Tác giả: Jean François
Người dịch: Nguyễn Bình Phương
Bài viết “Ghi chép về Hội Lim” của tác giả Jean François đăng trên Tuần san Indochine số 81, thứ Năm ngày 19 tháng 3 năm 1942 cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quý báu: từ những câu hát huê tình được chép lại đến lý do tại sao nhà chức trách thời ấy phải cấm mở hội do lo sợ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Ngoài những minh họa của họa sỹ tài hoa Mạnh Quỳnh trên bài báo gốc cùng tấm ảnh cô thôn nữ xứ Lim trên tờ bìa, chúng tôi còn tìm thấy vài hình vẽ tươi vui hóm hỉnh của họa sĩ Côn Sinh trên báo Loa vào năm 1935. Thư viện NVH trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
***
“Tháng giêng là tháng ăn chơi”
Câu ca dao cổ của người Việt nói rằng tháng đầu tiên trong năm là để giải trí. Người ta vui chơi khắp nơi, từ Cà Mau đến tận Lào Cai, nhưng họ cho rằng chẳng đâu vui như hội Lim. Từ xa xưa, hàng năm cứ đến ngày 13 tháng Giêng (năm nay rơi vào ngày 28 tháng 2), những người nông dân đôn hậu xứ Bắc Ninh và Bắc Giang lại tụ hội về đây.
Lim là một ngọn đồi trọc bé nhỏ hoang vắng mà người ta có thể thoáng trông thấy bên phải con đường cái từ Hà Nội sang Bắc Ninh, nằm cách trung tâm Bắc Ninh chừng 4 cây số. Dưới chân đồi mọc lên một ngôi chùa nhỏ đã bị mọt và xiêu vẹo. Một lối nhỏ vắt quanh đồi rồi dẫn xuống ngôi làng đông đúc ẩn sau lũy tre. Dưới chân đồi có nhiều tán cây cổ thụ. Đó là hình ảnh đồi Lim suốt 364 trong tổng số 365 ngày của một năm. Nhưng mỗi năm một lần, vào ngày 13 tháng Giêng, quang cảnh nơi đây biến đổi. Cả ngọn đồi phủ kín người. Nhìn từ xa trông giống một con vật khổng lồ đã chết, bụng ngửa lên trời và trên cái bụng đó bu đầy kiến.
Đông đảo nông dân mặc diện, hớn hở đeo ô, chen chân đi trẩy hội. Toàn dân trong vùng tụ về sườn đồi từ sớm tinh mơ ngày 13 giống như tổ tiên họ chưa hề bỏ lỡ việc đó từ hàng trăm thế kỷ nay.
Những người dân đôn hậu đến đây để làm gì?
Họ đến đơn giản để gặp nhau, để vui xuân, nói câu chuyện hay, và nhất là để nghe làn điệu “quan họ” nổi tiếng từ miệng những cô gái xinh nhất vùng châu thổ Bắc Kỳ.
Chẳng ai lại không biết đến danh tiếng của những cô gái Bắc Ninh. Thường lệ, họ là những cô gái xinh nhất, mộc mạc và đa tình nhất nước.
Hội Lim tóm lại chỉ là một cách hết mực tôn vinh tài nghệ cùng sự duyên dáng của các cô gái ấy. Cái nét duyên này chẳng quên việc làm điệu thêm chút. Họ không ăn mặc xoàng xĩnh như ngày thường. Các cô cẩn thận vấn tóc bằng khăn nhiễu tam giang, khoác cái áo cánh nhuộm củ nâu sáng bóng. Cái áo làm nổi bật chiếc thắt lưng cá vàng cùng tấm váy dài phủ tận mắt cá chân. Về phía các chàng trai (chẳng phải phong dao đã viết “có nam có nữ mới nên xuân” đấy hay sao?), họ phải làm cho bạn gái của mình tự hào nên đều ăn mặc chải chuốt: nón dứa, khăn lượt, kính râm, áo the lót, quần ống sớ, giầy Gia Định.
Vậy là các chàng trai cô gái diện những bộ đồ tươm tất nhất đã sẵn sàng hát “quan họ”. Điệu hát nổi tiếng khắp xứ Bắc Kỳ này giống như màn “hát giao duyên” mà chúng ta bắt gặp dưới các hình thức khác trên khắp cõi Đông Dương. Các cô gái cố gắng thể hiện sự thông minh duyên dáng còn các chàng trai trổ tài, khoe khéo. Nếu trái tim một cô nàng rung động thì càng tuyệt. “Mùa xuân đến, hãy hát ca và cưới nhau” giống như câu ngạn ngữ Annam. Nhưng trái tim người đẹp không hề dễ chiếm. Phải làm sao để xứng với trái tim nàng.
