Liam C. Kelly[1]
Phạm Khánh Linh dịch
Nguồn: Kelley, Liam C. “Batavia Through the Eyes of Vietnamese Envoys.” A Journal of the Southeast Asian Studies Student Association 2, no. 1 (1998).
Mở đầu
Kể từ khi John Smail kêu gọi các học giả đầu thập niên 60 từ bỏ những công trình nghiên cứu lấy Châu Âu làm trung tâm của các sử gia thời kỳ thuộc địa để xây dựng một “lịch sử tự chủ” cho Đông Nam Á, các sử gia đã phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa: làm thế nào để viết về quá khứ từ “quan điểm bản xứ” trong khi các nguồn tư liệu bản địa (nếu có) là quá ít ỏi. Mặc dù liên tục bị chỉ trích, nhưng những công trình như vậy ngày càng trở nên công phu hơn.[2]
Tuy nhiên, một nguồn chưa được áp dụng rộng rãi trong những công trình nghiên cứu này là câu chuyện mà người dân Đông Nam Á kể về những quốc gia láng giềng của họ. Các câu chuyện đó chắc chắn không tránh khỏi thành kiến, nhưng chúng có thể cung cấp cho chúng ta một bức tranh đáng giá về “cách thế giới được nhìn nhận từ những địa điểm cụ thể”.[3] Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ bàn luận một “cách nhìn nhận” như vậy, cụ thể là hình ảnh Batavia (Jakarta, Indonesia ngày nay – BTV) trong mắt người Việt Nam giữa thế kỷ XIX. Tôi làm điều này bằng cách xem xét ghi chép của hai sứ thần Việt Nam đã đến Batavia vào năm 1833 và 1844. Tuy nhiên, trước khi nhìn vào hai văn bản đó, tôi sẽ phân tích tổng quan về mối quan hệ giữa Việt Nam và Đông Nam Á hải đảo đầu thế kỷ XIX. Tiếp đến, tôi sẽ giới thiệu về hai vị sứ thần và phân tích việc một số quan sát của họ bị sai lệch như thế nào do tác động của thế giới quan Trung Hoa. Sau khi đã cung cấp những thông tin cơ bản quan trọng đó, tôi sẽ tiếp tục đào sâu hơn nữa để xác định cái nhìn cụ thể mà hai câu chuyện kể cung cấp về tình hình Batavia vào giữa thế kỷ XIX. Luận điểm chính của bài viết là sự khác biệt giữa hai du ký cho thấy ảnh hưởng của những thay đổi đang diễn ra ở Batavia (và trên toàn Châu Á nói chung) tại thời điểm đó.
Việt Nam dưới triều Nguyễn và Đông Nam Á Hải đảo
Trong nửa đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn thực thi chính sách ngoại giao khá thiếu quyết đoán. Không ôm giấc mộng kiểu Trung Hoa rằng đất nước họ có thể tự chủ về kinh tế, vương triều này vẫn không chắc liệu xã hội Việt Nam có thể chống chọi được trước những ảnh hưởng nguy hại đi kèm với thương mại phương Tây hay không. Vì thế, họ do dự giữa chính sách “bế môn tỏa cảng” cấm đoán và chính sách khuyến khích thương mại ngoại quốc mà được biết đến với cái tên “học bánh tây sữa bò”, tức nghiên cứu về ngôn ngữ, công nghệ và văn hóa phương Tây.[4]
Trong suốt giai đoạn này, quan hệ với Đông Nam Á hải đảo – cả chính thống và trái phép – đóng vai trò kết nối Việt Nam với thế giới bên ngoài. Các phái đoàn sứ bộ chính thức của triều Nguyễn xuống phương Nam bắt đầu từ năm 1788 khi Nguyễn Phúc Ánh (tức vua Gia Long sau này) cử quân lính đến Melaka và Pendeer mua vũ khí hỗ trợ cuộc chiến chống quân Tây Sơn. Sau khi đất nước thống nhất và vị thế của vương triều đã ổn định, Gia Long không còn phái sứ xuống phương Nam nữa, nhưng các giao dịch phi pháp vẫn tiếp diễn. Đặc biệt, các thương nhân Việt Nam từ miền Nam xuất khẩu trái phép gạo từ đồng bằng sông Cửu Long ra các đảo và nhập lậu thuốc phiện. Những người buôn lậu trót lọt chắc chắn đã gặt hái được nhiều lợi nhuận, thậm chí một số viên quan nhúng tay vào việc buôn bán bất chính sau những chuyến đi sứ đến phương nam vẫn tiếp tục làm vậy dưới thời Minh Mạng.[5] Những sứ đoàn sau này có đặc điểm khác với sứ đoàn dưới thời vua Gia Long. Dưới thời Minh Mạng và sau đó là Thiệu Trị, mục đích của các sứ đoàn không còn là để mua vũ khí, mà là để lấy thông tin. Đặc biệt, triều đình quan tâm đến việc tìm hiểu mọi thông tin liên quan đến hoạt động của các quốc gia phương Tây trong khu vực. Với sự thay đổi này, các sứ thần được phái xuống phương Nam dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị ngày càng xuất thân từ bộ máy quan lại, thay vì binh lính như vua Gia Long từng cử đi mua vũ khí.[6]
Nhờ một nghiên cứu gần đây của cố sử gia Trần Kinh Hòa (Chen Jinghe), giờ đây chúng ta có thể thấy rằng triều Nguyễn rất nỗ lực tìm hiểu những gì đang xảy ra ở thế giới bên ngoài. Giáo sư Trần đã nghiên cứu kỹ lưỡng Đại Nam thực lục chánh biên, các ghi chép về công việc kinh doanh hàng ngày của triều đình Việt Nam, và dựa trên các trích dẫn trong đó để tổng hợp thành một bảng niên đại những phái đoàn sứ bộ chính thức đến các đảo phương Nam trong giai đoạn 1788-1846. Ông đã xác định được 49 phái đoàn như vậy, phần lớn (40 phái đoàn) diễn ra từ năm 1823 đến năm 1846.[7] Do đó, có thể coi giai đoạn 23 năm này là một thời kỳ thu thập thông tin cao độ, và hai vị du khách sắp được thảo luận tiếp theo đây đã thực hiện hành trình đến Batavia chính trong khoảng thời gian đó.
