Pierre Pasquier
Lê Hằng Nga (dịch)
Dưới triều đại của Vua Thành Thái, triều đình An Nam đã có được một nền quân chủ tuyệt đối, nơi Hoàng đế không chỉ là người đứng đầu quốc gia mà còn là biểu tượng tôn giáo, đạo đức và pháp lý tối cao. Quyền lực Hoàng đế không bị giới hạn bởi quy định của triều đình, mà chịu sự điều phối tinh tế từ triết lý Khổng Tử và truyền thống dân tộc. Trong xã hội An Nam, từ những quy định nghiêm ngặt trong cung đình cho đến quản lý nông nghiệp, tất cả đều phản ánh sự thống nhất giữa đạo lý và quyền lực. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc những tìm hiểu của Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier trong Chương 3 quyển Annam d’autrefois: Essai sur la constitution de l’Annam avant l’intervention française (An Nam thời xưa: Tiểu luận về thể chế An Nam trước khi Pháp can thiệp) về vấn đề này.
Hôm nay, tất cả các nước Viễn Đông đều đang ăn mừng lễ hội[1], từ vương quốc Mặt Trời mọc (Nhật Bản), vùng đất yên bình phía Nam (An Nam), đến đất nước của “buổi sáng thanh bình” (Hàn Quốc), và cả trên Thiên đình, mọi người đều vui mừng.
Tiếng pháo chói tai đánh thức toàn thế giới. Mỗi người dân trồng những cột hoa trước cửa nhà và dán các câu đối viết trên giấy đỏ với nét chữ đẹp đẽ lên nhà mình. Bàn thờ tổ tiên đầy ắp lễ vật. Đêm qua mọi người đã tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị cho ngày trọng đại này.
Hôm nay là ngày mùng 1 âm lịch; ngày đầu năm mới của châu Á. Đối với những người không biết nghỉ ngơi ngày Chủ nhật này, dịp Tết; khi mọi công việc đều dừng lại, dịp các quan lại tự mình cất chiếc ấn quyền lực trong những chiếc hộp sơn mài mà họ để lại ở kinh thành; đã trở thành một lễ hội chính trị và tôn giáo thực sự.
Trong 8 ngày, cuộc sống của các quốc gia này sẽ chỉ dành cho nghi lễ và những cuộc vui chung hoặc riêng. Những người nghèo nhất cũng cố gắng phi thường để có thể đốt một chuỗi pháo đỏ mừng năm mới.
Hôm nay, người dân An Nam ăn mừng ngày đầu tiên của của năm “Giáp Ngọ” và là năm thứ 17 Vua Thành Thái, hoàng đế của họ.
Nhân dịp này, cho phép tôi nói rằng, mỗi ngày, chúng ta biết rõ hơn về phong tục và tôn giáo của đất nước này; rằng, mặc dù là những kẻ chinh phục, chúng ta biết cách hiểu các giáo lý đáng ngưỡng mộ của họ, cũng như biết cách tôn trọng thể chế của họ; và do đó, trong năm mới này chúng tôi mong muốn gửi lời chúc chân thành, là từng chút một, theo thời gian và thiện chí bình đẳng, người da vàng ở Viễn Đông và người da trắng ở Viễn Tây học hỏi, dần hiểu nhau hơn, quý trọng lẫn nhau một cách xứng đáng nhất với phẩm hạnh của mỗi dân tộc
Bên trên các tổ chức tư nhân như gia đình và các tổ chức công cộng như công xã là quyền lực trung ương được xác định theo Hoàng đế và những người đại diện của ông. Đứng đầu một chế độ quân chủ thuần túy và tuyệt đối, không có tầng lớp quý tộc nào ngăn cách Hoàng đế với thần dân của mình. Những người trung gian là các quan lại đến từ chính người dân, và con cháu của họ sẽ quay về là dân thường nếu họ không thể vươn lên nhờ công lao hay phấn đấu làm quan. Bản thân các nho sĩ không tạo thành một giai cấp. Mặc dù nho sĩ có sức ảnh hưởng lớn, họ chỉ đại diện cho tầng lớp thượng lưu trong dân chúng mà từ đó tương lai được tuyển chọn làm quan thông qua thi cử.
Quyền lực tuyệt đối này, chế độ chuyên chế này không được quy định bởi bất kỳ hiến pháp thành văn nào. Nó chỉ tìm thấy những giới hạn, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong học thuyết của Khổng Tử, vốn xoay quanh đạo đức vị lợi. Thông qua việc nghiên cứu học thuyết này, chúng ta có thể giải thích và hiểu được sự trái ngược rõ ràng giữa việc tập trung hóa, thống nhất hành động của các cơ quan được giao phó cho quan lại với các quyền tự do chung và những đặc quyền vô hạn được trao cho người cha trong gia đình.
Khi nghiên cứu những nhân vật chính của chế độ quân chủ An Nam, đôi khi chúng ta thấy có sự hiện diện của những luật lệ hoặc hành động xuất phát từ một quyền lực toàn năng. Điều này có thể khiến chúng ta nghi ngờ về hiệu quả thực tế của những lời răn đáng ngưỡng mộ do các triết gia Trung Quốc quy định và những gì chúng ta đã thấy xã hội và gia đình áp dụng. Nhưng chúng ta đừng vội phán xét chúng bằng lương tâm phương Tây, ta cần có một tâm lý tế nhị hơn. Những gì đôi khi chúng ta hiểu là sự lạm dụng quyền lực kinh khủng hay những quyền lực khủng khiếp xúc phạm phẩm giá con người thì người An Nam chỉ coi đó là một hành động công bằng và bình thường.
Đức Hoàng đế giống một vị Đại giáo chủ, là vị thẩm phán tối cao và thánh thiện, là “cha và mẹ” của thần dân. Thiên tử, bắt nguồn từ sứ mệnh của mình, ông nhân danh toàn thể dân tộc làm lễ tế long trọng tới vị Hoàng đế vĩ đại và tối cao của vạn vật và linh hồn – Thượng đế. Ông đã hoàn thành chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm một cách tỉ mỉ. Một thời gian trước giờ cúng tế trời đất và thành hoàng hoàng gia, được cử hành trong chùa hoặc trên bàn thờ thánh, Vua ra lệnh cho các quan bộ Lễ và quan lại kinh đô chuẩn bị bằng việc ăn chay và kiêng cữ. Thậm chí khá thú vị khi biết rằng, nếu các quan lại trong thời kỳ này không tuân thủ nghiêm ngặt pháp lệnh sẽ bị trừng phạt bằng hình thức đánh trượng.
