Một bộ sách của Viện Bảo tồn Di tích không thể thiếu trong tủ sách của các nhà bảo tồn, các nhà nghiên cứu kiến trúc, văn hóa, lịch sử và mỹ thuật truyền thống. Bộ sách bao gồm những bài khảo cứu công phu về từng di tích, địa điểm cũng như về kiến trúc và trang trí ở đình, chùa, đền, nhà thờ Công giáo, làng Việt dựa trên nguồn tư liệu hồ sơ di tích được Viện xây dựng từ những năm 1970 cho đến nay, cộng với nhiều nhận định và kiến giải mới từ những đợt điền dã bổ sung. Đây là những tư liệu khoa học mà Viện Bảo tồn Di tích (tiền thân là Xưởng Phục chế, Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) dày công xây dựng và lưu trữ trong hơn 40 năm qua, là những tư liệu quý giúp ích hữu hiệu cho công tác nghiên cứu, công tác chuyên môn, góp phần làm tăng thêm tình yêu và hiểu biết về di sản văn hóa của dân tộc. Việc xuất bản các ấn phẩm này là một nỗ lực lớn của Viện Bảo tồn Di tích xuất phát từ mong muốn được chia sẻ và trao đổi với các bạn đọc, các nhà nghiên cứu những tư liệu quý về di tích Việt Nam.
Những tài sản – di sản vật chất được cha ông ta xây dựng từ hàng trăm năm trước rất dễ bị hư hại, thất thoát không chỉ bởi tự nhiên (thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều của nước ta), bởi thời gian dài, mà có khi còn bởi những can thiệp vô tình hay hữu ý của con người. Bởi vậy, những bản vẽ và bức ảnh được thể hiện trong từng tập sách giúp chúng ta vừa nhìn nhận rõ hơn sự cần thiết và cấp thiết phải ghi chép, lưu trữ lại di sản văn hóa dân tộc, lại vừa không khỏi ngậm ngùi nuối tiếc và lo âu về tình trạng xuống cấp trầm trọng và nguy cơ mất đi vĩnh viễn của những di sản đó. Có khi những mảng trạm trổ, những kiến trúc, di vật tồn tại mấy trăm năm lại biến mất hoặc trở thành di tích “một tuổi” chính bởi các cuộc “đại trùng tu”, mà lẽ ra công việc đó phải đạt mục đích di dưỡng, bảo trì kéo dài tuổi thọ cho di tích. Và biết đâu, những hình vẽ và những bức ảnh tư liệu lại đóng vai trò lưu giữ kịp thời và cuối chót bóng hình của di tích đó.
Bộ sách giúp chúng ta hiểu hơn để yêu hơn vốn kiến trúc truyền thống của cha ông. Viện Bảo tồn Di tích kế thừa hàng nghìn, có thể hơn, các bản vẽ thủ công từ những thập niên trước, cộng thêm hàng vạn bản vẽ ghi những năm sau này. Đó quả thực không chỉ là một quỹ tư liệu hiếm hoi, mà là một dạng di sản đặc biệt. Nhiều bản vẽ ghi họa bằng tay từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, mà nay những bản vẽ này đã trở thành những “di sản” của một thế hệ. Đây là những thông tin cụ thể, trực quan đáng tin cậy về mặt khoa học, lần đầu tiên được công bố. Trong đó, có di tích quý, cổ đã bị biến mất hoàn toàn, hiện chỉ còn tồn tại trên những bản vẽ, tranh ảnh, bài viết lưu tại Viện Bảo tồn Di tích. Tinh hoa của kiến trúc truyền thống đã được chắt lọc, cô đọng và hiện hữu qua từng con chữ, nét vẽ và hình ảnh chân thực, đặc sắc.
Dưới đây là danh mục các cuốn sách trong bộ sách hiện đang được lưu tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng:
1. Kiến trúc Đình làng Việt tập 1: Sách dày 216 trang. Gồm 15 di tích: đình Thụy Phiêu, đình Tây Đằng, đình Lỗ Hạnh, đình Thổ Tang, đình Văn Xá, đình Hùng Lô, đình Hoàng Xá, đình Chu Quyến, đình Hữu Bằng, đình Hưng Lộc, đình Nội, đình Chu, đình So, đình Vĩnh Trụ, đình Vạn Xuân
2. Kiến trúc Đình làng Việt tập 2: Sách dày 223 trang. Gồm 12 di tích: đình Thổ Hà, đình Tường Phiêu, đình Cao Đài, đình An Hòa, đình Hạ Hiệp, đình Kiền Bái, đình Trùng Thượng, đình Thạch Lỗi, đình Bạch Trữ, đình Phù Lão, đình Yên Phụ, đình Phương Cáp
3. Kiến trúc Đình làng Việt tập 3: Sách dày 215 trang. Gồm 12 di tích: đình Xuân Dục, đình An Cố, đình Cam Đà, đình Đại Phùng, đình Cao Thượng, đình Thượng Cung, đình Yên Việt, đình Hàng Kênh, đình Hòa Loan, đình Đình Bảng, đình Mông Phụ, đình La Xuyên
4. Kiến trúc Chùa Việt Nam tập 1: Sách dày 224 trang. Gồm 10 di tích: chùa Bối Khê, chùa Thái Lạc, chùa Hương Trai, chùa Thầy, chùa Thổ Hà, chùa Sổ, chùa Keo Hành Thiện, chùa Giám, chùa Kim Liên, chùa Bổ Đà
5. Kiến trúc Chùa Việt Nam tập 2: Sách dày 219 trang. Gồm 10 di tích: chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Phúc Chỉ, chùa Cập Nhất, chùa Keo, chùa Đại Bi, chùa Giáp Nhất, chùa Bút Tháp, chùa Cổ Chất, chùa Yên Viên
6. Kiến trúc Đền Việt Nam tập 1: Sách dày 215 trang. Gồm 10 di tích: đền Phù Đổng, đền Và, đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, đền thờ Trần Khát Chân, đền Chu, đền thờ Trần Nguyên Hãn, đền Phong Vinh, đền Kiên Lao, đền Đào Xá
7. Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc: Sách dày 227 trang. Gồm các hình tượng: Rồng, Phượng, Hạc, Lân, Rùa, Tứ linh, Hổ phù, Hổ, Hươu
8. Kiến trúc Nhà thờ Công giáo Việt Nam tập 1: Sách dày 215 trang. Gồm 7 nhà thờ: nhà thờ Bùi Chu, nhà thờ Ninh Cường, nhà thờ Phú Nhai, nhà thờ Đông Cường, nhà thờ Xối Thượng, nhà thờ Phát Diệm, nhà thờ Bình Sa
9. Kiến trúc Làng cổ Việt Nam tập 1: Sách dày 236 trang. Gồm 6 làng: làng Thổ Hà, làng Cự Đà, làng Hành Thiện, làng Nôm, làng Phước Tích, làng An Truyền
Trần Văn Quyến (Thư viện Nguyễn Văn Hưởng)