Phan Huy Chú (1782-1840) và Cao Bá Quát (1809-1854)
Phan Huy Chú sinh năm 1782 ở thôn Thụy Khuê, tỉnh Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 26 km về phía Tây Nam. Ông là sản phẩm của sự liên kết giữa hai dòng họ học giả – quan lại là nhà Phan và nhà Ngô. Tuy nhiên, các thành viên hai gia đình có ảnh hưởng này vẫn không đủ quyền lực để ngăn việc cha ông (Phan Huy Ích) từng phục vụ cho quân Tây Sơn làm cản trở tiền đồ của Phan Huy Chú trong những năm đầu triều Nguyễn. Vì vậy, cho đến khi được vua Minh Mạng bổ nhiệm làm quan vào năm 1820, Phan Huy Chú đã dành những năm tháng trước đó để học tập và nghiên cứu, mà đỉnh cao là việc ông hoàn thành cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” vào năm 1821. Xuyên suốt 13 năm sau đó, cũng như nhiều quan lại khác trong thời kỳ này, sự nghiệp của Phan Huy Chú lên bổng xuống trầm, và xuống dốc nhất là sau chuyến đi sứ đến Trung Quốc năm 1832 – khi vua Minh Mạng giáng chức Phan Huy Chú và ba sứ thần khác vì không ghi chép lại được chi tiết về tình hình ở Trung Quốc. Vì vậy, chuyến đi đến Batavia của Phan Huy Chú vào cuối năm đó là cơ hội để ông chuộc lỗi, và bản báo cáo tóm tắt chuyến đi biển (Hải trình chí lược) của ông đã làm được điều đó. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục phục vụ triều đình, Phan Huy Chú quyết định về quê ở ẩn, nơi ông qua đời 7 năm sau đó, vào năm 1840.[8]
Trong khi Phan Huy Chú là một học giả cảm thấy khó thích nghi với những yêu cầu của cuộc sống quan lại, thì ngược lại, Cao Bá Quát là một nhân vật lỗi lạc mà chỉ riêng sự hiện diện của ông trong bộ máy quan lại thôi đã là một mối đe dọa đối với sự tồn tại của bộ máy này. Sinh ra trong một gia đình khoa bảng danh giá ở tỉnh Bắc Ninh, ông là một đứa trẻ sớm bộc lộ tài năng. Chắc chắn, chính trí thông minh vượt trội ấy đã khiến ông mất kiên nhẫn với những thủ tục trì trệ trong hệ thống thi cử. Kết quả là ông liên tiếp thi trượt các kỳ thi Hội ở Huế. Sự hóm hỉnh nhưng xấc xược của Cao Bá Quát luôn khiến các bài thi của ông vừa dễ nhận biết, vừa không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nhờ nổi danh là một ngôi sao văn chương, cuối cùng ông cũng vượt qua các kỳ thi và bước vào bộ máy quan lại khi triều đình bổ nhiệm ông vào Bộ Lễ.[9] Tuy nhiên, ông sớm dính vào một vụ bê bối xảy ra trong kỳ thi năm 1841 và bị bỏ tù. Như vậy, cũng như Phan Huy Chú, cuộc hành trình đến Batavia năm 1844 của Cao Bá Quát là cơ hội để ông báo đáp ân điển của nhà vua, và về khía cạnh đó thì ông cũng đã thành công. Tuy nhiên, sau khi quay trở về, Cao Bá Quát không về hưu như Phan Huy Chú mà tiếp tục có những hành động gây “chướng tai gai mắt”, cho đến khi ông bị xử tử vào năm 1854 vì ủng hộ một cuộc nổi dậy chống lại triều đình.[10]
Từ hai bản phác thảo ngắn gọn này, có thể thấy rõ ràng rằng hai nhân vật này có tính cách rất khác nhau. Phan Huy Chú là một nho sĩ muốn khôi phục thanh danh trước khi lui về nghiên cứu, còn Cao Bá Quát lại là một học giả tiêu biểu, luôn kiên định với niềm tin của mình cho đến tận những phút cuối cùng. Những điểm khác biệt này được phản ánh trong các bài viết của họ. Trên thực tế, không chỉ nội dung khác nhau mà cả thể loại văn học họ chọn để ghi lại các quan sát của mình cũng có sự khác biệt. Các tập du ký truyền thống của Trung Quốc mà người Việt thừa hưởng tạo thành một phong cách viết đặc biệt trong văn học Trung Quốc ở chỗ nó kết hợp cả thơ và truyện.[11] Do đó, trong các tác phẩm của mình, những nhà văn du ký người Hoa và người Việt vừa là nhà sử học, vừa là nhà thơ. Họ ghi chép lại một cách “khách quan” về những chuyến đi, sau đó bình luận một cách chủ quan về trải nghiệm của họ bằng thơ. Tuy nhiên, hai du ký được xem xét trong bài viết này lại không mang phong cách kết hợp như thông thường. Phan Huy Chú lựa chọn viết một truyện kể “khách quan” về tình hình hiện tại trên các đảo phía Nam, còn Cao Bá Quát thì sáng tác 36 bài thơ để ghi lại sự hiểu biết và cảm xúc của ông về cùng một chủ đề.[12]
Ảnh hưởng của thế giới quan Trung Hoa
Woodside đã bàn luận về việc triều Nguyễn áp dụng khuôn mẫu trật tự thế giới của Trung Quốc và cố gắng bắt chước Trung Quốc tạo ra một hệ thống triều cống lấy chính nó làm trung tâm như thế nào. Theo ông, một dấu hiệu của hiện tượng này là cách người Việt sử dụng những thuật ngữ địa lý của Trung Quốc mang tính xúc phạm để chỉ các khu vực lân cận, từ đó củng cố hình ảnh Huế là trung tâm văn minh.[13] Một ví dụ tiêu biểu là “Hạ châu” – thuật ngữ được người Việt dùng để chỉ các vùng Đông Nam Á hải đảo vào nhiều thời điểm khác nhau.[14] “Hạ” vừa có nghĩa là “bên dưới”, vừa nghĩa là “thấp kém hơn”. Từ này rõ ràng đã đặt các đảo – hay các “châu” – phía Nam vào trong một mối quan hệ địa lý và đạo đức thích hợp với triều đình Huế ở phía Bắc.[15]
Trong khi Woodside nhấn mạnh sự hời hợt và thiếu nhất quán trong nỗ lực áp dụng trật tự thế giới Trung Hoa của Việt Nam, các du ký của Phan Huy Chú và Cao Bá Quát chỉ ra rằng thế giới quan này đã ăn sâu vào trong trí tưởng tượng của người Việt hơn Woodside nghĩ rất nhiều. Trên thực tế, các ghi chép của họ cho thấy rằng những điểm tương đồng giữa cách người Việt nhìn nhận Đông Nam Á hải đảo và cách người Hoa thường nhìn nhận “phương Nam” của họ (tức toàn bộ khu vực phía Nam sông Dương Tử, bao gồm cả Việt Nam) vượt xa việc sử dụng thuật ngữ địa lý đơn thuần. Ví dụ, người Hoa đã luôn cho rằng có một mối liên hệ trực tiếp giữa sự thiếu cân bằng ở môi trường phương Nam và nhân cách thấp kém của người dân phương Nam. Vì thế, khi nhà sư người Hoa Đại Sán (Dashan) du hành đến miền Nam Việt Nam vào năm 1694, ông đã ghi lại việc nhiều cây sen ở đây ra hoa nhưng rễ lại nông, sau đó bình luận rằng điều này cũng giống với dân tộc Việt – “những người thiếu đức hạnh, chỉ tìm cách trang trí vẻ bề ngoài.”[16]
Trong Hải trình chí lược, Phan Huy Chú đưa ra những quan sát tương tự về môi trường quần đảo Indonesia, với điểm khác biệt quan trọng là đối tượng so sánh của ông chỉ là người Đông Nam Á. Ví dụ, ông nhận xét về nông sản ở Singapore như sau: “Ở Tân Gia Ba (Singapore) ít gạo nên họ chủ yếu ăn lúa mỳ. Về sản phẩm tươi sống, có rất nhiều loại rau khác nhau ngoài chợ. Gà vịt đều đắt, nhưng thịt lợn thì rẻ. Không có nhiều trầu nhưng lại có rất nhiều cau. Sự thiếu hụt này có lẽ là do môi trường.”[17]
Không một du khách Trung Quốc nào đến phương Nam lại lấy trầu cau ra làm tiêu chuẩn kiểm tra độ cân bằng môi trường. Đối với người Hoa, những mặt hàng này chỉ có phía Nam, và bản thân sự tồn tại của chúng cũng đã cho thấy một thế giới mất cân bằng. Rốt cuộc thì cây cau cũng chỉ là nhà cho giống chim zhen ăn thịt rắn ghê tởm, và hoàn toàn không có chỗ đứng trong một thế giới cân bằng âm dương.[18] Tuy nhiên, vì đến từ vùng Đông Nam Á lục địa – nơi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, Phan Huy Chú biết rõ rằng phong tục này cần sự tương tác giữa ba nguyên liệu cốt yếu là trầu, cau và vôi, nên ông đã nhanh chóng để ý xem liệu có thiếu nguyên liệu nào hay không.[19]
Để cho công bằng, sau đó Phan Huy Chú đã ghi lại rằng trầu cau ở Batavia là “thượng phẩm”, và rằng các khu chợ nơi đây nói chung chứa đầy những loại hàng hóa giống như ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù cho có tất cả những sản phẩm tươi sống ấy, Batavia vẫn thiếu thốn ở một số khía cạnh. Phan Huy Chú viết rằng “vì không có nước mắm nên đồ ăn không ngon.”[20] Bình luận này đặc biệt thú vị khi chúng ta đối chiếu nó với nhận xét mà một người Hoa viết hai năm sau ở Việt Nam. Thái Đình Lan (Cai Tinglan), khi lưu ý những điều còn thiếu trong ẩm thực của người Việt, đã đề cập rằng: “Họ cũng không có nước tương. Thay vào đó, họ dùng ‘nước mắm’ có mùi thật sự hôi thối.”[21] Như vậy, ở đây, một lần nữa chúng ta thấy cách Phan Huy Chú miêu tả những vùng đất mới này rất giống với cách mà người Hoa mô tả chính quê hương ông (về những điểm thiếu sót). Điểm khác biệt lớn nhất là tiêu chí của ông mang đặc trưng của Đông Nam Á.