Thiên tử, Hoàng đế phải chịu trách nhiệm về những bất hạnh có thể ập đến với thần dân của mình. Hoàng đế công khai thú nhận sự bất xứng của mình và tìm cách rút lui và làm lễ thanh tẩy như cách để xoa dịu thần linh. Nhưng đôi khi, trong quá trình lịch sử, chúng ta chứng kiến những vị Hoàng đế có chính quyền độc tài đàn áp dân chúng quá mạnh mẽ. Sau đó, một người can đảm xuất hiện, người dám tuyên bố rằng đấng tối cao đã thất bại trong sứ mệnh của mình, rằng ông ta đã đánh mất sự ủy thác của Thượng đế, và sự phạm thượng này, hành động bất kính đối với chính Thiên tử này được hợp pháp hóa bởi hoàn cảnh. Các vị Vua phải hứng chịu vạ tuyệt thông[2] này của người dân đều chứng kiến triều đại của mình sụp đổ trong các cuộc nổi dậy và nội chiến. Do đó, bằng cách tương tự, Hoàng đế trị vì và bị phế truất. Chủ quyền nhân dân đặt dưới vỏ bọc của thần thánh, việc trả thù và lật đổ triều đại được tiến hành bằng một trò bập bênh chính trị rất phương Đông mang tên lý thuyết về quyền thiêng liêng. Trong thời bình, việc kế vị ngai vàng tuân theo thứ tự ngày sinh; nghĩa là, con cả trong số các con của hoàng hậu, người phụ nữ hạng nhất, là Người kế vị được chỉ định. Nữ nhân không thờ phụng được, không thể lên ngôi; tôn giáo đã áp đặt một luật Salic[3] thực sự, tuy nhiên điều này không ngăn cản việc trao quyền nhiếp chính cho Hoàng hậu.
Sau đây chúng ta sẽ thấy, bằng cách xem xét mặt công lý, Hoàng đế hoàn thành vai trò thẩm phán tối cao của mình như thế nào, và bằng cách áp dụng các luật hành chính, ông xứng đáng với danh hiệu cao đẹp là “cha, mẹ” của thần dân ra sao.
Chắc chắn là người ta thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa để bảo vệ uy tín và sự sống của vị Hoàng đế này. Bộ luật quy định những hình phạt khủng khiếp đối với những kẻ dám phản bội đất nước mình hoặc những kẻ nổi dậy chống lại quyền lực hoàng gia. Làm hại hoàng thân, phá hủy bài vị tổ tiên của Vua, phá hủy chùa chiền, lăng mộ hay cung điện đều là những hành vi phản loạn, mà chánh phạm phải chịu hình phạt tử hình. Nhà lập pháp tàn nhẫn không xử phạt một mình chủ mưu của cuộc tấn công mà tổ tiên, người cha, các con trai, anh em, chú bác và cháu trai của kẻ này, thậm chí cả những người sống cùng hắn đều bị xử trảm. Họ tiêu diệt gia đình, rải xương cốt của tổ tiên những kẻ phạm tội. Còn phụ nữ thì trở thành người hầu cho các quan lại xứng đáng. Tài sản bị nhà nước tịch thu.
Vì vậy phải hết sức liều lĩnh hoặc rất chắc chắn trước sự bất bình của toàn dân mới dám tấn công Hoàng gia và nêu cao thủ đoạn phản nghịch.
Dưới mục “Binh luật”, trong phần dành cho “Hoàng cung”, chúng tôi tìm thấy những hướng dẫn chi tiết và các hình phạt xử phạt liên quan đến việc ngay lập tức bảo vệ người Hoàng gia.
Không được phép vượt qua ngưỡng cửa đền thờ tổ tiên của nhà Vua hoặc cửa lăng Vua mà không có lý do chính đáng. Người ta không thể vượt qua các bức tường của cung điện, và nếu đó là thành viên tùy tùng của Hoàng đế, một tấm bảng bằng gỗ hoặc ngà voi treo trên triều phục là dấu hiệu để phân biệt. Ngay cả những quan lại của các bộ đi làm vào lúc 5 giờ sáng cũng chính thức bị cấm đi qua một số cửa mà chỉ dành riêng cho Hoàng đế.
Những chỉ dẫn nghiêm khắc liên quan đến đoàn hộ tống Hoàng gia, lính canh cung điện, quy định từng chi tiết nhỏ nhất. Con đường dành riêng cho vua vào trong điện, mở từ cửa trung tâm ra cầu ngoài; chỉ được dùng bởi Hoàng đế, và khi nhà Vua rời đi trước thì đám binh lính và vệ sĩ của ông hành quân thành hai hàng, bất kỳ ai cũng bị cấm vào các khoảng thời gian quy định và bị trừng phạt treo cổ nếu vi phạm. Khi gặp đám rước hoàng gia, chúng ta phải quỳ và cúi đầu mà không được nhìn.
Những điều khoản này, những biện pháp phòng ngừa chi tiết này được lặp lại dưới những tựa đề sau đây của Bộ luật:
Phàm những kẻ tự tiện vào bên trong cửa cung điện;
Quân túc vệ và thủ vệ các cổng thành;
Các cung điện của nhà Vua;
Nhắm vào cung điện mà bắn tên[4].
Và chúng ta sẽ thấy rằng được truyền gọi vào cung không phải lúc nào cũng dễ chịu. Nếu công việc buộc các quan lại phải nhờ đến người thợ thì những người làm đó không được phép quên rằng mình chỉ được ở trong cung đến khi hoàn thành công việc. Nếu đến giờ về họ không có mặt ở cổng mà vẫn ở trong thành thì không thể chấp nhận được. Những nghệ nhân quá chú tâm vào công việc và không rời khỏi hoàng cung đúng giờ sẽ bị kết án treo cổ.
Những người làm trong cung, thái giám, người hầu hay quan lại cấp thấp cũng không nằm ngoài những quy định hà khắc này và bộ luật trừng phạt họ với những lý do như “không rời khỏi cung khi cần thiết” hoặc khi vào cung dù “không có quyền làm vậy”.
Ngự trù và thái y phải chịu trách nhiệm về chất lượng món ăn hoặc thuốc của họ.
Các viên Khâm Thiên Giám cũng không được phép mắc sai lầm về các hiện tượng thiên văn lớn.
Không một thần dân nào được phép gọi tên riêng của Hoàng đế. Kể cả khi ai đó là một nhà sưu tập say mê, sẽ có những bức chân dung các hoàng đế của triều đại trước hay một số con dấu Hoàng gia cổ xưa bằng vàng hoặc ngọc bích mà họ không thể sở hữu, và chỉ có thể có nếu họ được cho phép. Họ cũng không có quyền mặc quần áo màu vàng vì màu vàng là dấu hiệu của quyền lực tối cao.