Họ kết thành từng đám lẫn lộn, trai gái mỗi bên, tay khoanh lại, điệu bộ ý tứ. Những người thi tài đã sẵn sàng nhập cuộc nhưng việc khởi đầu bao giờ cũng khó khăn. Cần có một màn giáo đầu. Ở xứ Annam, dù nắng hay mưa thì việc mời trầu đều có thể thay thế cho các cách thức giáo đầu quen thuộc của người phương Tây.
Do đó, chàng trai mời cô gái mà mình đã nhắm đến xơi trầu và chung vui: “Nhất niên, nhất lệ, chị Hai và đông quan họ đã đi đến đây, xin mời chị Hai và đông quan họ xơi trầu rồi cầu vui”.
Theo lệ, cô gái sẽ từ chối nên chàng trai sẽ phải tìm cách khéo léo năn nỉ. Cô gái bông đùa làm khó chàng trai, bắt anh ta chờ đợi và rồi tinh quái làm mất mặt anh chàng. Thí sinh thường bị cứng miệng và bị loại dưới tràng cười nhạo của đám đông.
Khi anh ta vượt qua được cửa ải khó khăn này thì chầu hát thật sự mới bắt đầu. Đó là cuộc đấu không tài nào mô phỏng hay diễn tả nổi. Ai nấy đều cố sức tìm ra giai điệu du dương, câu thơ thú vị nhất, ví von tinh tế nhất. Họ hát về đủ thứ trên đời. Lời ca bông đùa, mộc mạc, tình cảm, say đắm, châm biếm, mãnh liệt, ngọt ngào. Việc tranh tài khiến họ mạnh bạo hơn, sự e dè bớt đi. Thường thì các đối thủ đều đi đến việc thổ lộ những điều cháy bỏng, những khao khát rõ ràng cho dù có được ngụy trang bằng các uyển ngữ.
Chàng trai hát:
Thân cô như hoa gạo trên cây
Thân tôi như đám cỏ may bên đường
Lạy giời cho cả gió rung cây
Cho hoa rụng xuống cỏ may xỏ vào.
Cô gái đáp lại:
Thân chị như cánh hoa sen
Chúng em như bèo, như bọt chẳng chen được nào
Lạy giời cho cả mưa rào
Cho sấm, cho chớp, cho bão to, gió lớn
Cho sen chìm xuống bèo trèo lên sen.
Thực ra, sự thô ráp này dù sao đi nữa cũng chỉ là một ngoại lệ. Nó hoàn toàn chỉ là lời nói suông đằng miệng mà thôi.
Tuy nhiên, chẳng cần gì hơn đã có thể thu hút về hội Lim tất cả các “công tử bột” của thành phố. Họ đã gây một cái tiếng rất tồi ở đó từ vài năm nay. Một lũ thanh niên chơi bời hàng năm kéo về vùng đã làm hỏng đi màu sắc và dáng dấp của một lễ hội dân gian đặc sắc mà sự phóng túng duy nhất được châm trước chỉ là những câu phong tình thi vị. Chúng lại chăm chăm tìm kiếm những dan díu dễ dãi, những đụng chạm xác thịt.
Cái lũ đó kéo đến ngày càng đông để chòng ghẹo những cô thôn nữ trong trắng. Chúng gây sốc cho toàn thể người dự hội bởi những câu gièm pha chướng tai, cử chỉ lố lăng kèm theo những câu lẳng lơ thô tục. Người dân thôn quê đôn hậu bị bấn loạn nên đã cân nhắc việc cho phép các con của mình tham dự vào những trò không còn trong sáng nữa. Trò diễn thậm chí đã trở nên tục tĩu đến mức các nhà chức trách phải can thiệp mạnh tay. Họ đã nghĩ một cách nghiêm túc là chỉ còn cách loại bỏ cái lễ hội lâu đời này.
Chiến tranh chỉ đẩy tình trạng tồi tệ hơn: Từ hai năm nay, quân lính đã đóng trên đồi Lim nhưng việc kề cận này không hề khôi phục được sự tin tưởng. Chính vì vậy mà năm nay, những khách vãng lai không được báo trước chắc sẽ ngạc nhiên khi thấy ở hội Lim vào ngày 13 tháng Giêng chỉ có lác đác mấy nhóm những thằng không thể uốn nắn.
Nhưng làn điệu quan họ không mất đi. Ẩn sau lũy tre làng hoặc tụm lại những nơi tách biệt, tránh khỏi sự xâm chiếm thị thành, những cô gái Lim vẫn tiếp tục xứng đáng với danh tiếng xưa. Tuy nhiên, hết thảy người Annam trong sâu thẳm trái tim đều nuối tiếc việc loại bỏ lễ hội truyền thống trên sườn đồi Lim. Chúng tôi hy vọng cùng với họ rằng những năm tới sẽ có thể khôi phục cũng như trả lại nét đẹp nguyên thủy cho một trong những lễ hội vui thích nhất trong khắp xứ Annam.
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng (Bài đăng trên Tạp chí Phương Đông số tháng 4-2021)