Một điểm thiếu sót khác của quần đảo được cho là khí hậu của nó. Tương tự như người Hoa phàn nàn về nắng nóng ở Việt Nam, thì Phan Huy Chú cũng nhận xét về nhiệt độ oi bức của quần đảo và việc du khách dễ bị ốm nặng. Theo ông, cách chữa duy nhất là tắm sông tối ngày như cách người dân địa phương đã làm để “thải độc”. Tập tục này rõ ràng đã được đón nhận rộng rãi, vì như Phan Huy Chú ghi lại: “Ai đến đảo cũng không dám làm trái phong tục này, và tất cả đều tuân theo nó.”[22]
Tuy nhiên, tắm ở sông hoặc kênh đồng nghĩa với việc ngâm mình trong những vùng nước đầy cá sấu. Với Phan Huy Chú, sự hiện diện của cá sấu chẳng có gì là gây sốc; vì không giống như những du khách Trung Quốc thấy những sinh vật phương Nam thật đáng sợ và kinh tởm, người Việt đã quá quen thuộc với chúng. Nhưng điều khiến Phan Huy Chú ngạc nhiên là sự ngoan ngoãn của loài cá sấu ở Batavia. Chúng nằm dài trên sông và không buồn chớp mắt khi những người tắm sông hay tàu thuyền đi ngang qua. Ông giải thích rằng theo truyền thống địa phương, những con vật này được thuần hóa do người dân đã đặt bùa hộ mệnh vào trong lòng sông. Tuy nhiên, Phan Huy Chú bác bỏ lời giải thích này bằng câu hỏi tu từ: “Làm thế nào mà phép thuật của những kẻ man di mọi rợ lại có thể thuần hóa được những con vật này?” Thay vào đó, ông kết luận rằng các vị thần biển trong khu vực hẳn phải cực kỳ quyền năng, vì hành vi của cá sấu nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.[23] Dù trong trường hợp nào thì đó cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy quần đảo này là một vùng đất mất cân bằng.
Một khía cạnh khác mà thể hiện sự mất cân bằng môi trường theo thế giới quan kiểu Trung Hoa là lĩnh vực quan hệ giới và tình dục. Stevan Harrell gần đây đã gọi hiện tượng này trong các tác phẩm Trung Quốc là “phép ẩn dụ tình dục”, và lập luận rằng đây là một phần của chiến lược chung mà trong đó, một số nền văn minh “cho rằng các dân tộc ngoại vi vừa dâm đãng, vừa buông tuồng trong hành vi do trình độ văn hóa thấp, chưa được học các quy tắc đạo đức văn minh về việc kiềm chế ham muốn tình dục.”[24] Một lần nữa, đối với người Hoa, điều này đi đôi với sự mất cân bằng môi trường. Vì vậy, theo truyền thống, phương Nam – vùng đất được ban tặng quá nhiều tính âm, tương phản với tính dương của phương Bắc – nổi tiếng với những người phụ nữ quyến rũ. Họ thường được miêu tả bằng các từ ngữ mang tính chất lạ kỳ/khêu gợi để thể hiện sự “lăng nhăng bừa bãi” của họ. Đây chính là loại hình ảnh mà Cao Bá Quát đã sử dụng để miêu tả những người phụ nữ từ quần đảo Indonesia trong bài thơ ngắn “Man phụ hành”:
Trường sạn thôn đầu man tiểu cô, Lũ trư như diện tất như phu. Bản kiều du biến mộ quy khứ, Tiếu hoán tân nhân tán cố phu.[25] | Trên lối đi bắc cây gỗ ở đầu thôn có cô mọi nhỏ, Mặt như mặt lợn, da đen như sơn. Dạo chơi khắp cầu ván, đến chiều quay về, Cười gọi bạn mới, giới thiệu với chồng cũ. |
Thái độ coi thường của Cao Bá Quát đối với phụ nữ bản địa càng trở nên rõ ràng hơn khi ta so sánh bài thơ này với một bài thơ khác mà ông viết mang tên “Dương phụ hành”. Trong bài thơ này, Cao Bá Quát thể hiện sự mê đắm của của ông trước vẻ đẹp lạ của một phụ nữ phương Tây và nỗi khát khao được ở bên người đó:
Tây Dương thiếu phụ y như tuyết, Độc bằng lang kiên toạ thanh nguyệt. Khước vọng Nam thuyền đăng hoả minh, Bả duệ nam nam hướng lang thuyết. Nhất uyển đề hồ thủ lãn trì, Dạ hàn vô ná hải phong xuy. Phiên thân cánh thiến lang phù khởi, Khởi thức Nam nhân hữu biệt ly?[26] | Người thiếu phụ phương Tây áo như tuyết, Tựa vai chồng dưới bóng trăng thanh. Nhìn thuyền người Nam thấy đèn lửa sáng, Kéo áo chồng thì thầm nói. Tay cầm uể oải một chén sữa, Đêm lạnh là đây gió biển thổi. Nghiêng mình đòi chồng đỡ dậy, Biết chăng có người Nam đang chịu cảnh biệt ly? |
Phan Huy Chú không có cùng quan điểm như trên. Thay vào đó, những dòng ông viết 11 năm trước bản ghi chép của Cao Bá Quát cho thấy ông đồng cảm với người Java hơn người Châu Âu. Điều này được thể hiện rõ ràng trong đoạn văn sau đây, trong đó ông bàn luận về sự khác biệt về ngoại hình và hành vi giữa “người Hồng Mao” và người Java:[27]
“Người Hồng Mao có mái tóc màu đỏ, râu rồng, mũi to và mắt trũng – những đặc điểm ngoại hình trông khá đáng ghét. Còn người Java tuy da dẻ và mặt mũi đen nhẻm, nhưng nhìn bề ngoài không khác gì người dân quê ta. Nhìn chung, phần lớn người Hồng Mao hung dữ và xảo quyệt, còn người Java thì chất phác và hiền lành. Do đó, “năm phương có đặc điểm khác nhau” là do bản chất tự nhiên (khí) khác nhau theo từng khu vực.”[28]
Những ví dụ trên cho thấy mức độ người Việt hấp thụ các khuôn mẫu hiểu biết của Trung Quốc về những vùng đất và dân tộc ngoại bang. Đồng thời, tôi cũng đã chỉ ra một số cách thức mà người Việt sử dụng để chỉnh sửa hoặc “Đông Nam Á hóa” thế giới quan đó, cũng như cách Cao Bá Quát và Phan Huy Chú thể hiện sự thiên vị của riêng mình, vì đây đều là những yếu tố chúng ta phải lưu ý khi xem xét kỹ lưỡng hơn các ghi chép của hai nhân vật này trong phần tiếp theo.