Bên cạnh những quy định có vẻ trẻ con này đối với chúng ta, tôi tin rằng những người trong số các bạn phải chịu đựng hàng giờ chờ đợi trong hành lang của một bộ nào đó sẽ đánh giá cao giá trị thực sự của chúng đối với những luật kết án chặt đầu quan chức của bộ Lễ cố ý đến muộn trong buổi diện kiến vua hay gây khó khăn cho một vị quan mới không thể triều kiến bày tỏ lòng vui mừng trước Vua[5].
Khi nhà Vua thiết triều và đưa ra một câu hỏi chung, thì chức sắc bậc cao nhất sẽ trả lời trước và tiếp đó là chức sắc bậc thấp hơn: bất cứ ai làm gián đoạn trật tự sẽ bị đình chỉ hoạt động trong một tháng[6].
Nếu các quy tắc xã giao tồn tại trong mọi sự ở An Nam, nếu cả Hoàng đế cũng cư xử như vậy, thì nó đã cho phép toàn dân giữ gìn được sự đoan trang và lịch sự mà người Pháp chúng ta nên đánh giá cao hơn bất kỳ giá trị nào khác.
Không nên nghĩ rằng các Vua chúa An Nam là những ông Vua lười biếng, sống nhàn hạ trong triều đình xa hoa. Trong suốt lịch sử và dù thuộc triều đại nào, công lao của họ cũng rất đáng kể, họ đều hướng tới sự mở rộng và thống nhất của dân tộc An Nam. Họ đã chiến đấu chống lại các cuộc xâm lược từ Trung Quốc với sự kiên trì đáng ngưỡng mộ vô cùng và biết cách đẩy lùi các đợt tấn công trở lại của thế lực này, vốn là đội tiên phong của các dân tộc phương Nam. Họ đã diệt trừ mối đe dọa sự đoàn kết từ nhà nước phong kiến ấy nhờ vào việc lập ra những gia tộc hùng mạnh mơ ước nền độc lập ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Cuối cùng, và là đặc điểm chính của các Hoàng đế: Họ đều là những nhà lập pháp vĩ đại đặt nhu cầu phát triển nông nghiệp của đất nước lên trên hết. Trong những năm dài khi đất nước của họ phải chịu sự lệ thuộc vào người hàng xóm hùng mạnh, họ biết cách tiếp nhận từ Trung Quốc những đạo đức, triết lý, chữ viết và nhiều phong tục. Người dân đã chứng tỏ trí tuệ của mình bằng cách đến Bắc Kinh để tranh tài và giành những vị trí đầu bảng trong các kỳ thi văn chương lớn.
Quay lại không xa hơn năm 1250, chúng ta gặp một vị Vua mang trong mình những đặc điểm đáng chú ý nhất của các Hoàng đế An Nam.
Trước hết, người An Nam là một nhà nông, Vua “Trần Thái Tông” hiểu rằng việc hướng mọi nỗ lực của mình vào việc điều chỉnh một số phong tục ảnh hưởng đến nông nghiệp là một nhu cầu chính trị cần thiết. Sự tồn tại và đời sống sinh hoạt của người dân, sức mạnh của dân tộc cũng như việc củng cố sức mạnh cho tất cả các triều đại về sau đều phụ thuộc vào công cuộc này. Luật pháp tạo điều kiện cho đời sống nông nghiệp phát triển đã trở thành một công cụ hỗ trợ và là phương tiện cai trị đắc lực trong tay các vua An Nam. Vua “Trần Thái Tông” tuy không phải người đầu tiên nghĩ ra các chính sách này nhưng đã làm rõ và vạch rõ đường đi cho nó. Ông đặt ra nguyên tắc phải canh tác tất cả đất đai, ông thành lập Ty khuyến nông chịu trách nhiệm đánh giá mức bồi thường cho những địa chủ bị thu hồi đất để đắp đê và ông thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa kiện tụng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý đất. Mặt khác họ đã xây dựng những con kênh mà ngày nay các kỹ sư của chúng tôi vẫn ngưỡng mộ.
Trong số các vị Vua trước đây, vị Vua vĩ đại nhất là người sáng lập triều đại hiện tại, vị Hoàng đế phi thường “Gia Long”, người sau khi giành lại ngôi vương từ quân Tây Sơn, đã mở một cuộc điều tra rộng lớn để sửa đổi tất cả các loại thuế của đất nước, lập một địa bạ mới, hệ thống hóa tất cả các luật rải rác và phong tục của đất nước trong một quyển duy nhất, xây dựng những công trình vĩ đại ở mọi nơi và những công trình khổng lồ để thúc đẩy tương lai nông nghiệp trải khắp cả nước.
*
Tôi vừa trình bày cho bạn một cách khái quát về vai trò lịch sử của nhà vua. Trước đây tôi đã cố gắng tìm hiểu, theo những quy định đạo đức và pháp luật, những phẩm chất chính của hoàng đế. Cách tốt nhất để tái hiện hình dáng vị hoàng đế xa xôi là trích dẫn những trang từ cuốn Souvenirs d’Annam (Hồi ký An Nam), viết về ngày lên ngôi của vị vua hiện tại và về cái chết của vị vua tiền nhiệm bởi một nhân chứng, ông Baille, người Pháp tại Huế, người biết sử dụng những phẩm chất thông minh vượt trội với một tâm hồn quyến rũ để miêu tả những sự việc xảy ra trước mắt mình.
“Vua Đồng Khánh vừa băng hà. Họ đã chọn một người con của Dục Đức làm người kế vị ngôi báu.
Các phái viên đến nhà người mẹ và nói chuyện với bà, yêu cầu bà chỉ cho họ đứa con trai lớn của mình: “Nó đây, bà nói, các ngài muốn gì từ nó?”. “Chính ngài ấy”, họ trả lời, “chúng tôi đến tìm ngài làm vua An Nam”. Rồi bà bật khóc, bà không muốn đưa con mình đi và cầu xin họ cứu con bà khỏi điều kinh khủng như vậy; nhưng trời đã định, chúng ta phải tuân theo, ngay tối hôm đó đứa trẻ được đưa đến cung điện, trong một căn phòng cách điện đăng quang không xa và ở đó trong thời gian chờ lên ngôi, tại Nội các. “Ta đang ở đâu, các ngươi đưa ta đi đâu?”, ngài nói với người thông ngôn hoàng gia. “Thưa Điện hạ, ngài đang ở trong thư phòng, nơi sẽ là của ngài”. “Vậy được, đưa ta cuốn Luận ngữ của Khổng Tử”.
