Nguyễn Xuân Viên – Tạp chí Văn Hữu số 20 năm 1963
Trước một tổng số ngót hai triệu nhân khẩu gồm nhiều dòng họ sống rải rác trên các triền núi cao và các vùng cao nguyên suốt từ thượng du Bắc Việt đến biên thùy Cao Miên, với hình thể phong tục tập quán khác nhau, việc tìm hiểu lịch sử cũng như nguồn gốc huyết thống đồng bào Thượng đã gây khá nhiều khó khăn cho những nhà khảo cứu.
Ở Bắc Việt, đại khái chúng ta có thể kể những dòng họ chính sau đây: Thái, Mán, Mèo, Mường, Lô Lô, La Ty, Pa Teng, v.v. Ở Trung Việt về phía Đông dải Trường Sơn có các dòng Vân Kiều, Tahoi, Ka Tu, Chàm, Roglai, v.v. Tại Cao Nguyên Trung Phần có đồng bào Dié, Sé–dang, Halang, Bahnar, Jarai, Radhé, Mnong, Stieng, Koho, Ma, Chil, Churu, v.v.
Tổ tiên các đồng bào này ngày xưa từ đâu đến? Chính họ cũng trả lời một cách mơ hồ và không biết gì hơn ngoài một vài truyền thuyết qua những chuyện cổ tích mà các cụ già vẫn ngồi kể lại cho con cháu nghe trong những đêm mưa gió gia đình tụ họp chung quanh bếp lửa.
Dòng Mèo ở Bắc thường nhắc đến trận đại hồng thủy mà xa xưa loài người đã trải qua. Dòng Mán cho rằng họ là con cháu một người rừng tên là Bàn Cổ sinh quãng 2.400 năm trước Thiên Chúa trong vùng Hồ Nam bên Trung Hoa. Trong khi ấy dòng Radhé và dòng Bih cùng một vài dòng họ khác trên Cao Nguyên Trung Việt lại tin rằng tổ tiên họ từ dưới đất, hay nói đúng ra là từ trong hang Bang Adrênh chui ra. Dòng Chăm cũng cũng nhắc đến một vụ cháy lớn đốt hết sinh vật trên quả đất, chỉ còn sót lại trên một ngọn núi cao, một người đàn bà cùng một con chó, và cho đó là tổ tiên của họ; tại một ngọn đồi thấp gần biển còn lại độ năm chục người, đó là tổ tiên người Kinh: họ dựa vào câu chuyện đó để giải thích lý do tại sao ngày nay người Thượng sống trên núi cao, người Kinh ở đồng bằng và tại sao người Thượng thưa thớt, người Kinh đông đảo!
Đại khái mỗi dòng có một truyền thuyết tương tự về nguồn gốc của họ. Truyền thuyết nào cũng nhuộm nhiều tính chất thần thoại huyền hoặc không có một căn bản khoa học nào cả.
Trở về thời thái cổ: Nguồn gốc Mélanésien và Indonésien
Theo một vài nhà thông thái như Kern và Cabaton thì đất Việt thời thái cổ có lẽ đã là nơi chôn rau cắt rốn của giống thổ dân hiện nay còn sống trên các hải đảo Thái Bình Dương (Austronésiens hay Polynésien). Những xương sọ tìm được ở Phố Bình Gia (Bắc Việt) hình như là của giống Mansuy người tiền sử ở hang. Con đường họ đã theo để lan tràn ra các hải đảo có lẽ là dãy núi Bắc Sơn ở Bắc Việt và những động dọc theo dải Trường Sơn. Những người thái cổ đó na ná như người Wadjak hiện sống ở Java.
Căn cứ theo một số xương tìm được dưới những lớp đất sâu nhất ở Linh Cảm (Hà Tĩnh) thì buổi sơ khai đất Việt có lẽ đã do giống da đen Papuas và Mélanésiens tương tự như thổ dân Úc Châu và Tân Guinée chiếm cứ. Xưa kia đã có thời giống người này lan tràn ra các hải đảo và hai bên bờ Thái Bình Dương. Ngày nay giống này đã mất hẳn ở Đông Nam Á.