Nhận thức về Batavia
Phan Huy Chú và Cao Bá Quát đã đưa ra một số nhận xét đáng giá về người Java bản địa. Phần lớn ghi chép của họ là về người Châu Âu và người Hoa. Lý do cho sự thiên vị này khá đơn giản. Nhiệm vụ của của cả hai là tìm hiểu các hoạt động của người Châu Âu trong khu vực, và nguồn cung cấp thông tin chính là các cư dân người Hoa. Tuy nhiên, nhận xét của Phan Huy Chú và Cao Bá Quát về người Châu Âu và người Hoa không giống nhau. Điều này có thể được giải thích một phần bởi thực tế rằng họ sử dụng các thể loại văn học khác nhau và vì thế nên nhấn mạnh vào những yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, nhiều khả năng là thông qua các cuộc trò chuyện với dân Trung Quốc ở địa phương, họ đã nắm được những động thái đang thay đổi trong khu vực, và đặc biệt là các chuyển biến trong mối quan hệ giữa người Châu Âu, người Hoa và người Java.
Suy cho cùng, giai đoạn Phan Huy Chú và Cao Bá Quát đến thăm Batavia là thời kỳ chuyển tiếp trên nhiều bình diện khác nhau. Ví dụ, các học giả nhận thấy giai đoạn này hình thành những ranh giới rõ ràng hơn giữa các nhóm tộc người – sự khởi đầu của một “xã hội đa nguyên” về sau. Khi truy tìm những dấu vết của quá trình này vì nó liên quan đến người Hà Lan ở Batavia, Jean Gelman Talor đã giải thích rằng từ thế kỷ XVIII, giới tinh hoa Châu Âu đã bắt đầu một cuộc tấn công dai dẳng vào nền văn hóa Mỹ Latinh (Mestizo) địa phương; đầu tiên là vì các quan điểm chịu ảnh hưởng từ thời kỳ Khai sáng của Toàn quyền van Imhoff, sau đó được các Toàn quyền Daendels và Raffles kế thừa trong giai đoạn Hà Lan mất quyền cai trị vào đầu thế kỷ XIX, và cuối cùng được tiếp tục thực hiện với sự hồi sinh của trật tự cũ sau khi Hà Lan khôi phục quyền cai trị vào năm 1819. Theo thời gian, cuộc thập tự chinh này đã thành công trong việc ưu đãi văn hóa Châu Âu thuần túy hơn là văn hóa Mỹ Latinh mà từng phổ biến dưới thời Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC).[29]
Cùng lúc với việc giới tinh hoa Hà Lan tìm cách duy trì sự tách biệt của họ khỏi thế giới lai Âu-Á này, một số sự kiện bi thảm đã tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa giới tinh hoa Hà Lan và Java. Đặc biệt, Chiến tranh Java năm 1825-1830 đã đánh dấu bước ngoặt giữa kỷ nguyên thương mại của VOC, khi quan hệ của Hà Lan với các vương quốc miền trung Java tương tự như các mối quan hệ ngoại giao bình đẳng, và thời kỳ thuộc địa với chính sách Hệ thống Canh tác[30] (khoảng năm 1830-1870), khi các vương quốc này lệ thuộc nặng nề vào người Hà Lan.[31] Trên quy mô rộng lớn hơn, cũng chính trong cuộc Chiến tranh Java này mà nhiều thành phần xã hội khác nhau đã cảm nhận mạnh mẽ hơn về bản sắc Java của riêng họ, từ đó đoàn kết dưới sự lãnh đạo lôi cuốn, chống Châu Âu và bảo thủ của một “vị vua công bình” (ratu adil) – Dipanagara.[32]
Chiến tranh Java và các sự kiện trước đó cũng đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Java-Trung Quốc, vì phần lớn cảm xúc cay đắng và ngờ vực trước Trung Quốc trong suốt những năm tháng thuộc địa cũng bắt đầu tại thời điểm này. Đối với người Hoa, trải nghiệm của họ trong thời kỳ này khiến họ nhận ra vị thế mong manh của mình trong xã hội Java. Nhận thức này khiến họ chuyển từ đồng hóa vào thế giới của người Java sang bảo tồn bản sắc Trung Quốc, cùng với đó là những đặc quyền pháp lý nhất định mà người Châu Âu trao cho họ.[33]
Với bối cảnh như vậy, điều thú vị là Phan Huy Chú không hề chỉ ra bất kỳ sự phân biệt rõ ràng nào giữa các nhóm người đa dạng trên quần đảo. Ông có ghi lại rằng người Hoa và người Hà Lan sống tách biệt và tự quản – một cách thu xếp tương tự với thông lệ chung ở Việt Nam vào thời điểm đó. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý về việc người Hà Lan không phân biệt giữa quan chức và thường dân trong nhiều tình huống xã hội như thế nào. Đối với Phan Huy Chú, điều này là một sai lầm lớn, khiến ông kết luận rằng: “Họ [người Hà Lan] không biết những lời dạy của Chu [các vị vua nhà Chu ở Trung Quốc thời cổ đại] và Khổng [Khổng Tử], và do đó, mặc dù họ có thể giỏi nhiều thứ khác nhau nhưng vẫn chỉ là những kẻ man rợ.”[34]
Đối với người Hoa và người Java, Phan Huy Chú cho rằng thời gian luôn dẫn đến sự pha trộn giữa hai nhóm này, vì khi bàn về dân Trung Quốc [ở Java], ông viết: “Có những người sau 2-3 thế hệ có thể nói tiếng địa phương, và mặc dù họ vẫn mặc trang phục miền Bắc nhưng phong tục của họ hoàn toàn giống với người Java.”[35] Hơn nữa, sự trà trộn này đã dẫn đến nhiều hậu quả tai hại. Phan Huy Chú thấy rõ điều đó khi ông đến thăm nơi mà ông nói là nơi thờ Khổng Tử duy nhất ở Batavia, và đưa ra những nhận xét như sau:
“Nơi duy nhất thờ Chu Tử[36] là Minh Thành Viện; nhưng nơi này vắng vẻ và hoang tàn, cửa và tường bị rêu phong phủ kín. Tôi đi cùng một học giả người Mân [tức người Phúc Kiến] là Trương Nhuận Bá. Chúng tôi băng qua đám cỏ dại, mở cổng và đi vào trong sảnh để xem. Tôi thấy tất cả các bài vị và đồ thờ đều lạnh lẽo và bị bỏ mặc. Cảnh tượng đó khiến tôi vô cùng đau xót. Tôi hỏi Nhuận Bá nguyên nhân là gì. Ông trả lời rằng: ‘Việc quản lý học viện trước giờ luôn thuộc sự kiểm soát của Giáp Tất Đan [kapitan][37]. Giáp Tất Đan hiện tại là con của một phụ nữ người Ba[38]. Ông ta không có hiểu biết gì về việc học hành nghiên cứu nên đã khiến học viện này suy tàn. Những người Mân khác không biết phải làm sao trước tình trạng này.’ Trời ơi! Đạo lý của các vị hoàng đế trước đây đã lan rộng khắp nơi để không có một người Hoa hay một kẻ man di mọi rợ nào là không tôn trọng nó. Mân là nơi sinh ra Chu Tử, vậy mà những con buôn xuống phương Nam chỉ nghĩ đến lợi lộc mà quên mất sự ngay thẳng đức độ. Điều này thật đáng tiếc.”[39]
Khi Cao Bá Quát đến thăm Batavia 12 năm sau đó, ngược lại với Phan Huy Chú, ông thấy được những ranh giới rõ ràng phân biệt không chỉ các tộc người chính trên quần đảo mà còn cả thứ bậc của các mối quan hệ giữa họ. Điều này được thể hiện rõ nhất trong bài thơ đầu tiên thuộc “Hạ châu tạp thi” của ông:
Lâu các trùng trùng giáp thủy tân, Tùng âm lương xứ dị hoa xuân. Thiết ly vô tỏa quy xa nhập, Cá cá ô nhân ngự bạch nhân.[40] | Lầu gác trập trùng sát với bến nước, Dưới bóng mát cây tùng, hoa lạ tươi tốt. Cổng sắt không đóng, xe về cứ việc vào, Rặt những người da đen đánh xe cho người da trắng. |
Mặc dù đoạn thơ trên được lấy cảm hứng từ những gì Cao Bá Quát chứng kiến ở Singapore, ông cũng ghi lại những hình ảnh tương tự ở Batavia. Ví dụ, trong một bài thơ, Cao Bá Quát kể lại việc ông đã “thảo luận những vấn đề cao siêu” tại nhà của kapitan người Hoa là Tô Tiên Ti (Su Tianbi hay Souw Tian Pie), nơi có “thư viện chẳng khác gì một cung điện tuyệt trần”.[41] Sau đó, ông đối chiếu điều này với những gì ông tưởng tượng đang diễn ra trong các khu dân cư người Hà Lan gần đó – nơi chẳng có chút văn hóa nào, nơi “người ta nhìn chằm chằm vào những ngôi nhà nhiều tầng trắng toát”. Do đó, trong thơ Cao Bá Quát, chúng ta có cảm giác rằng người Châu Âu rõ ràng sống tách biệt với tất cả những ai không đến từ Châu Âu, có thể thông qua việc bóc lột người Mã Lai/Java bản địa hoặc do sự bất đồng về văn hóa (ít nhất là theo quan điểm kiểu Hán-Việt của Cao Bá Quát).
Bên cạnh việc miêu tả sự tồn tại của những ranh giới chặt chẽ hơn giữa người Châu Âu và các dân tộc khác trong khu vực chặt chẽ so với ghi chép của Phan Huy Chú, Cao Bá Quát còn miêu tả người Hoa ở Batavia qua con mắt của cộng đồng sứ thần Việt Nam nơi đây một cách tích cực hơn Phan Huy Chú. Trên thực tế, Cao Bá Quát đã ghé thăm chính học viện Khổng Tử mà Phan Huy Chú từng đau xót than thở, nhưng lại có phản ứng hoàn toàn khác. Những nhận xét sau đây đến từ lời giới thiệu mà Cao Bá Quát viết cho ba bài thơ ông sáng tác cho học viện:
“Về Minh Thành Viện ở Ba[tavia], người Phúc Kiến coi đây là nơi bày tỏ lòng kính trọng đối với Chu Tử. Ở Trung Quốc gần đây, các giáo lý phi chính thống đang gầm ghè nhau như chó với mèo. Tuy nhiên, may thay, đạo của các bậc thánh hiền vẫn chưa bị suy tàn. Đó là nhờ những lời răn dạy của Chu Tử soi sáng khắp thiên hạ. Thành Ba[tavia] là một nơi xa xôi ngoài khơi, và phong tục nơi này khác hẳn với thuần phong mỹ tục của Trung Quốc. Thật tuyệt vời làm sao khi những người Phúc Kiến đã đến đây và phần nào trở nên man rợ lại vẫn biết tôn kính tiền nhân, và do đó, vẫn duy trì những nghi thức tốt đẹp của Trung Quốc. Chẳng phải đây chính là bằng chứng cho thấy đạo lý của các bậc thánh hiền đã ăn sâu vào tiềm thức họ đến chừng nào hay sao?”[42]
Sự đối lập giữa ấn tượng của Phan Huy Chú và Cao Bá Quát về học viện này đáng để suy ngẫm. Nếu hiểu đoạn miêu tả của Phan Huy Chú theo nghĩa đen, thì rõ ràng là học viện đã được cải tạo vào khoảng giữa năm 1833 và năm 1844. Liệu điều này có phải vì vị kapitan mới lên cầm quyền quan tâm đến việc duy trì học viện nhiều hơn người con trai của một phụ nữ Java hay không? Hay việc cải tạo là một minh chứng cho tuyên bố của Carey rằng người Hoa vào thời điểm này bắt đầu chuyển từ hấp thụ sang duy trì bản sắc của họ một cách có ý thức hơn? Nếu không có thông tin chuyên sâu hơn về cộng đồng người Hoa trong giai đoạn này thì ta vẫn không thể khẳng định chắc chắn, nhưng rõ ràng là có nhiều thay đổi đang diễn ra.