Vấn đề này mang tính lịch sử, và trên thực tế, đứa trẻ này 10 tuổi đã là một học giả.
Các viên Khâm Thiên Giám sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và quan sát nhiều lần đã nhận ra rằng ngày 1 tháng 2 là một ngày rất thuận lợi, lễ đăng quang đã nhanh chóng được ấn định vào ngày này.
Thái tử, theo nghi thức, hôm trước đã lạy tổ tiên ở điện Cần Chánh và nhận các đồ trang sức hoàng gia ở đó. Lẽ ra hoàng tử thậm chí còn phải nhận cái gọi là ấn ngọc “truyền thừa gia tộc”, ngọc tỷ. Nhưng vua Hàm Nghi đã mang theo ấn ngọc này trong một chuyến đi và thất lạc ở vùng núi Quảng Bình. Thái tử được ban cho tấm ngà voi “lệnh hoàng gia” để làm giấy thông hành đến nhận kim sách ở điện Cần Chánh.
Cuốn kim sách này, chỉ được mở vào đầu hoặc cuối mỗi đời vua, được dâng lên vị vua tương lai. Ký tự viết ở hàng kế vị sẽ là tên riêng của vị vua.
Việc của tân vương là nhận sắc chiếu (ánh sáng trí tuệ). Các quan Nội các sau đó chọn một số cách diễn đạt văn học nhất định được tạo từ hai chữ, có ý nghĩa thuận lợi và đẹp đẽ nhất. Danh sách này được dâng lên cho vị vua mới chọn tên trị vì của mình. Tên này sau đó được chép vào kim sách và trưng bày trong tất cả các đền thờ của các vị vua trước đây và ở đàn tế Nam Giao (Đàn tế trời).
Vua An Nam chọn tên Thành Thái, mang ý nghĩa là hạnh phúc tuyệt đối và thành công trong tất cả mọi việc”.
Sau đây là lễ đăng quang.
“Các hoàng thân, trong bộ phẩm phục, xếp hàng ở hai bên điện, tiến lên và đứng trước ngai vàng ở khoảng cách khoảng 15 mét, tiến tới và bắt đầu lạy mừng.
Hầu hết đều già nua, lưng còng vì tuổi tác; năm lần họ quỳ lạy, mặt úp xuống đất và bộ râu trắng quét qua các phiến đá; lần lượt quan Đại thần các bộ tiến tới và thực hiện những động tác quỳ gối giống nhau với vẻ uy nghiêm như nhau. Toàn bộ sân ngoài rộng lớn chứa đầy các quan lại đông đúc. Bên trái là quan cấp trên, bên phải là quan cấp dưới.
Sau đó, một điệp khúc kỳ lạ, một loại bài hát đơn giản trong cổ họng, khi nó tiếp tục, cuối cùng dường như là tiếng vang của chính nó, vang lên từ xa. Đây là tín hiệu. Và đám đông khổng lồ những quan lại này từ từ phủ phục úp mặt xuống đất và đụng đầu vào nền đá. Những tà áo dài nghìn màu uốn cong, trải dài ngập mặt đất với những nếp gấp của chúng.
Đoạn điệp khúc tiếp tục mãi. Khi nó ngừng lại, biển người bất động và tĩnh lặng trong giây lát, rồi lại di chuyển và đám đông đứng dậy. Bài hát lặp lại năm lần với sự đồng nhất đáng lo ngại và kỳ quái, cùng với nó là năm lần lạy bắt đầu.
Mặt trời đang thiêu đốt, tất cả những vầng trán ướt đẫm mồ hôi này vẫn tiếp tục hạ xuống và nhô lên, chỉ để hạ mình xuống vài giây theo lệnh của điệp khúc thiêng liêng, trong sự tôn thờ thầm lặng của họ. Không có cảnh tượng nào lớn hơn và hoành tráng hơn, cũng không có một dàn dựng nào được điều chỉnh tốt hơn để khiến chúng ta hiểu nguyên tắc quân chủ ở phương Đông là gì và nó thống trị đám đông đàn ông đến mức nào”.
Nhà vua cai trị với sự giúp đỡ của các cơ quan tham vấn và điều hành bằng cách sử dụng các Thượng quan của mình.
Có 2 cơ quan tham vấn được đặt gần Hoàng đế. Hội đồng Nhà nước lấy tên là “Cơ Mật”, nơi mọi vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích quốc gia đều được đệ trình.
Hội đồng tối cao này bao gồm bốn viên quan là hai Chánh Nhất phẩm và hai Tòng Nhất phẩm cùng các thư ký, quan lại cấp dưới. Bốn nhân vật cấp cao này, những người chỉ đạo chính phủ trong trường hợp khuyết ngôi báu hoặc khi nhà vua không ở trong cung, là Tứ trụ Triều đình. Các nhiếp chính của quốc gia được chọn từ bốn người này.
Tôi có vinh dự được biết vị quan vĩ đại qua đời ngày hôm nay, Ngài Nguyễn Trọng Hợp.
“Đó là một nhân vật nổi bật. Là nhiếp chính của triều đình An Nam, ông đã từng là kẻ thù của chúng tôi. Một chuyến đi đến Pháp, mà ông đã mang về một bài thơ đầy tính hiếu kỳ, đã củng cố lòng kính trọng của ông và thuyết phục ông rằng việc chiến đấu với chúng tôi là vô ích cũng như lợi ích mà đất nước của ông sẽ nhận được từ sự bảo hộ của chúng tôi”. Kể từ ngày đó, lão nhân phúc hậu này, nếu không phải là một người ủng hộ đấu tranh, thì ít nhất là một người thận trọng, rồi người ta không thể gặp nhân vật cao quý này mà không có sự kính trọng với nỗi u sầu và thanh thản không thể nhìn thấu của ông.
Sau “Cơ Mật” ta sẽ thấy “Nội Các”, đây là trung gian bắt buộc giữa Hoàng đế và các Bộ. Hội đồng này, xem xét tất cả các công việc của Hoàng đế, được chia thành 6 phần tương ứng với 6 bộ. Cuối cùng, chúng ta thấy một nhóm tổng thanh tra luôn sẵn sàng được cử đi làm nhiệm vụ ở các tỉnh.
Ở An Nam không có bộ trưởng như chúng ta hiểu. Có các Bộ, mỗi Bộ bao gồm một chủ tịch mà chúng ta gọi là Thượng thư, hai vị Tham tri và hai Thị lang mang chức danh Hữu hoặc Tả, tùy thuộc vào việc họ sống trong ngôi nhà nằm bên phải hay bên trái của phòng Thượng thư. Các quan chức cấp cao này được giúp đỡ bởi các viên chức và đại diện.
