Tựa gốc: A POW comes home at last. Tác giả: Robert G. Hummerstone | Tạp chí LIFE số ra ngày 27/10/1972
Thanh Trà dịch
Mark Gartley đã trở về trong vòng tay thương yêu của 2000 người dân miền quê Greenville, bang Maine. Bên hồ Moosehead, đây là nơi Gartley đã lớn lên, hẹn hò, đá bóng, và trở thành niềm tự hào của cả thị trấn khi giành được học bổng đi học tại trường Georgia Tech – và đã được để tang khi máy bay của anh bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội vào năm 1968. Một tháng trước, Gartley còn đang sống mòn mỏi trong bóng tối của một trại giam tù binh chiến tranh, nhưng rồi không hiểu vì sao, viên trung úy hải quân 28 tuổi này cùng với hai người bạn tù bỗng nhiên được trả tự do và trở thành tiêu điểm trong cuộc đấu tranh giữa các quan chức chính phủ Mỹ và các nhà hoạt động phản chiến. Gartley đã xử lý tình huống một cách vững vàng. “Nó mới đi xa được 4 năm”, cha của Gartley nói, “nhưng đã trưởng thành thêm được 20 năm”.
Mark Gartley đang trở lại nhịp sống bình thường một cách ổn thỏa. Không có ác mộng, chỉ có niềm nuối tiếc và quyết tâm bù đắp cho khoảng thời gian đã mất. “Tôi sẽ gạt nó ra khỏi tâm trí”, Gartley bình thản nói. Nhưng anh vẫn chưa làm được điều đó.
“Những năm đầu tiên thật sự ảm đạm”, Gartley nói – những ngày dài đằng đẵng bị giam một mình hoặc với một bạn tù trong một buồng giam chật chội. Thế rồi không hiểu lý do vì sao, điều kiện giam giữ lại được cải thiện trong hai năm qua. Thức ăn khá hơn, và Gartley còn được cho một tấm chiếu để trải lên giường gỗ cứng. Các tù binh chiến tranh được phép tụ họp trong những nhóm lớn hơn và có thêm thời gian sinh hoạt bên ngoài buồng giam.
Hầu hết các tù binh chiến tranh đều giết thời gian bằng cách mơ mộng, Gartley kể. “Giấc mơ của tôi là được tới một cửa hàng thời trang nam với đầy tiền trong túi và mua quần áo mới. Mơ về đồ ăn, mơ được đi siêu thị và mua hết những thứ mình muốn. Chúng tôi nằm đó và mơ được ăn thịt thỏa thuê. Và tất nhiên, chúng tôi mơ về phụ nữ”.
Chúng tôi nói chuyện hàng giờ về bất cứ chủ đề nào – xe cộ, thức ăn, quần áo. “Từ mọi phương hướng và góc độ. Tất nhiên, hiểu biết của chúng tôi dừng ở thời điểm bị bắn hạ”. Thư từ là cực kỳ quan trọng. Gartley cho biết anh nhận được khoảng 75% số bưu phẩm mà gia đình gửi sang, và rằng những vật dụng gửi kèm (như bàn chải, kem đánh răng, giấy bút, đồ chơi) đã được nhà chức trách Bắc Việt ghi lại và cất đi. Tất cả đều được trả lại vào thời gian anh được phóng thích. Quần giữ nhiệt là một món quà tuyệt vời, cũng như bơ lạc hoặc mật ong để phết bánh mì.
Tinh thần của các tù binh chiến tranh không tệ lắm, Gartley nói. “Luôn luôn có sự lạc quan của ‘ma mới’. Nếu có một người bị bắn hạ vào mùa xuân, anh sẽ nói, ‘chúng ta sẽ được về nhà vào ngày mùng 4 tháng 7 thôi’. Nếu bị bắn hạ vào ngày mùng 4 tháng 7, thì anh sẽ nói ‘chúng ta sẽ được về vào dịp Giáng sinh’. Cứ như vậy trong suốt những năm 66, 67, 68 và các năm tiếp theo đó. Sau khi ngồi tù được khoảng một năm rưỡi, tôi quyết định là sẽ mặc kệ và kiên nhẫn chờ đợi”.
Gartley thất vọng khi biết cuộc chiến chỉ là một trong nhiều vấn đề được bàn thảo trong năm bầu cử. “Tôi nghĩ chắc mọi người đã quá mệt mỏi về nó”, anh nói. Mối quan tâm cao nhất của anh lúc này là vận động đòi phóng thích các tù binh chiến tranh còn lại. Anh có 90 ngày nghỉ và anh dự định sẽ đi khắp nước Mỹ, thăm các gia đình của tù binh chiến tranh và vận động các nhà lập pháp cải thiện phúc lợi cho tù binh chiến tranh.