Phan Huy Chú và Cao Bá Quát không chỉ khác nhau trong việc mô tả mức độ tách biệt giữa người Châu Âu và các dân tộc ngoài Châu Âu, mà đánh giá của họ về mối đe dọa tiềm tàng của người Châu Âu cũng khác nhau. Phan Huy Chú nói chung có những suy nghĩ mâu thuẫn về phương Tây. Ông thường bối rối trước kỹ năng của họ trong một số lĩnh vực và sự man di mọi rợ của họ trong những lĩnh vực khác. Chẳng hạn, kỹ thuật viết của người Hà Lan là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự man rợ của họ:
“Người Hà Lan đều viết chữ nghiêng và dính liền vào nhau, trông như giun dế. Khi cấp trên và cấp dưới báo cáo cho nhau, họ viết trên giấy, theo chiều ngang và không đóng dấu. Thế nên chữ viết của bọn man di mọi rợ rất cẩu thả.”[43]
Tuy nhiên, nghệ năng của họ còn vượt trội hơn cả Vương Duy (699-759) và Ngô Đạo Tử (thế kỷ VIII), hai trong số những họa sĩ vĩ đại nhất của Trung Quốc. Ngoài ra, Phan Huy Chú nói thêm: “Có vẻ người Hà Lan có được kỹ năng này một cách tự nhiên chứ không phải học từ Trung Quốc.”[44]
So sánh với Trung Quốc là thước đo chính để Phan Huy Chú đánh giá sức mạnh của phương Tây. Các thông tin không hoàn chỉnh mà ông thường nhận được từ những người đưa tin có thể dễ dàng khiến ông chuyển sang ủng hộ phương Tây, như khi Phan Huy Chú giải thích về phương pháp ghi năm của phương Tây:
“Chính quyền phương Tây không có niên hiệu và họ không đánh dấu năm quốc vương của họ lên ngôi. Mỗi khi ghi lại một sự kiện nào đó, họ chỉ viết ở cuối trang: ‘Hà Lan năm 1833, tháng này, ngày này.’ Đây là thông lệ chung của người Hồng Mao và người Hà Lan. Khi dịch tài liệu Hoa ngữ, họ cũng làm theo cách đó. Có lẽ họ tính từ năm người Hà Lan lập nước. Nếu chúng ta tính ngược lại 1800 năm trước thì đó là thời kỳ đầu nhà Hán ở Trung Quốc, và thời An Dương Vương ở nước ta. Tại thời điểm đó, Trung Quốc đã trải qua rất nhiều triều đại khác nhau.”[45]
Ngay cả với sức mạnh 2000 năm lịch sử không bị gián đoạn, Phan Huy Chú vẫn không cho rằng phương Tây là mối đe dọa đối với khu vực. Thật vậy, trong du ký của mình, ông dành nhiều thời gian bàn về người Hoa ở Batavia hơn là người Hà Lan. Rõ ràng, Phan Huy Chú xem người Hà Lan ở Batavia đơn giản là một thành phần của xã hội nơi đây, chứ không phải là bá chủ của xã hội đó. Chắc chắn, họ là một lực lượng quan trọng cần phải xét đến, nhưng họ không (chưa) phải là quyền lực duy nhất.
Ngược lại, trong hành trình của mình, Cao Bá Quát nhận ra rằng người Châu Âu là một mối đe dọa to lớn đối với khu vực. Nhận thức này được hình thành khi những ý kiến trước đây của ông trộn lẫn với những gì ông học được từ nhiều người Hoa khác nhau mà ông từng nói chuyện trong chuyến đi của mình, và với những gì ông được chứng kiến tận mắt. Một sự kiện làm thay đổi nhận thức của Cao Bá Quát về phương Tây vào thời điểm ông bắt đầu cuộc hành trình của mình là Chiến tranh nha phiến ở Trung Quốc. Cuộc xung đột Trung-Anh ngắn ngủi này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Sau khi chiến tranh kết thúc, vì buộc phải chi trả cho việc nhập khẩu thuốc phiện bằng đồng bạc, người Hoa đã tìm đến các nguồn bên ngoài để bù đắp cho dòng kim loại lớn bị thất thoát khỏi đất nước của họ. Một số người Việt coi đó là cơ hội để làm giàu cho bản thân và bắt đầu tích lũy bất chính và xuất khẩu bạc sang Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu nơi đây – một tình trạng dẫn đến lạm phát và khó khăn ở Việt Nam. Ngoài ra, chiến tranh đã làm đảo lộn hoạt động thương mại vốn phát triển rất thịnh vượng giữa Việt Nam và phía Nam Trung Quốc, bao gồm một số mặt hàng mà Việt Nam chỉ có được thông qua nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì vậy, vào thời điểm Cao Bá Quát khởi hành, người phương Tây bị nhiều người Việt coi là những kẻ phá vỡ mô hình thương mại và sinh kế thường lệ.[46]
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu cuộc hành trình, Cao Bá Quát dường như không cho rằng những thay đổi đang diễn ra trên thế giới là không thể đảo ngược. Chỉ sau khi gặp gỡ và thảo luận những vấn đề này với một số người Hoa trong khu vực và nhìn thấy các tàu hơi nước của phương Tây đi lại trên biển, ông mới hiểu được mức độ nghiêm trọng của những gì đang diễn ra. Trên thực tế, đọc thơ ông, chúng ta có thể thấy ông đã đi từ sự ngờ vực về điều gì đang xảy ra đến cảm giác hoàn toàn tuyệt vọng khi nhận ra rằng những thay đổi ấy rất có thể sẽ kéo dài vĩnh viễn như thế nào. Chẳng hạn, một ví dụ về sự ngờ vực ban đầu của ông là bốn dòng cuối bài thơ ông viết tặng cho thương nhân người Hoa Hoàng Liên Phương (Huang Lianfang) ở Riau:
Hải thủy đông lưu quá Bột Nê, Vạn trùng châu đảo bích thê thê. Thỉnh quân thí vấn châu tiền nguyệt, Hà sự niên niên cánh hướng tây?[47] | Nước biển chảy về phía đông, qua Borneo, Hàng vạn hòn đảo xanh rờn trùng điệp Xin hỏi ông: Mặt trăng phía trước Cớ sao hết năm này qua năm khác lại cứ hướng về phía Tây? |
Trong khi trong bài thơ này, Cao Bá Quát vẫn thắc mắc tại sao phương Tây ngày càng trở nên hùng mạnh hơn trong khu vực (tại sao mặt trăng ngày càng hướng về phía Tây), thì có vẻ như ông đã sớm nhận ra rằng không thể đảo ngược những thay đổi đang diễn ra. Trong một bài thơ khác mà sau này Cao Bá Quát viết tặng cho thương gia Hoàng Liên Phương, ông kết bài bằng lời ca thán:
Ngã thị Trung Nguyên cựu nhân vật, Tây phong hồi thủ lệ phân phân.[48] | Ta cũng như người Trung Nguyên xưa, Quay đầu lại trước gió Tây, lệ tuôn trào. |
Khi Cao Bá Quát tiếp tục cuộc hành trình đến Batavia, ông đã có cơ hội nhìn thấy rất nhiều tàu hơi nước phương Tây đi lại trên biển, và có vẻ như sự hiện diện của những con tàu này chỉ khiến ông càng trở nên u ám hơn. Trong bài “Hồng Mao hỏa thuyền ca”, ông ngạc nhiên về tốc độ mà những con tàu này có thể di chuyển, ra khơi mà “không buồm, không mái chèo, không người đẩy.” Ông cũng bắt đầu nhận thấy mối quan hệ bất bình đẳng giữa người phương Tây và người bản xứ. Có thể thấy điều này trong cùng bài thơ khi Cao Bá Quát ghi lại lối hành xử của một số người phương Tây sau khi thả neo:
Hoán nhi ủng tỵ đàm tiếu lai, Tuyết khố nga cân nhiễu tường lập.[49] | Gọi trẻ đến xem cười nghếch mũi, Quần trắng mũ cao quanh cột buồm. |