Các công việc của Bộ không chỉ do bộ trưởng quyết định giống như chúng ta mà còn phụ thuộc vào hội đồng trong bộ do Thượng thư chủ trì quyết định. Sự bất đồng quan điểm của một thành viên duy nhất trong hội đồng này cũng đủ dẫn đến việc phải trình lên nhà vua trước khi thực thi biện pháp.
6 bộ này gồm:
- Bộ Lại nghĩa là Bộ Nội vụ
- Bộ Hộ nghĩa là Bộ Tài chính
- Bộ Lễ nghĩa là Bộ Nghi lễ
- Bộ Hình nghĩa là Bộ Tư pháp
- Bộ Binh nghĩa là Bộ Quốc phòng
- Và Bộ Công nghĩa là Bộ Công vụ
Đó là tổ chức quyền lực trung tâm, chúng ta sẽ nghiên cứu về thể chế sau, xin nhắc lại một lần nữa rằng nó hoàn toàn dựa trên thể chế quan lại, tức là phân cấp vụ chỉ dựa trên công trạng. Như vậy, giữa những người dân An Nam, không có sự phân biệt xã hội nào khác ngoài sự phân biệt bởi chức năng và kiến thức.
Tuy vậy, Hoàng đế đôi khi khen thưởng một trong những thần dân của mình vì có hành động anh hùng cống hiến hết mình hoặc đã phụng sự một thời gian dài. Anh ta sẽ được phong danh hiệu danh dự, một tước hiệu quý tộc. Hệ thống cấp bậc quý tộc được chia thành 5 cấp. Các cấp bậc quý tộc này không liên quan tới các cấp bậc quan lại, một viên quan rất nhỏ có thể có được tước hiệu cao nhất, trong khi một quý tộc hạng nhất có thể có chức quan thấp hơn.
Nhưng không nên nhầm lẫn, đây không phải vấn đề về giới quý tộc hình thành một đẳng cấp quý tộc. Mong ước của Alphonse Karr trong cuốn sách Les femmes (Phụ nữ) của ông đã được hiện thực hóa ở An Nam.
“Tôi không hoàn toàn phản đối việc kế thừa một phần sự tôn trọng gắn với tên tuổi của người đàn ông nhân hậu và tài giỏi, ông nói. Đôi khi… đó là nghĩa vụ của tước hiệu. Nhưng với tôi, không thể chối cãi rằng đối với giới quý tộc, vì đây còn là cách gọi thể hiện sự tôn trọng, người ta cần tính toán và thực hiện hoàn toàn ngược lại những gì họ làm hiện nay. Đôi khi một vài gia tộc cần giữ thanh danh của họ, theo những quan điểm hiện nay về vấn đề này thì hậu duệ cuối cùng của đại thần còn cao quý hơn nhiều so với tổ tiên vinh quang của họ. Mặc dù sẽ hợp lý hơn nếu coi con trai của đại thần là một nửa phần quý tộc và cháu trai chỉ được coi là một phần nhỏ trong dòng dõi quý tộc, sẽ đến lúc mà thay vì trở thành quý tộc hạng cao nhất, người ta rơi xuống trở thành thường dân vì đã một thời gian dài không có ai là đại thần trong gia tộc của họ”.
Đó là lý thuyết của người An Nam. Ở An Nam, tước hiệu là gia truyền, nhưng sẽ lùi một bậc qua từng thế hệ. Trật tự 5 thứ bậc, coi như ta đang có cấp bậc cao nhất, truyền qua 5 đời phản ánh sự vinh quang của gia tộc.
Như vậy, tước hiệu chỉ đơn giản là sự phân biệt tạm thời, trao cho những đối tượng xứng đáng, giảm dần qua từng thế hệ, không bao gồm bất kỳ đặc quyền chính trị nào, không trao quyền điều hành chính sự quốc gia cho người được ban.
Thông thường, Hoàng đế thưởng cho những người phụng sự tận tụy nhất cũng như đảm bảo việc truy phong thành kính cho họ bằng cách ban thưởng đất đai.
Sau khi quan sát quyền lực trung ương, sẽ rất thú vị khi tìm hiểu tổ chức của triều đình và cuộc sống thường ngày của nhà vua. Tôi mượn từ tác phẩm của Baille những thông tin chi tiết thú vị về đời sống thường nhật của các vị vua xứ Viễn Đông này.
“Hậu cung của vua có khoảng 100 người, được chia thành 9 bậc với những danh hiệu khác nhau. Họ được trả lương và cung cấp quần áo, nhưng theo cách bất bình đẳng: trong khi những người hạng nhất nhận được 500 quan tiền 1 năm, 250 phương gạo, 10 người hầu thì người ở hạng thứ chín chỉ được 180 quan tiền, 48 phương gạo và 3 người hầu. Tất nhiên là, ngân sách còn cung cấp một lượng nhất định các xấp lụa để may quần áo (48 mảnh cho người phụ nữ hạng nhất).
Nhưng thường là phải đáp ứng được ý muốn và làm vua hài lòng để nhận thêm những khoản thưởng nhỏ, được ban bằng quà tặng là tiền hoặc hiện vật. Hoàng hậu nhận 1000 quan tiền và 300 phương gạo, 60 xấp lụa.
Chưa kể đến Thái hậu. Trường hợp này là một mối quan hệ siêu giàu có. Bà nhận 10.000 quan tiền, 1000 phương gạo, ngoài ra còn những món quà đủ các loại đổ dồn tới cung của bà.
Mỗi ngày, nhà vua được phục vụ bởi một nhóm phi tần thuộc tất cả các cấp bậc trong cung. 30 người gác quanh phòng ngủ riêng. 5 người trong số đó luôn túc trực, thay phiên nhau, trông coi việc vệ sinh. Họ là người mặc quần áo; chăm sóc và tô điểm cho bộ móng tay dài của nhà vua, móng tay điển hình của một nhà nho, cũng dài như những ngón tay; xức nước hoa; quấn quanh đầu vua một dải khăn màu vàng nhạt mỏng mượt, cuối cùng là chăm chút những điều nhỏ nhất. Họ cũng là người phục vụ việc ăn uống. Bệ hạ thường dùng 3 bữa trong ngày: vào lúc 6 giờ sáng, 11 giờ trưa và 5 giờ chiều.