Tiếng nói, hình vẽ và một vài phong tục tập quán của các dòng Thượng xứ ta còn có một vài điểm thấy ở thổ dân sống trên các hải đảo và bên kia Thái Bình Dương. Những trụ đâm trâu với hình vẽ của dòng Ka Tu ở vùng Thượng Quảng Nam giống như nghệ thuật thổ dân Tân Thế Giới (Néo-Zélandais). Cái khăn quấn đầu có gắn lông chim của dòng Jarai, những vòng ngà căng ở tai dòng này và dòng Mạ không khác gì những trang sức của dân da đỏ ở Honduras (Trung Mỹ). Dòng Sré ở Lâm Đồng cũng tin rằng linh hồn người chết lên mặt trời ở như giống Incas thổ dân Pérou (Nam Mỹ).
Những dụng cụ bằng đá mài đào được dưới đất chứng tỏ rằng giống người Papuas và Mélanésien xưa kia có mặt cả ở Bắc Việt. Trong số các dòng Thượng ở Cao Nguyên Trung Việt hiện còn một số người sọ dài, tóc quăn, có thể coi là vết tích di truyền sót lại của giống người cổ xưa đó.
Một số nhà khảo cứu lại cho rằng giống thổ dân Nam Dương (Indonésien) đã từ các đảo Mã Lai, Bornéo tràn tới Đông Dương, Ấn Độ và các đảo Thái Bình Dương, vì người ta thấy ở những dòng Thượng Cao Nguyên một số những hình tích của những thổ dân hiện sống trong các rừng núi Phi Luật Tân, Bornéo và Nam Dương. Hình như những dòng họ hiện ở Cao Nguyên xưa kia đã có thời sống ở ven biển: trong các cổ tích của họ còn nhắc nhở đến nhiều câu chuyện liên quan đến biển cả và họ đã tỏ ra có thể thích hợp được một cách khá mau chóng với cuộc sống ở đồng bằng, không như dòng Mèo ở Bắc Việt là dòng không bao giờ chịu sống dưới độ cao 600 thước, sống dưới độ cao đó, cơ thể của họ có thể bị nhiều hậu quả đôi khi tai hại.
Các nhà khảo cứu đã căn cứ vào những di tích tìm được để kết luận rằng:
– Đất Bắc từ thời Thái Cổ đã do giống người da đen Papuas và Mélanésien chiếm cứ, sau đó những người này bị giống Indonésien từ các hải đảo Thái Bình Dương đến đánh đuổi, một phần những thổ dân cũ bị đồng hóa, một phần khác bị tiêu diệt hoặc chạy ra các hải đảo. Đồng bào Thượng hiện sống ở Cao Nguyên Trung Phần là dòng dõi những người Indonésien này trong đó còn lại một số di truyền xa xưa hơn của giống Mélanésien. Những thổ dân Nam Dương ở các hải đảo Polynésie cũng cùng một nguồn gốc. Có lẽ họ là những người đầu tiên đã biết sử dụng đồ đá mài ở Đông Nam Á. Sau những người này lại có một số người Mã Lai đến chiếm cứ vùng ven biển miền Nam dồn một phần những người gốc Indonésien vào rừng, phần còn lại cũng bị đồng hóa. Những người này là tổ tiên của dòng Chàm. Những câu chuyện về một thứ ma mà đồng bào Thượng Cao Nguyên rất ghê sợ và vẫn gọi là Ó Mã Lai phải chăng là di ảnh những cuộc cướp bóc tàn sát xưa kia của những người gốc Mã Lai đến trên những chiến thuyền có hình con Ó.
Dầu những vết tích xa xưa mà thời tiền sử còn để lại hoặc dưới đất, hoặc trong hình thể hay trong phong tục tập quán đã xác nhận phần nào nguồn gốc các dòng họ từ ngàn xưa vẫn sống trên đất Việt, nhưng chúng ta cũng phải công nhận rằng các dòng họ đó, vì sự đụng chạm lâu ngày với các dòng họ lân cận, hay các giống dân mới, đã bị pha trộn đi rất nhiều, thành ra khi nghiên cứu đến nguồn gốc của các dòng họ từng chia sẻ với nhau dải đất Việt từ mấy ngàn năm nay, các nhà nhân chủng học không khỏi bối rối trước nhiều giả thuyết.