Sức mạnh của những con tàu “nhả khói đen cao trăm thước” rồi vươn mình trên không “như rồng lượn”, cũng như thái độ ngang tàng của người phương Tây và sự chất phác của dân địa phương, đều tạo cho Cao Bá Quát cảm giác nguy hiểm chực chờ. Từ đó, ông đưa ra lời cảnh báo trong những dòng cuối bài thơ:
Khai châm đông khứ thận tự giới, Bất tỷ Tây minh triêu mộ triều.[50] | Xoay hướng về đông nên cẩn trọng, Nước triều khác hẳn nước biển Tây. |
Tuy nhiên, những người Hoa mà Cao Bá Quát gặp ở Batavia lại không cảm thấy nguy cấp như ông. Trên thực tế, trong tất cả các bài thơ ông sáng tác suốt hành trình này, cái mà Cao Bá Quát chỉ trích nặng nề nhất là thái độ của người Hoa ở Batavia trước những thay đổi đang diễn ra trên thế giới. Ông làm điều này bằng cách miêu tả một buổi biểu diễn kinh kịch Trung Quốc tại Batavia và đối lập lòng dũng cảm của các nhân vật chính trong vở kịch với sự vô cảm của khán giả Trung Quốc trước thảm kịch vừa xảy ra ở quê hương họ (tức Chiến tranh nha phiến). Bài thơ có tựa đề “Dạ quan Thanh nhân hí trường diễn hí”:
Liệt cự thôi minh tối thượng đàn, Nhất thanh hám khởi dạ phong hàn. Kích tu tráng sĩ phương hoành giáp, Nộ mục tướng quân dĩ cứ an. Xuất thế khởi vô chân diện mục, Phùng trường lãng tiếu cổ y quan. Hổ Môn[51] cận sự quân tri phủ? Thán tức hà nhân ủng tị khan.[52] | Sân khấu đèn chăng rực rỡ, Một tiếng quát vang lên lạnh cả gió đêm. Tráng sĩ râu kích vừa xê ngang áo giáp, Tướng quân trừng mắt, nhảy lên yên ngựa. Há lẽ ngoài đời lại không có dáng vẻ chân chính như vậy? Áo mão xưa cũng thành trò cười. Việc gần đây ở Hổ Môn ông biết chưa? Buồn thay cho loại người nào nghếch mũi xem. |
Sau khi dành nhiều thời gian quan sát người Châu Âu trong khu vực và thấy rõ phản ứng của người Hoa địa phương, Cao Bá Quát đã rất kinh ngạc khi người Hoa không cảm thấy bị xúc phạm như ông. Tuy nhiên, họ có những vấn đề khác phải lo lắng. Giữa những thay đổi đang diễn ra ở Java – một xã hội vừa mới rúng động trước một cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân và hiện đang bước vào thời kỳ thống trị khắc nghiệt của thực dân, người Hoa địa phương đã cố gắng hết sức để bảo toàn cho mình. Họ biết rằng cần nhiều hơn sự can đảm của một nhân vật nổi tiếng trong kinh kịch Trung Quốc để chống lại người Hà Lan. Với phương tiện hạn chế, lựa chọn tốt hơn hết cho họ là tận dụng thời thế – lựa chọn mà một người như Cao Bá Quát không thể chấp nhận nổi.
Kết luận
Trong hành trình lâu năm nhằm tạo ra một cách phân kỳ lịch sử Đông Nam Á có ý nghĩa, Anthony Reid gần đây đã đề xuất tên gọi “Thế kỷ Trung Quốc” cho giai đoạn 1740-1840. Ông giải thích rằng chính trong khoảng thời gian này, chính phủ Trung Quốc đã khắc phục được tình trạng “ác cảm đối với những doanh nghiệp nước ngoài do dân di cư thành lập” và bắt đầu dung túng – nếu không phải là khuyết khích – việc buôn lậu và lưu trú ở nước ngoài.[53] Mặc dù Reid không giải thích lý do tại sao ông chọn năm 1840 làm dấu mốc kết thúc giai đoạn này, nhưng các tài liệu du ký của Phan Huy Chú và Cao Bá Quát đã xác nhận chắc chắn rằng nhiều thay đổi quan trọng đã diễn ra trong cộng đồng người Hoa ở Batavia vào khoảng thời gian đó.
Dù cả Phan Huy Chú và Cao Bá Quát đều bị ảnh hưởng bởi thế giới quan của Trung Quốc mà có xu hướng coi thường các dân tộc và xã hội khác, nhưng bằng cách so sánh hai tập du ký họ viết và xem xét cá tính từng người, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được một số sự phát triển nhất định. Học giả Phan Huy Chú có thể đã đánh giá thấp sức mạnh của người Châu Âu trong lời kể của mình, còn “nhà đả phá” Cao Bá Quát có thể đã phóng đại sức mạnh ấy trong những dòng thơ ông sáng tác. Tuy nhiên, nếu nhớ rằng phần lớn ấn tượng họ có về Batavia được sàng lọc qua trung gian là người Hoa địa phương, chúng ta cũng phải tự hỏi xem liệu những nhận xét khác nhau giữa Phan Huy Chú và Cao Bá Quát có phải là kết quả của sự thay đổi quan điểm của người Hoa trong khu vực hay không. Có lẽ đến năm 1844, những thay đổi trong quan hệ giữa người Hà Lan, người Hoa và người Java – do Chiến tranh Java khơi mào và bị Hệ thống Canh tác làm trầm trọng thêm – đã trở nên khá rõ ràng với họ. Người Hoa địa phương nhận ra rằng thế kỷ của họ đã đi đến hồi kết và hiện chỉ còn được duy trì hết sức có thể mà thôi. Tuy nhiên, với một người ngoài cuộc như Cao Bá Quát, đó là một tin sốc.
[1] Liam Kelly là một nghiên cứu sinh tại Khoa Sử, trường Đại học Hawaii, Manoa. Hiện ông đang tập trung nghiên cứu quan hệ Việt – Trung.
[2] John Smail, “On the Possibility of an Autonomous History of Southeast Asia,” Journal of Southeast Asian History, 2, no. 2 (1961): 72.
[3] O. W. Wolters, The Fall of Srivijaya in Malay History (Ithaca: Cornell University Press, 1970), ix.
[4] Alexander Barton Woodside, Vietnam and the Chinese Model: a Comparative Study of Vietnamese and Chinese Government in the First Half of the Nineteenth Century (Cambridge: Harvard University Press, 1971; reprint, Cambridge: Council on East Asian Studies, 1988), 264-65.
[5] Woodside ghi lại rằng vào những năm 1830, buôn lậu thuốc phiện trên tàu thuyền của chính phủ là một hành vi phạm tội phổ biến; và sau năm 1836, Ban Tài chính và Công chính, cũng như Tổng cục Kiểm duyệt, đều phải cử đại diện đến các tàu điều tra trước khi hành khách được phép xuống tàu. Woodside, 266-67.
[6] Chen Jinghe, Les Missions Officielles dans les Hạ châu ou ‘Contrées méridionales’ de la Première Période des Nguyễn, Bulletin de L’Ecole Française d’Extrême-Orient, 81 (1994): 102, 105, 113-15.
[7] Về điểm đến, có thể phân chia các phái đoàn như sau : 19 đến Hạ châu [nghĩa cụm từ này thay đổi theo thời gian : ban đầu nó có vẻ chỉ Melaka và Penang (1788-1801); đến năm 1823, đây là cách người Việt gọi Singapore; và cuối cùng, từ năm 1826-1840, nó chỉ cả Singapore, Melaka và Penang, tức các khu định cư Eo biển (Straits Settlements) – nhóm các lãnh thổ của Anh tại Đông Nam Á.], 13 đến Batavia, 6 đến Singapore, 2 đến Penang, 2 đến Semarang, 2 đến Luzon, 1 đến Johor, và 1 đến Goa và Melaka. Chen, 119.
[8] Phan Huy Lê, Claudine Salmon và Tạ Trọng Hiệp dịch, Un Êmissaire Viêtnamien à Batavia, Phan Huy Chú “Récit Sommaire d’un Voyage en Mer (1833) (Paris: Cahier d’Archipel, 1994), 7-19.