Mỗi bữa ăn của vua được chuẩn bị từ 50 món ăn khác nhau, do các ngự thiện phụ trách, tổng cộng có 50 người, phục vụ cho nhà bếp của hoàng gia. Mỗi người trong số họ chuẩn bị món ăn của riêng mình, và khi chuông reo, họ đưa món ăn đó cho các thị vệ, những người này sẽ chuyển nó cho các thái giám. Các thái giám, lần lượt, sẽ chuyển món ăn cho phi tần, và chỉ có các phi tần mới được vinh dự dâng món ăn, khi quỳ gối, lên bàn ăn của vua. Nhà vua chỉ nếm qua một số món ăn đó và uống một loại rượu đặc biệt, được làm từ hạt sen và thơm hương từ các loại thảo mộc.
Loại gạo mà nhà vua ăn, món chính trong chế độ ăn của ngài, khi ngài ăn một mình và không buộc phải ăn theo kiểu Châu Âu, phải thật trắng và được lựa chọn từng hạt một. Gạo được nấu trong một nồi đất và nồi này sẽ bị đập bỏ sau mỗi bữa ăn. Chất lượng của đôi đũa vua dùng cũng không được qua loa. Đũa phải được làm từ ngọn tre mới nhú, “được thay mới hằng ngày”. Đũa bằng ngà voi dường như quá nặng với bàn tay của vua. Số lượng gạo mà vua ăn được xác định và cân đo: vua không bao giờ ăn quá mức đó, và nếu vua không ăn như thường lệ, nếu cảm thấy không thèm ăn nhiều, ngay lập tức vua sẽ truyền thái y và yêu cầu họ cung cấp thuốc, mà vua chỉ uống sau khi các thái y đã nếm thử trước.
Mỗi tỉnh trong cả nước phải gửi đến triều đình những sản phẩm tốt nhất từ vùng đất của mình để phục vụ cho bữa ăn của vua, một phần trong số đó đến từ thuế nộp bằng sản phẩm. Trước đây, Nam Kỳ gửi gạo Ba Thác, cá đánh bắt từ hồ lớn, tôm khô, măng cụt, nhộng dừa, cá sấu con, vải thiều, v.v”.
*
Đó là đời sống nội cung của triều đình xưa. Giờ hãy thử tìm hiểu về nơi triều đình đóng đô.
Huế, thủ đô của An Nam, là một thành phố tương đối mới. Nó không hẳn là một thành phố, mà trước hết là nơi mà Hoàng đế và triều đình muốn chọn làm vị trí phòng thủ. Thủ đô này không nằm ở vị trí như các thành phố lớn ở châu Âu, không phải điểm giao nhau của các con đường lớn hoặc nơi các con sông lớn hội tụ. Giống như một ngôi làng muốn tách biệt, triều đình đã chọn một vị trí khó tiếp cận, tránh xa tầm nhìn và được bảo vệ an toàn khỏi người lạ.
Các dãy núi An Nam bảo vệ tất cả các phía nơi Hoàng đế cư ngụ. Chúng là các màn chắn tự nhiên che khuất thành phố như những bức bình phong trang trí với hình chạm nổi nhiều màu che trước khu phòng rộng mở nhưng đầy bí ẩn nơi các quan xuất hiện và lắng nghe khiếu nại của dân chúng rồi đưa ra phán quyết. Dòng sông chảy quanh thủ đô không dùng làm đường giao thông; có các mỏm đá ngầm ở cửa sông, những đầm phá nguy hiểm nơi con sông mất hút ngăn không cho những kẻ điên rồ và liều lĩnh muốn ngược dòng để tiếp cận thành phố bí ẩn và thiêng liêng. Sông Hương dịu dàng và duyên dáng này chỉ ở đây để góp phần điểm tô cảnh quan, cung điện và lăng tẩm. Nó làm dịu mắt, đóng vai trò vào cảnh tượng vĩ đại được thiết kế bởi những nghệ sĩ tinh tế và nhạy cảm – những người kết hợp thiên nhiên vào tất cả các tác phẩm của mình.
Nơi đây vinh dự đón tiếp Hoàng đế, người đến để thư giãn và tắm rửa cho thân thể thiêng liêng của mình, hoặc du ngoạn trên chiếc thuyền hoàng gia lấp lánh với lụa và vàng, có các ca nương và nhà nho đi cùng. Vào những đêm hè, họ sáng tác những bài thơ trong trẻo và quyến rũ để tôn vinh ông.
Huế không phải chỉ là một thành phố. Huế được bao trùm trong pháo đài và các lăng mộ. Ở đây vẫn còn đền thờ Khổng Tử với tháp bát giác cao lớn được coi như đền thờ tri thức của quốc gia. Đây là nơi tổ chức các kỳ thi Đình ba năm một lần, trao tặng danh hiệu tiến sĩ cho những người xuất sắc hiếm hoi.
Kinh thành, nơi bảo vệ Hoàng đế và các bộ, được hình thành từ những bức tường cao bằng gạch nâu trải dài theo những hào sâu và con sông. Thật thú vị khi thấy những dấu ấn sâu đậm mà chúng ta đã để lại ở đất nước này. Các công trình được xây dựng theo các nguyên tắc tinh túy nhất của Đại tướng Vauban[7] của chúng ta, khi nền quân chủ cũ của chúng ta gửi tới Hoàng đế Gia Long những kỹ sư và sĩ quan Pháp để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt và kỳ diệu, và không thể nhìn ngắm những công sự tuyệt vời này mà không cảm thấy một cảm giác tự hào vĩ đại và niềm tin vững chắc vào tài năng của dân tộc mình.
Vành đai vĩ đại này bảo vệ các cung điện, sân lát đá, những ngự hoa viên. Tôi chỉ được ra vào phòng tiếp khách, nơi duy nhất vẫn có thể vào được ngày nay. Các nội cung của hoàng gia, hậu cung và các đền thờ linh thiêng hiếm khi được phép xâm phạm.
Người vào cung đi qua những mái vòm của cổng Ngọ Môn, bên trên là một mái nhà nặng và thấp, có các đầu mái hình dạng giống sừng. Tiếp đó, ta đi qua những sân lát đá rộng với các công trình bao quanh, tất cả đều tái hiện những họa tiết nghi lễ và cổ xưa của nghệ thuật An Nam: hình tượng những con vật đặt cạnh nhau ở góc của các đền thờ, sự phối màu của các ký tự cổ xưa nổi bật với những đường nét tinh xảo trên nền trời, rồng uy nghi, những đám mây nhẹ nhàng chạy dọc theo các dải trang trí điểm xuyết vài con dơi bay lượn, những hoa văn trang trí hình sách thánh hiền và cây bút lông.