Thời kỳ lịch sử sơ khai: Nguồn gốc Mông Cổ (Mongolique)
Ngoài những vết tích xa xưa của các giống Mélanésien và Indonésien, gần chúng ta hơn, lịch sử đã ghi dấu nam tiến của các dòng họ gốc Mông Cổ (Mongolique) xuất phát từ đất Giang Tây bên Trung Hoa. Các dòng họ này được mệnh danh là các dòng Thái. Trong đời nhà Chu, Trung Hoa chia ra làm nhiều nước nhỏ luôn luôn đánh nhau, dân tình chịu đựng chiến tranh lầm than đói khổ, vì vậy họ đã bỏ đất cũ di cư về miền Nam. Cứ mỗi lần có loạn lạc lại thêm một số người bỏ ra đi. Cuộc di cư vĩ đại nhất có lẽ đã diễn ra khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc (Thế kỷ thứ ba trước Tây lịch). Không những nhà Tần thi hành một chính sách tàn bạo, nhân dân điêu linh đồ thán phải bỏ đi, Tần Thủy Hoàng còn cử hàng 50 vạn quân đi chinh phục các xứ phương Nam.
Các dòng Thái di cư xuống miền Nam khi đến vùng rừng núi Quý Châu, Tứ Xuyên thì chia ra làm hai nhóm:
Nhóm thứ nhất rẽ sang dòng sông Tây Giang lan dần theo các triền sông Kỳ Cùng, Bằng Giang, Thái Bình và sinh cơ lập ấp ở đấy. Họ là tổ tiên các giống Thổ mạn Cao Bằng, Lạng Sơn và các dòng ở vùng đông bắc Bắc Việt. Một phần nhóm này còn đi xa hơn, ra tận đảo Hải Nam.
Nhóm thứ hai rẽ về phía Tây Nam, theo dòng sông Cửu Long mà xuống và lan tràn ra các vùng đồng bằng hai bên bờ sông hòa hợp với các thổ dân gốc Ấn Độ và Nam Dương ở đấy lập ra các dân tộc Lào, Thái Lan và Cao Miên.
Một phần trong nhóm này lại bỏ dòng sông Cửu Long bắt sang các suối nguồn sông Hồng Hà mà xuống miền Đông Nam lập ra các dòng Thái Thổ và các dòng khác ở mạn tây bắc Bắc Việt.
Người Kinh ở đồng bằng Bắc Việt như vậy cũng đã là kết quả xa xưa của nhiều cuộc pha trộn giữa những dòng máu Mélanésien, Indonésien và sau này Mông Cổ (Mongolique).
Tuy cùng một dòng Thái xưa sống trong vùng Giang Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam nhưng mỗi nhóm di cư đến một địa phương, mỗi nhóm di cư vào một thời kỳ, trước sau nhau có khi hàng thế kỷ, sinh hoạt, tiếp xúc ở địa phương mới cũng không giống nhau, nên đã phát sinh ra nhiều sự khác biệt về đủ mọi phương diện.
Dòng Mán cũng từ miền rừng núi Tây Giang, Tứ Xuyên xuống và cũng theo triền sông Hồng Hà nhưng vì đến sau, những vùng thung lũng phì nhiêu đã do Thái Thổ chiếm cả rồi nên họ phải chiếm những vùng sườn đồi sườn núi ít phì nhiêu hơn.
Dòng Mèo còn đến sau hơn nữa. Ngày nay, trên các vùng Thượng du Bắc Việt người ta còn thấy những chi họ Mèo Mán mới sang Việt Nam trong vòng vài ba trăm năm trở lại đây mà thôi.
Trong khi ấy, dòng Kinh vì ở đồng bằng, đất đai phì nhiêu hơn, khí hậu tốt hơn, nên sinh sản bành trướng nhanh chóng, lại tiếp xúc nhiều với Trung Quốc (hơn một ngàn năm Bắc thuộc), huyết thống cũng như văn hóa đã bị ảnh hưởng Trung Hoa rất nhiều. Ngay từ hồi thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, địa giới đất Âu Lạc ở Đèo Ngang, và hồi đầu Tây Kỷ nguyên đèo Hải Vân, cũng đã là địa giới giữa người Kinh và người Chàm hồi bấy giờ.