[9] Đồng thời, ông cũng được mời tham gia một hội thơ có thành viên là các vị hoàng thân. Phản ứng của ông trước lời mời này khiến ông sau đó càng gặp phải nhiều khó khăn, vì Cao Bá Quát không những từ chối lời mời mà còn tuyên bố trong một bài thơ rằng thơ của họ gợi ông nghĩ đến mùi hôi thối của tôm cá thối rữa trên những con tàu cập bến từ Nghệ An (nơi sản xuất nước mắm). Woodside, 225-26.
[10] Claudine Salmon và Tạ Trọng Hiệp, L’Émissaire Vietnamien Cao Bá Quát (1809-1854) et sa Prise de Conscience dans les ‘Contrées Méridionales,’ Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient, 81 (1994): 126-28.
[11] Richard E. Strassberg, Inscribed Landscapes, Travel Writing From Imperial China (Berkeley: University of California Press, 1994), 12.
[12] Du ký của Phan Huy Chú được viết nguyên bản bằng chữ Hán, đồng thời cũng được Phan Huy Lê, Clane Salmon và Tạ Trọng HIệp dịch sang tiếng Pháp và Quốc ngữ. Sau đây, tất cả các trích dẫn cho văn bản này đều đến từ bản gốc chữ Hán và được viết tắt là Htcl (Hải trình chí lược). Tương tự, các trích dẫn thơ Cao Bá Quát cũng đến từ bản gốc “Cao Chu Thân thi tập” của Cao Bá Quát (Sài Gòn: Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu, 1971) Tập II, và sẽ được viết tắt là CCTtt. Để hỗ trợ việc dịch thuật, bên cạnh các công trình nêu ra ở đây và trong chú thích 9, tôi cũng tham khảo thêm hai cuốn sách sau: Nguyễn Khắc Viện và Hữu Ngọc chủ biên, Anthologie de Littérature Vietnamienne, Tome II (Hanoi: Éditions en Langues Étrangères, 1971) và Phạm Thiều và Đào Phương Bình chủ biên, Thơ đi sứ (Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1993).
[13] Woodside, 234-46.
[14] Xem chú thích 6.
[15] “Châu” nghĩa đen là “châu lục”, nhưng nó cũng thường được người Trung Quốc sử dụng để chỉ các quần đảo.
[16] Dashan Hanweng, Haiwai Jishi [Record of Overseas Events] (Taibei: Guangwen shuju youxian gongsi, 1969), 64. Đại Sán Hán Ông (Dashan Hanweng) là một nhà sư Phật giáo Chân truyền, người được chúa Nguyễn Phúc Chu mời đến Việt Nam vào năm 1694 để truyền giáo.
[17] Htcl, 189.
[18] Edward H. Schafer, The Vermilion Bird, Tang Images of the South (Berkeley: University of California Press, 1967), 245.
[19] Anthony Reid, Southeast Asia in the Age of Commerce, 1450-1680, Volume One: The Lands Below the Winds (New Haven: Yale University Press, 1988), 42.
[20] Htcl, 203.
[21] Cai Tinglan, Hainan Zazhu [Hải Nam Tạp trứ] (Taibei: Taiwan yinhang yinshuasuo, 1959), 55. Thái Đình Lan (Cai Tinglan), giám đốc một học viện trên đảo Bành Hồ trên eo biển Đài Loan, bị một cơn bão cuốn đến miền Trung Việt Nam khi đang trên đường về đảo Bành Hồ từ cảng Hạ Môn. Sau khi đến Việt Nam, ông đi đường bộ về Trung Quốc và ghi chép lại mọi điểm thú vị ông bắt gặp trên đường.
[22] Htcl, 204.
[23] Htcl, 207-8.
[24] Stevan Harrell, Introduction to Cultural Encounters on China’s Ethnic Frontiers, ed. Stevan Harrell, (Seattle: University of Washington Press, 1995), 10.
[25] CCTtt, 446.
[26] CCTtt, 446.
[27] “Hồng mao” (tóc đỏ) thực ra là cách người Trung Quốc gọi người Anh. Tuy nhiên, trong du ký của mình, Phan Huy Chú liên tục nhầm lẫn cụm từ này với từ chỉ người Hà Lan. Trong đoạn văn này, ông lại một lần nữa sử dụng sai từ để chỉ người Hà Lan.
[28] Htcl, 187.
[29] Jean Gelman Taylor, The Social World of Batavia: European and Eurasian in Dutch Asia (Madison: The University of Wisconsin Press, 1983).
[30] Hệ thống Canh tác (Cultivation System): một chính sách của chính phủ Hà Lan vào giữa thế kỷ 19 đối với thuộc địa Đông Ấn thuộc Hà Lan (nay là Indonesia). Theo đó, chính phủ yêu cầu một phần sản xuất nông nghiệp phải được dành cho nông sản xuất khẩu. Chính sách này được các nhà sử học Indonesia gọi là Tanam Paksa (“Trồng trọt bắt buộc”).
[31] P. B. R. Carey, The Origins of the Java War (1825-30), The English Historical Review, 91, no.358 (Jan. 1976): 52.
[32] P. B. R. Carey, Waiting for the ‘Just King’: The Agrarian World of South-Central Java from Giyanti (1755) to the Java War (1825-30), Modern Asian Studies, 20, pt. 1 (Feb. 1986): 60-1.
[33] P. B. R. Carey, Changing Javanese Perceptions of the Chinese Communities in Central Java, 1755-1825, Indonesia, no. 37 (April 1984): 41.
[34] Htcl, 202.
[35] Htcl, 204.
[36] Chu Tử, tức Chu Hy (Zhu Xi): học giả thời Tống, sinh ra ở tỉnh Phúc Kiến, người đã tổng hợp nhiều luồng tư tưởng khác nhau thành cái mà ngày nay phương Tây gọi là “Tân Nho giáo” (Neo-Confucianism).
[37] Kapitan: vị trí cấp cao trong chính quyền dân sự của Indonesia, Malaysia, Singapore, Borneo và Philippines thuộc địa. Người giữ vị trí này có quyền lực và ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực như thẩm quyền pháp lý và chính trị đối với cộng đồng người Hoa địa phương.s
[38] “Ba” ở đây chỉ con lai giữa người Hoa và người Java (nay được gọi là baba hoặc peranakan). Do đó, kapitan của cộng đồng người Hoa tại thời điểm đó có cha là người Hoa còn mẹ lai giữa hai dòng máu Trung Quốc-Java.
[39] Htcl, 206-207.
[40] CCTtt, 444.
[41] CCTtt, 459.
[42] CCTtt, 456.
[43] Htcl, 202.
[44] Htcl, 200.
[45] Htcl, 188.
[46] Woodside, 276-281.
[47] CCTtt, 448.
[48] Trung Nguyên ở đây chỉ vùng đồng bằng trung tâm Trung Quốc – cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Ngọn gió Tây ẩn dụ cho phương Tây. Tựa đề bài thơ này là “Dữ Hoàng Liên Phương ngữ cập hải ngoại sự, triếp hữu sở cảm, tẩu bút dữ chi” (Cùng Hoàng Liên Phương nói chuyện hải ngoại, có điều cảm xúc, viết chạy đưa bạn). CCTtt, 448.
[49] CCTtt, 445.
[50] CCTtt, 445.
[51] Hổ Môn (Humen): khu vực gần Quảng Châu, ở đây chỉ các sự kiện diễn ra trong cuộc Chiến tranh Nha phiến nói chung.
[52] CCTtt, 459.
[53] Anthony Reid, Historiographical Reflections on the Period 1750-1870 in Southeast Asia and Korea, Itinerario, 18, no. 1 (1994): 83.