Các trần nhà cũng được trang trí bằng những họa tiết với hiệu ứng rất đặc biệt. Những cột chạm khắc tô điểm cho sự uốn lượn và đường nét của những con vật biểu tượng. Con rùa, biểu tượng của trường thọ, nhẹ nhàng nâng đỡ con hạc trên chiếc mai vững chắc của nó. Tiếp đó là những con đường rộng lớn, được bao quanh bởi các hồ nước, vườn tược tinh xảo và đầy hoa. Các cánh cổng nhẹ nhàng làm bằng gỗ chạm khắc với những khung hình có các ký tự trong Tam Tự Kinh về chính trực, trung thực, con đường dẫn tới hạnh phúc vĩnh cửu Những lan can với thiết kế duyên dáng bao quanh hồ cá sấu. Các bậc thềm rộng dẫn xuống vườn voi hoàng gia, nơi những con voi lớn diễu hành và vào những ngày lễ lớn, chúng được khoác lên mình những trang phục chiến đấu lộng lẫy. Các men gốm, sứ góp phần làm đẹp cho toàn bộ khuôn viên, các thềm sân và chòi nghỉ. Những không gian rộng lớn với cỏ xanh mát mắt. Tới một khoảng sân rộng lớn, ở phía cuối là điện có ngai vàng. Vào những ngày lễ, nơi này trở nên sống động với những lá cờ, cờ hiệu viền răng cưa uốn lượn, kèm theo các trang phục xa hoa. Các quan lại đứng thành từng nhóm theo cấp bậc của họ, bất động, tôn trọng nghi thức nghiêm ngặt và chu đáo, để lộ dưới ánh mặt trời những hoa văn bạc và vàng nhẹ nhàng trên cánh chuồn của chiếc mũ họ đội. Khi các quan cố định ánh nhìn vào chiếc sừng ngọc mà họ cầm trong tay, sẵn sàng làm nghi lễ vái lạy, những cánh nhỏ thêu trên lễ phục của họ cứng lại trên lưng.
Đại sảnh với vô số cột gỗ tếch, ngai vàng hiện ra. Giống như một vị thần, Hoàng đế, toàn thân khoác áo lụa vàng, màu mà chỉ ngài mới có quyền mặc trong cả nước, xuất hiện với dáng vẻ trang nghiêm, lấp lánh ánh vàng và đá quý. Các quan lại cấp cao, thái giám, phi tần đứng xung quanh, và cả các lính gác mặc trang phục đỏ viền xanh lá.
Tất cả cảnh tượng kì lạ và hùng vĩ này vốn có nguồn gốc lâu đời, được duy trì trung thành, ghi lại trong tâm trí người chứng kiến ấn tượng về một không gian rộng lớn đầy bí ẩn. Đây là vỏ bọc che giấu những âm mưu và tội ác mà triều đình An Nam, cũng giống như các triều đại phương Tây, không thể tránh khỏi trong lịch sử của mình.
Do ảnh hưởng của tục thờ cúng tổ tiên, việc bảo vệ để tránh cho lăng tẩm không bị xâm phạm và để bảo vệ sự an toàn cho lăng mộ của các nhà vua là vô cùng quan trọng. Do vậy, lăng mộ trở thành một phần đặc biệt quan trọng và việc nghiên cứu giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tính cách của Hoàng đế.
Người An Nam, như chúng ta đã đề cập, tin rằng linh hồn của mình có thể tiếp tục di chuyển trong thế giới vật chất, cơ thể của họ cần được giữ nguyên hình dạng. Do đó, cần phải tránh không để các di hài bị phá hủy. Việc xâm phạm lăng mộ bị coi là một tội ác ghê gớm. Vì vậy các Hoàng đế thi hành mọi biện pháp để bảo vệ thi thể của mình. Họ luôn lo sợ rằng lăng mộ của mình bị xâm phạm nếu một cuộc đảo chính diễn ra. “Thực tế là, việc tìm kiếm dấu vết của các gia tộc quyền lực của 6 triều đại trước đây rất khó khăn, người ta vô vọng và không tìm thấy gì ngay cả ở dạng tàn tích”.
Tôi tin rằng mình là người đầu tiên viết về sự hiện diện của mười ngôi mộ nhỏ ở tỉnh Thái Bình, mà theo người dân địa phương, đây là các ngôi mộ thuộc triều đại tổ tiên của các Vua Trần. Những ngôi mộ này được sắp xếp tạo thành chữ “Vua”. Theo lời kể, bên phải là nơi đặt quan tài bằng đá của vị vua đầu tiên của nhà Trần. Dù sao đi nữa, những di tích này là tàn tích nhỏ bé nếu so với các lăng tẩm của Hoàng đế triều Nguyễn đang trị vì.
Ngoài ra, để tránh bị chỉ trích vì tội bất kính hoặc vì mục đích thận trọng, để bảo vệ bản thân trong tương lai, các nhà vua đều ban chỉ dụ cấp một số tiền nhất định dùng cho việc tu sửa lăng mộ vua của những triều đại trước.
Phải tính thêm rằng, ở quốc gia nhiệt đới này, sức mạnh lãng quên mà thiên nhiên mang lại luôn tràn ngập trên các công trình xây dựng. Tuy vậy, dường như không hợp lý khi nghĩ rằng các lăng mộ cổ xưa có tầm quan trọng như những lăng mộ của 6 vị Hoàng đế gần đây. Liệu chúng ta có nên cho rằng cách bài trí hoành tráng của các vị Hoàng đế này, hay vẻ ngoài của những con đường và lối đi gợi nhắc đến cung điện Versailles, là sự can thiệp về phong cách mà triều đình Vua Gia Long tiếp nhận từ phái đoàn chúng ta đã nhắc tới trước đó.
Điều này là có khả năng và là một giả thuyết chấp nhận được.
Không nên hiểu nghĩa của từ “lăng mộ” như cách ta vẫn thường hiểu, là một công trình, một lăng mộ có kích thước chỉ đủ lớn để chứa quan tài. Lăng mộ ở Huế là một khu vực rộng lớn trải dài nhiều hecta. Những nghệ nhân vĩ đại – các vị vua đã biết kết hợp công trình với thiên nhiên, trang trí và sử dụng các hiệu ứng mang lại cảm giác tuyệt vời. Tọa lạc tại khung cảnh tuyệt đẹp và hùng vĩ của đồi núi phủ thông, những cây đa khổng lồ và những cây phượng đỏ rực, các lăng mộ vô cùng ấn tượng và mang vẻ đượm buồn, tạo sự trang nghiêm và kính trọng. Đặc biệt có 4 lăng mộ đáng chú ý: Đó là lăng các Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Những đường đi rộng lớn, những bậc thang đá lộng lẫy dẫn lên sân thềm trang trí bằng những đỉnh vạc khổng lồ, những hồ dài gợi nhắc đến các hào nước trong vườn kiểu Pháp của ta, tất cả kết hợp lại tạo nên tổng thể có tính thẩm mĩ cao.