Trong khi các dòng họ Indonésien ở Bắc một phần càng ngày càng bị pha trộn huyết thống Mông Cổ, thì một phần khác đã di cư dần vào miền Nam. Các dòng huyết thống Indonésien từ đèo Hải Vân dọc bờ bể vào Nam lại tiếp xúc với dòng Mã Lai như đã nói trên, để thành dòng Chàm, và kể từ thế kỷ thứ III sau Tây lịch, thành quốc gia Chàm. Dân Chàm, từ đầu Tây kỷ nguyên lại giao dịch thương mại với người Ấn nên chịu một số ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ.
Các dòng ở sâu trong nội địa và ở trên Cao Nguyên, ít tiếp xúc với người Mã Lai hơn vẫn giữ được huyết thống Indonésien nhưng cũng vì ít tiếp xúc với văn minh ngoài nên lạc hậu và vẫn theo chế độ bộ lạc. Cũng vì lí do đó, nên khi nghiên cứu đến các dòng Thượng ở Bắc Việt Nam, ông De La Jonquière đã viết trong cuốn Ethnographie du Tonkin Septentrional rằng: “Người Mường có liên hệ nòi giống với người Thượng ở phía Nam bán đảo (Đông Dương), và chính những người Thượng này là hiện thân của người Việt cổ thời”. (Les Muong sont apparentés au Moi du Sud de la Péninsule, type primitif des Annamites).
Ngay từ hồi đầu Tây kỷ nguyên, những người Thái xưa kia từ mạn Tây Giang xuống định cư ở hạ lưu sông Cửu Long đã hòa hợp pha trộn với người Ấn Độ và người Mã Lai để thành lập nên dân tộc Khmer và quốc gia Chân Lạp, và từ khi lập quốc đến Thế kỷ 12 đã nhiều lần Chân Lạp cùng với dân Chàm tranh giành nhau ảnh hưởng tại vùng Thượng Cao Nguyên Trung Phần, do đó phong tục tập quán các dòng Thượng Cao Nguyên ngày nay còn rất nhiều di tích Khmer và Chàm.
Rải rác trong vùng Ban Mê Thuột và Pleiku, ngày nay người ta còn thấy nhiều di tích lịch sử Chàm: Tháp Yang Mum và Drang Lai gần Cheo Reo, Tháp E Ahleo (Yang Prong) cách Bang Don 40 cây số về phía Bắc. Con đường từ Phước Sơn – Trà My (Quảng Nam) sang Dakrota, Daksut, Dakto (Kontum) cũng như con đường sông Ba (Phú Yên) lên Cheo Reo, Pleiku, đường Mdrack (Khánh Hòa) lên Ban Mê Thuột xưa kia đã là những đường liên lạc buôn bán giữa các dòng Thượng Cao Nguyên với dân Chàm và cũng là đường xâm nhập của dòng Chàm vào đất Cao Nguyên.
Nói chung, các dòng Jarai, Radhé, Koho và Roglai ảnh hưởng Chàm nhiều, còn các dòng Mnong, Bahnar, Sédang, Tahoi, Che Ma và Stieng còn giữ nhiều ảnh hưởng Khmer.
Kiểm điểm sơ lược những sự kiện, chúng ta sẽ đỡ bỡ ngỡ khi nghiên cứu đến hình thể cũng như ngôn ngữ phong tục tập quán các dòng Thượng.
Mối liên hệ huyết thống Kinh – Thượng dưới con mắt các nhà khảo cổ
Suốt từ Bắc chí Nam chúng ta có thể kể được đến hơn 40 dòng họ, mỗi dòng có những đặc điểm riêng về hình thể, ngôn ngữ, cũng như phong tục tập quán. Nếu chỉ nhìn một cách riêng rẽ, người ta sẽ thấy rất nhiều khác biệt và vô cùng phức tạp, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ từng dòng và đem tổng hợp lại, các nhà nhân chủng học đều phải công nhận rằng xuyên qua tất cả những sự khác biệt, những liên hệ huyết thống và những liên hệ chủng tộc đã bị thời gian và không gian làm phai mờ.
