Trần Thuận Tông (1388-1398).
Hồ Quý Ly, người làng Đại Lai (Thanh Hóa) theo họ cha nuôi là tuyên sứ Lê Huấn, nên còn gọi là Lê Quý Ly – một người có quyền thế lớn trong triều, giữ chức Đồng Bình chương sự (1387), được phong tước Đại vương (1397). Với những cương vị quan trọng vào hàng tể tướng, dựng thành xong (khởi công từ tháng 1 đến hết tháng 3 năm 1397 thì hoàn thành), Hồ Quý Ly yêu cầu Thuận Tông từ Thăng Long dời đô vào. Từ đó gọi là thành Tây Đô. Và sau khi Thuận Tông phải nhường ngôi (1398) cho thái tử An mới 3 tuổi (cháu ngoại Hồ Quý Ly) tức Trần Thiếu Đế (1398-1400) để ra “tu tiên” ở quán Ngọc Thanh, thì cũng là lúc triều Trần khủng hoảng trầm trọng, suy vong, đổ nát, Hồ Quý Ly đã đứng lên thay đổi triều đại lập ra một vương triều mới; triều Hồ (1400-1407) thay thế triều Trần. Hồ Quý Ly xưng đế (1400-1401) đổi quốc hiệu là Đại Ngu. Cũng năm đó, Hồ Quý Ly truyền ngôi cho con là Hồ Hán Thương (1401-1407), và mình làm thượng hoàng, cùng coi triều chính.