Tương ứng với trạng thái khác nhau của con người, các lăng mộ của Hoàng đế gồm 3 phần chính.
Trước tiên là khu vực lăng chính. Dưới một ngọn đồi lớn ở một vị trí bí mật, quan tài được giấu kín. Những cây cối, hoa lá phủ quanh trang trí toàn bộ nơi này. Một cánh cửa đơn độc, khóa bởi dây xích nặng, tượng trưng rằng nơi đây là bất khả xâm phạm.
Tiếp đến là đền thờ, nơi tập hợp những đồ quý hiếm và giá trị mà Vua dùng lúc sinh thời. Những đồ vật này đặt ở đây để tiếp tục phục vụ ngài ở thế giới bên kia. Trên bàn thờ được phủ kín đặt tấm vải che mặt Hoàng đế khi ngài trút hơi thở cuối cùng. Những cuốn sách, đồ dùng quen thuộc, ống hút thuốc, các chén trà nhỏ đặt trên kệ thờ để xung quanh. Các cựu phi tần, hoặc nếu sau khi họ mất, các nhà sư sống trong lăng là người phụ trách các nghi lễ cúng bái, dâng các mâm cỗ cúng trong sự im lặng, dành trọn cuộc đời mình để phụng sự công việc nghiêm trang này.
Đi xa hơn, ở giữa khoảng sân rộng lớn, sừng sững một tấm bia khắc những từ ngữ đẹp đẽ nhất được chọn lựa để ghi lại thành tựu vĩ đại dưới triều đại nhà vua trị vì.
Tấm bia nặng, vững chãi, đứng yên chắc chắn. Từ đó hiện lên vẻ uy nghi của vương triều trong sự tôn kính của thần dân mà chẳng cần phô trương. Danh tiếng ở phương Đông không rình rang kèn trống mà tự khẳng định mình một cách thầm lặng.
Bổ sung vào tổng thể này là một chòi nghỉ ở mỗi lăng, còn được gọi với tên “Ngự lâu”, nằm trên ngọn đồi, từ đây có thể nhìn bao quát toàn bộ khu lăng mộ. Đây là nơi Vua khi còn tại vị thường ngồi để quan sát và chỉ đạo những công trình trong quá trình xây dựng hoặc tận hưởng việc thư giãn.
Không phải lúc nào Huế cũng là thành phố chiêm nghiệm và yên bình. Người trị vì cũng không luôn luôn ẩn mình trong cung điện; đôi khi, ngài tham gia vào những nghi lễ lớn, trang trọng trong năm và xuất hiện trước người dân. Có một khu rừng, mà mỗi cây trong đó đều do một trong những quan văn đầu tiên của triều đình trồng, bao quanh đàn tế. Mỗi ba năm, vào ban đêm, Hoàng đế đến nơi này trong vai trò của đại tế sư chủ trì lễ tế Nam Giao, sau khoảng thời gian trai giới, ngài thực hiện việc hiến tế những con trâu đen béo tốt tới các vị thần.
Vào những dịp này, người ta đem từ kho của bộ Hộ những bộ sưu tập vải quý, đủ các loại trang sức, những tấm giấy lớn màu nghệ tây, điểm xuyết vàng, dùng để viết các chiếu chỉ. Những lễ phục sặc sỡ, các đồ dùng cho nghi lễ như kiệu, lọng, các bàn thờ nhỏ dễ di chuyển. Trong số các lễ hội này, lễ hội thanh nhã và thơ mộng nhất là lễ Tịch điền vào mùa xuân. Hoàng đế sẽ dùng một chiếc cày có tay cầm bằng vàng được chạm khắc, trong khi dân chúng quỳ xung quanh, cày một đường rạch trên mặt đất để cầu sự bình an của Đức Phật ban cho các cánh đồng.
Chúng ta không biết trong tương lai Đông Dương sẽ trở nên như thế nào.
Có thể thế kỉ mà chúng ta đang bước vào sẽ chứng kiến sự hiện diện của lá cờ ba màu nước Pháp bay phấp phới trên các bức tường cung đình Huế. Có lẽ viễn cảnh triều đình tàn lụi và triều đại này dần suy tàn đang mở ra trước mắt. Và một nỗi buồn hiện lên khi ta thấy rằng, việc tiến bộ, chinh phục sẽ khó có thể hòa hợp với việc bảo tồn các con đường, lăng mộ, bóng dáng nhẹ nhàng của những ngôi chùa và cả những nghi lễ cung đình trọng đại.■ (Hết)
[1] Chương này được trình bày trong một buổi hội thảo vào ngày 25/1/1906, tương ứng với ngày mùng 1 Tết Âm lịch
[2] Theo Công giáo, vạ tuyệt thông là một hình phạt nhằm loại bỏ một cá nhân khỏi cộng đồng Giáo hội và cấm họ tham gia vào các nghi thức thánh, như tham dự Thánh Lễ hoặc nhận các bí tích. Vạ tuyệt thông được áp dụng khi một cá nhân phạm phải các tội nghiêm trọng chống lại giáo luật hoặc giáo lý, chẳng hạn như bội giáo, lạc giáo, hoặc phạm các hành vi gây thiệt hại lớn cho Giáo hội. Ở đây có thể hiểu là người dân đã không còn tin tưởng vào nhà vua đang trị vì.
[3] Salic là một bộ luật cổ có nguồn gốc từ người Frank, một trong những bộ tộc Germanic sống ở vùng Gallia (nay là Pháp) vào thời kỳ cuối của Đế chế La Mã và đầu thời Trung Cổ. Một trong những điểm chính của bộ luật này là cấm phụ nữ kế thừa ngai vàng.
[4] Tham khảo điều 166, 167, 172, 174, 179, mục A, Binh luật, Hoàng Việt Luật Lệ
[5] Tham khảo điều 152, mục B, luật Lễ, Hoàng Việt Luật Lệ
[6] Tham khảo điều 151, mục B, luật Lễ, Hoàng Việt Luật Lệ
[7] Sébastien Le Prestre de Vauban (1633-1707) là một trong những kỹ sư quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử Pháp. Ông là một tướng lĩnh và kỹ sư quân sự dưới triều đại Vua Louis XIV. Vauban nổi tiếng với những cải tiến quan trọng trong chiến lược phòng thủ và xây dựng các công sự. (ND)