Thật vậy, từ người Kinh ở đồng bằng sang người Mường, người Thái, người Thổ, không có gì cho ta có thể dựa vào để nói đấy là những giống người riêng biệt. Chính ông Robequain, một nhà nhân chủng học tên tuổi, cũng đã viết trong cuốn “Le Thanh Hóa”, quyển I trang 102 rằng: “Các điều nhận xét về nhân chủng theo đuổi một cách có phương pháp và tỷ mỷ, cho đến ngày nay vẫn còn quá ít ỏi, để có thể trở nên hữu dụng, nhưng dầu chưa được đầy đủ, ngay từ bây giờ, những nhận xét đó cũng tiết lộ rằng giữa người Kinh, người Mường và người Thái không có những sự khác biệt rõ rệt”.
Ông De La Jonquière lại cho rằng những sự khác biệt giữa Thái, Mán, Mèo không phải là những khác biệt về nòi giống (Ethnographie du Tonkin septentrional trang 85). Khi nghiên cứu về tiếng nói, ông De La Jonquière cũng cho rằng: nếu thổ ngữ Mường là một chi phái của tiếng Kinh, thì tiếng Thái và tiếng Kinh lại là hai chi cùng một gốc. Ông Henri Maspéro cũng đồng quan điểm ấy (Un empire colonial français: l’Indochine, trang 94, 114, 118).
Trong những cuộc sưu tầm của nhân chủng học viện Viễn Đông hồi tiền chiến, người ta đã tìm thấy nhiều bộ xương sọ của người Chàm xưa ở vùng Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định. Hiện nay trong ba vùng đó còn nhiều người hình thể lai Chàm rõ rệt, và nhiều làng ở Trung Việt, rất nhiều người Chàm lai Kinh. Trung tá Bonifacy, trong cuốn Cours d’Ethnographie indochinoise – édition 1919, trang 81, còn nói rằng: “Tất cả những người nghiên cứu đến các dòng Thượng ở Cao Nguyên đều nhận thấy rằng, cách ở và tiếng nói của các dòng đó bị ảnh hưởng rất nhiều ở người Kinh, người Chàm, người Miên và người Thái. Nếu tạm gác dòng sau cùng này ra một bên, vì sự tiếp xúc của dòng này với các dòng Thượng Cao Nguyên tương đối không xưa lắm, thì ta có thể kết luận rằng người Kinh, người Chàm và người Miên phần nào đã từ người Thượng Cao Nguyên biến cải đi”.
Ông Louis Malleret, trong quyển Groupes ethniques de l’Indochine française, trang 12, cũng đồng quan điểm và viết rằng: “Tất cả những sự xếp đặt về ngôn ngữ (ở Việt Nam) rất đáng cho ta lưu ý, nhưng cần phải nhớ rằng những sự xếp đặt ấy không phải để chứng minh rằng các thổ ngữ đó thuộc về những nòi giống riêng biệt như người ta thường viết, mà chính là để chứng tỏ rằng các thổ ngữ đó thuộc những dòng họ đã là kết quả của một sự tiến hóa qua nhiều ngàn năm rất huyền bí đối với chúng ta”.
Đến đây, chúng tôi xin nhường lời cho Đại úy Gosselin. Ông đã viết trong cuốn L’Empire d’Annam rằng: “Hết thẩy các sử gia chân thành muốn tìm sự thật đều phải công nhận rằng: khi để chân lên đất Việt Nam, người Pháp đã phải đụng chạm với một dân tộc hợp nhất, hợp nhất một cách không ai ngờ, từ các miền Cao nguyên thượng du Bắc Kỳ cho đến biên giới Cao Miên, hợp nhất về đủ mọi phương diện, nhân chủng cũng như chính trị và xã hội”.
“Trong một vài trường hợp, ảnh hưởng phong thổ có làm cho hình vóc người thay đổi đôi phần, nhưng đó là những điều nhỏ mọn, như đã từng thấy ở nước Pháp, hoặc ở các xứ khác trên thế giới, ở những dân tộc cùng một chủng tộc nhưng trải qua thời gian, đã sống trong những phong thổ khác nhau”.
Nói tóm lại các nhà nhân chủng học cũng như những người để tâm nghiên cứu phong tục tập quán các dòng họ sống ở Việt Nam đều đồng ý với nhau rằng dầu là Kinh hay Thượng các dòng họ đó là những người cùng chung sống trên đất Việt trải qua nhiều đời.
Tình huynh đệ Kinh- Thượng qua lịch sử
Đã cùng một huyết thống và đã chung sống trên cùng một dải đất qua nhiều triều đại tất nhiên phải có những liên hệ tình cảm, văn hóa cũng như chính trị kinh tế và xã hội.
Gác ra ngoài những sự xích mích xung đột nhất thời không tránh được trong những thăng trầm của một dòng lịch sử hàng mấy ngàn năm, chúng ta thấy mối tình huynh đệ Kinh – Thượng qua thời gian và không gian thật là thắm thiết.
Những liên lạc về kinh tế, những liên hệ về văn hóa cũng như tình cảm, cùng với những liên quan về lịch sử đã quyện lại để hun đúc cho toàn thể dân tộc Việt, dù là sơn cước hay đồng bằng, một tinh thần tương thân tương trợ rất đáng được lưu ý.
Thật vậy, từ xưa tới nay đồng bào sơn cước tuy lúc thường vẫn sống một cuộc đời bình thản trong các buôn bản, nhưng khi quốc gia hữu sự, đất nước bị ngoại xâm, đã không ngần ngại góp phần xương máu.
Đinh Tiên Hoàng, người đã có công thống nhất giang sơn hồi thế kỷ thứ IX, phải chăng đã phất ngọn cờ lau từ động Hoa Lư (Ninh Bình) bấy giờ là một đất Mường?
Hồi thế kỷ thứ 12, Chân Lạp nhiều lần xâm lấn các bộ lạc Cao Nguyên, uy hiếp Chàm và Việt Nam, nhà Lý đã liên kết với vua Chàm và các bộ lạc Cao Nguyên để chống cự. Bấy giờ Lý Thần Tôn sai tướng là Lý Công Bình đi dẹp; Chân Lạp lui quân và chịu sang triều cống nhà Lý.
Đời Trần, khi quân Nguyên xâm lấn Việt Nam, sau khi bị bại ở trận Đông Bộ Đầu với Trần Hưng Đạo, giặc Nguyên rút lui về Vân Nam khi đi qua Trại Quý Hòa còn bị chủ trại là một dòng họ Thổ đem dân binh ra tập kích một trận vô cùng tai hại.
Ông Robequain, khi nghiên cứu đến tỉnh Thanh Hóa, cũng công nhận trong cuốn “Le Thanh Hóa” trang 108 rằng: “Lê Lợi, người sáng lập ra nhà Lê, sinh trưởng ở Lam Sơn một đất Mường thuộc phủ Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, đã chọn những viên tướng đầu tiên của ông trong số những người Mường”. Quang Trung Nguyễn Huệ, người đuổi quân Thanh để đem lại độc lập cho nước nhà, đã dấy nghiệp ở An Khê (vùng Thượng Bình Định) và những quân lính tướng lãnh đầu tiên của người cũng đã là những đồng bào Thượng Bahnar ở vùng đó.
Nguyễn Kim, sáng lập ra nhà Nguyễn, cũng sinh trưởng ở Gia Miếu, một đất Mường thuộc phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Hồi gần đây, khi quân Pháp đến xâm chiếm Việt Nam, vùng Thượng Trung Việt đã là nơi nương náu của vua Hàm Nghi, Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Mai Xuân Thưởng. Lịch sử còn ghi việc Cai Mao, một quan Châu Mường ở Điền Lư, và Đề Thám ở Yên Thế, một đất Thổ Bắc Giang, kháng chiến anh dũng trước cuộc xâm lăng của người Pháp. Năm 1891, Đèo Văn Trí, một quan Châu Thái, cũng đã đưa quân đánh úp đồn Tuyên Quang giết chết đồn trưởng Pháp bấy giờ là Bobillot.
Cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Thượng Cao Nguyên miền Nam cũng không kém phần ác liệt:
Năm 1859, người Pháp chiếm Gia Định và có ý bành trướng thế lực lên miền Bắc, nhưng chỉ sau đó 3 năm, năm 1862, đồng bào Nam Việt đã hợp lực với các dòng Stieng, Churu nổi lên chống trả ở phía Bắc Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Bà Rịa. Tất cả các tiền đồn của người Pháp ở phía Bắc Gia Định đều bị tấn công. Người Pháp phải cử hai Trung tá Coquet và Loubère đi chinh phạt.
Năm 1869, một cuộc khởi nghĩa khác do dòng Stieng chủ trương lại nổi lên ở Tây Ninh trong vùng Trảng Bàng.
Cuộc xâm nhập của người Pháp vào vùng Cao Nguyên Trung Việt cũng vô cùng vất vả.
Tuy từ cuối thế kỷ XIX, các nhà truyền giáo đã đặt chân lên vùng Kontum và đã xây dựng được một cơ sở vững chắc, nhưng đất Cao Nguyên hồi bấy giờ vẫn còn là một vùng đất bí hiểm đối với nhà cầm quyền Pháp. Từ những năm 1893, các dòng Radhé và Jarai đã không những không chịu hợp tác với người Pháp mà còn tỏ ra chống đối. Năm 1900, Lê Võ Trụ đã chỉ huy một đội ngót một ngàn người Thượng đánh úp Sông Cầu (Phú Yên). Năm 1904, Odend’hal hướng dẫn một đoàn thám hiểm tiến vào vùng Thượng đã bị đồng bào Jarai giết chết. H. Maitre cũng bị đồng bào Mường hạ trong một cuộc thám hiểm khác năm 1914. Đồng bào KaTu ở Quảng Nam cũng đã từng nổi lên cùng đồng bào Thượng Quảng Ngãi chống đối mãnh liệt trong những năm 1920-1921. Bộ lạc Bahnar Roh ở An Khê cũng đã nổi lên kháng chiến chống Pháp hồi 1924-1925-1926. Đồng bào địa phương còn ghi nhớ những trận làng Có và làng Thắng (tức là hai làng Pleikon-krui và Plei-Djigang). Năm 1940 dưới quyền chỉ huy của Yong đồng bào Bahnar ở An Khê lại một lần nữa nổi lên chiến đấu và gây khá nhiều tổn thất cho người Pháp. Nhưng với võ khí thô sơ dĩ nhiên là cuộc kháng chiến phải đi đến thất bại. Khi quân Pháp kéo vào làng, Yong đã họp tất cả dân làng ở nhà Rong, hiên ngang cầm giáo ra tuyên bố với người Pháp: “Tôi đã thề trước dân làng là không bao giờ tôi chịu để người Pháp đặt chân đến đây, thế mà ngày nay tôi đã sai lời hứa, vậy tôi xin lấy cái chết để tự xử”. Nói xong Yong dựng ngọn giáo trước ngực và choài mình tới để giáo đâm thẳng vào tim chết trước lòng thán phục của quân địch.
Cuộc chống đối của đồng bào Thượng đã diễn ra tại khắp vùng Cao Nguyên và dưới nhiều hình thức hoặc bạo động, hoặc bất hợp tác, hoặc đốt nhà đốt làng trốn vào rừng, v.v… suốt từ khi có mặt người Pháp trên Cao Nguyên cho mãi đến hồi 1945 không lúc nào là không có. Tuy những cuộc chống đối đó không thu lượm được kết quả mong muốn những cũng đã gây rất nhiều khó khăn cho người Pháp và đã trực tiếp góp phần vào công cuộc kháng chiến giành độc lập của toàn thể dân tộc.
Để thay lời kết, chúng tôi xin trích dịch một câu của ông Robequain trong cuốn “Le Thanh Hóa” trang 108 như sau:
“Vùng rừng núi hiểm trở đó không phải lúc nào cũng sống một cuộc đời riêng biệt và thấp kém, trái lại đã góp mặt vào những biến cố lớn của lịch sử vùng đồng bằng và của cả Việt Nam, chính những vị vua chúa sáng lập ra những triều đại hiển hách nhất đã xuất thân dưới bóng các vùng rừng núi đó, và chính cũng nhờ những người dân can đảm của vùng này mà lòng yêu nước của người Việt đã tìm được sự nương náu cuối cùng trong những giờ nghiêm trọng khó khăn, để hun đúc nên những yếu tố thành công sau này”.
Câu này ông Robequain đã dùng để chỉ riêng vùng rừng núi Thanh Hóa, nhưng ở đây, chúng tôi xin mạn phép tạm mượn để nói chung cho tất cả các vùng Thượng từ Nam chí Bắc.■